Tin nông nghiệp Làm mạ khay cho cấy máy

Làm mạ khay cho cấy máy

Author Trúc Quỳnh, publish date Monday. June 19th, 2017

Làm mạ khay cho cấy máy

Lưu ý, khi hạt giống đã nứt nanh thì dừng ủ nóng, chỉ để giống nơi thoáng mát là được. Kiểm tra, thấy mầm hạt giống phát triển dài bằng 1/2 - 2/3 hạt thóc thì đem gieo.

Kiểm tra mô hình gieo mạ khay

1. Giá thể gieo mạ

Gồm đất thịt khô đập nhỏ sàng lọc lấy hạt mịn, sau trộn đều với mùn cưa tỉ lệ 5:2 theo thể tích. Phân lót cho 100kg giá thể bao gồm 1,5kg lân supe + 0,2kg đạm urê + 0,2kg kali clorua. Khoảng 700 - 800kg giá thể đủ gieo cấy máy cho ha lúa.

2. Khay gieo mạ

Là khay nhựa chuyên dụng (có sẵn bán trên thị trường), kích thước 30 x 60cm, đáy có các lỗ thoát nước.

3. Ngâm ủ hạt giống

a) Lượng hạt giống (gieo khay cấy cho 1ha)

Lúa lai: 28 - 32kg. Lúa thuần cách vụ: 35 - 37kg. Lúa thuần mới thu hoạch: 45 - 47kg.

b) Yêu cầu nước ngâm ủ giống: Nước ngâm ủ hạt giống phải là nước sạch. Không ngâm ủ hạt giống bằng nước giếng khoan chưa lọc hoặc nước ao tù nhiều váng vàng, váng trắng. Tốt nhất ngâm giống bằng nước mưa hoặc nước máy.

c) Với hạt giống cách vụ: Lúa lai ngâm 16 - 20 giờ, sau ngâm 8 - 10 giờ vớt giống đãi chua và thay nước mới. Lúa thuần ngâm 36 - 48 giờ, cứ 10 - 12 giờ vớt giống đãi chua thay nước mới 1 lần.

d) Với hạt giống mới thu hoạch:

Phải tiến hành phá ngủ hạt giống bằng chế phẩm Lufain 91 hoặc Cruiser. Có thể dùng 2kg lân supe hoà tan trong nước, lọc bỏ cặn rồi ngâm cho 10kg giống, sau ngâm 24 giờ vớt hạt rửa sạch chua, rồi ngâm trở lại trong nước sạch 48 - 60 giờ nữa, cứ 10 - 12 giờ vớt giống đãi chua thay nước mới 1 lần.

Chú ý, Thời gian ngâm ủ còn phụ thuộc vào độ lớn của hạt giống và khả năng hút nước của giống. Với các giống lúa hạt to như Q5, nếp các loại... thời gian ngâm ủ có thể dài hơn. Với các giống hạt nhỏ, vỏ trấu mỏng như BT7, RVT... thời gian ngâm ủ có thể ngắn hơn.

Cần kiểm tra, khi thấy mép hạt giống đã sưng lên, nhìn qua vỏ trấu phân biệt rõ 2 phần trong và trắng của nội nhũ và phôi nhũ hạt gạo, có nghĩa hạt giống đã hút no nước.

e) Ủ giống: Khi hạt giống đã hút no nước, tiến hành vớt giống đãi sạch chua, ủ trong bao tải đay hoặc các vật dụng bằng tre nứa, tưới nước cho bao giống ngày 2 lần (sáng, tối), kết hợp đảo đều hạt giống từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, nếu thấy tay ướt nhớt và có mùi hôi chua bốc lên, phải đưa ngay giống ra rửa sạch, đợi ráo nước mới ủ tiếp.

Lưu ý, khi hạt giống đã nứt nanh thì dừng ủ nóng, chỉ để giống nơi thoáng mát là được. Kiểm tra, thấy mầm hạt giống phát triển dài bằng 1/2 - 2/3 hạt thóc thì đem gieo.

4. Gieo mạ

Đổ giá thể vào khay và gạt phẳng cho giá thể đều kín các góc khay và đạt độ dày 2-3cm. Xếp các khay mạ theo hàng, lối trên sân rồi tưới đẫm nước và tiến hành gieo mạ. Mỗi khay gieo 80 - 100g hạt giống. Cần chia lượng giống ra 2 - 3 phần để gieo đi gieo lại cho đều. Gieo giống xong tưới đẫm nước thêm 1 lần nữa và phủ kín hạt giống bằng lớp đất bột hoặc giá thể mỏng. Sau gieo giống xếp chồng các khay mạ ở nơi thoáng mát, khi mầm hạt phát triển chạm đáy khay thì rải các khay mạ ra nền đất hoặc sân bằng phẳng để chăm sóc.

Trong vụ xuân khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C cần đưa các khay mạ vào nhà kín hoặc làm vòm nilon chống rét cho mạ.

Chú ý, sau khi san giá thể ra khay không được nén, để cây mạ sinh trưởng phát triển thuận lợi.

5. Chăm sóc mạ trên khay

Tưới tối thiểu 1 lít nước/1 khay mạ/1 ngày. Khi mầm hạt lên xanh đều, pha loãng 1 - 1,5kg kg lân supe tưới thúc mạ vào chiều mát. Mạ đạt 2,5 - 3 lá có thể đưa ra ruộng cho cấy máy. Trước khi đưa mạ đi cấy 2 - 3 ngày, nên phun phòng rầy và sâu đục thân lúa bằng thuốc Penalaty + Lance 40EC hoặc Đầu trâu Merci 1,8EC + Dogent 800WP...

6. Chuẩn bị ruộng cấy

Để máy cấy vận hành thuận lợi, ruộng cần làm bằng phẳng trước khi cấy 3 - 4 ngày, mực nước cấy sền sệt, cây mạ sẽ thẳng hàng và không bị nghiêng đổ.  Hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy, nhưng tốt nhất là dòng máy Kubota, Nhật Bản. Đối với loại máy nhỏ cấy 4 hàng, 1 ngày máy cấy được từ 1,2 - 1,5ha. Mạ khay ngoài cấy máy còn có thể cấy tay (trên các ruộng diện tích nhỏ) như cấy mạ sân gieo trên nền cứng.


Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hấp dẫn ở Bình Thuận Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao… Hiểu thế nào về giống lúa kháng bạc lá? Hiểu thế nào về giống lúa kháng bạc…