Làm Giàu Với Cây Mãng Cầu Xiêm
Ông Trần Bữu Hoàng, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trước đây, khi còn làm ruộng thì với thu nhập của 4 công đất chỉ giải quyết được cho phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình, còn tất cả chi tiêu khác đều phải nhờ vào tiền chăn nuôi hoặc làm thuê thêm của 4-5 thành viên trong nhà. Từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm đến nay, gia đình đã khá lên rất nhiều, thu nhập từ 200 gốc mãng cầu xiêm được trồng trên diện tích 3.000m2 đã đem lại lợi nhuận cho ông đến 200 triệu đồng/năm. Ông Hoàng cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi vẫn cứ loay hoay bám ruộng của ông bà để sinh sống cộng với việc làm kinh tế nhỏ như nuôi heo. Nhưng thu nhập từ ruộng lúa đem lại thì đâu có là bao, trong khi con cái lớn đang tuổi ăn tuổi học phải tốn thêm nhiều chi phí nên cuộc sống luôn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nhưng thời gian sau này, thấy những gốc mãng cầu sau nhà cho trái khá nhiều mới nhận ra vấn đề là cần phải làm một cái gì đó để đổi đời”. Thế là suy nghĩ cải tạo vườn tạp trồng và nhân rộng giống mãng cầu xiêm được ông thực hiện. Dẫu biết rằng cây mãng cầu xiêm không thích hợp với vùng đất phèn, nhưng với sự tìm tòi học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước và các phương tiện thông tin đại chúng, cuối cùng ông Hoàng đã thành công.
Nếu như giống mãng cầu này thường chỉ thu hoạch từ tháng 9 kéo dài đến tháng 2 hàng năm là kết thúc, thì với cách chăm sóc của mình từ việc đào xới đất, tưới vôi diệt khuẩn đến khâu ghép cành thụ phấn, nên cây mãng cầu của ông cho trái quanh năm. Có lẽ nhờ vậy mà gần 10 năm nay nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào cây mãng cầu này đem lại. Không những thế, khi đã có thu nhập ổn định, ông còn chiết cây giống bán cho các hộ dân lân cận, có khi bán qua đến tỉnh Đồng Tháp.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: Mô hình trồng mãng cầu xiêm của gia đình ông Hoàng đã đem lại nhiều hiệu quả, nhất là giúp cho địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, đây được xem là một hướng đi mới cho nông dân trong vùng. Hiện nay, đại bộ phận người dân chỉ sinh sống bằng nghề nông nghiệp, trong đó có rất nhiều hộ còn diện tích vườn tạp, vườn kém chất lượng, trong thời gian tới, địa phương sẽ đề ra những kế hoạch cụ thể để nhân rộng mô hình. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ việc cải tạo vườn tạp để thay thế bằng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như: mãng cầu xiêm, xoài… để nâng cao thu nhập. Nếu thực hiện thành công sẽ góp phần cùng địa phương trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nhất là khi Tân Phú đang xây dựng xã nông thôn mới.
Có thể nói, mô hình trồng mãng cầu xiêm của nông dân Trần Bữu Hoàng trên vùng đất xã Tân Phú đã trở thành một điểm sáng cần nhân rộng trong thời gian tới. Nhất là huyện Long Mỹ đang phát động mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao