Làm Sao Bán Hàng Cho Nhật?
Tại hội thảo “Nông sản Việt Nam với công nghệ Nhật Bản” do Báo Tuổi Trẻ và Báo Mainichi (Nhật Bản) phối hợp tổ chức mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cũng như nhà quản lý đều nhấn mạnh rằng Nhật Bản là một thị trường lớn nhưng khó tính, vì vậy trong sản xuất phải hết sức nghiêm ngặt.
Một chuyên gia kinh tế của Nhật Bản nói: “Người Nhật không chấp nhận những sản phẩm không đạt chất lượng. Chính từ quan điểm đó mà tất cả hàng hóa của Nhật sản xuất hay nhập khẩu vào Nhật đều phải đạt tiêu chuẩn đặt ra”.
* An toàn là hàng đầu
Trái thanh long của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản, khi đến tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều công đoạn kiểm tra, đầu tiên là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, diệt trứng ruồi vàng (qua chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng), làm sạch các chất bám bẩn, phân loại trái có kích cỡ đồng đều, kiểm tra độ ngọt của trái.
Tất cả các khâu kiểm tra gần như thông qua hệ thống máy tự động. Đơn giản nhất là độ ngọt, nếu những trái thanh long nào có độ ngọt không đúng tiêu chuẩn sẽ được trả lại nhà sản xuất. Sự nghiêm ngặt đó đòi hỏi quy trình trồng thanh long phải đồng nhất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nông dân Việt Nam còn lạm dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân hóa học. Đây là một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu sang Nhật Bản và một số thị trường khó tính khác. Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp GAP (TP.Hồ Chí Minh), cho biết một doanh nghiệp của Nhật Bản đưa giống lúa ngon từ nước họ sang Việt Nam trồng, khi thu hoạch thì gạo ăn lại không ngon như trồng tại Nhật Bản. Qua phân tích, họ phát hiện ra nguyên nhân chính là nông dân sử dụng quá nhiều phân hóa học đã làm thay đổi chất lượng của gạo.
* “Làng thần kỳ” đến Việt Nam
Ông Hanaoka Takaya, Tổng giám đốc Công ty TNHH An Phú Lacue (Lâm Đồng) kể, làng Kawakami Mura quê hương ông (huyện Minamisaku, tỉnh Nagano) nằm ở phía Tây thủ đô Tokyo, được người dân Nhật Bản quen gọi bằng tên “Làng thần kỳ’’, bởi vùng này được xem là nghèo nhất nước Nhật vào thập niên 60-70 của thế kỷ 20. Nhưng sau này, chỉ nhờ trồng rau xà lách mà Kawakami Mura hiện nay được xem là ngôi làng giàu có nhất nước. Rau chỉ trồng được 4 tháng mỗi năm (8 tháng còn lại là băng giá, có khi nhiệt độ âm từ 15-200C) nhưng thu nhập bình quân mỗi hộ tới 250 ngàn USD.
Để có được sự thần kỳ đó, vào khoảng năm 1980, người trưởng làng đã kêu gọi người dân sản xuất rau theo một tiêu chuẩn chung, nếu ai vi phạm sẽ bị cấm sản xuất. Kỹ thuật canh tác đảm bảo trăm hộ như một, rau của làng Kawakami Mura an toàn đến độ người ta có thể ăn tươi ngay tại vườn. Do thời tiết khắc nghiệt nên lượng rau nơi đây sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường.
Ông Yamaguchi Yasushi, Trưởng phòng Thực phẩm và chế biến, thuộc Bộ Nông, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản, chia sẻ văn hóa ẩm thực của Nhật Bản phát triển rất mạnh và đang được giới thiệu ra nước ngoài. Dĩ nhiên, để có được món ăn ngon thì phải có nguồn nguyên liệu tươi và an toàn, nguồn nguyên liệu đó sản xuất ở nước Nhật không đủ phải nhập khẩu. Vì thế các tiêu chuẩn được xem xét rất kỹ.
Năm 2012, ông Hironosi Tsuchiya, Giám đốc Quỹ đầu tư HT Capital tại Việt Nam về làng Kawakami Mura giới thiệu vùng đất Đà Lạt của Việt Nam, và ông Hanaoka Takaya đã đến nghiên cứu rồi quyết định trồng rau ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. 13 loại giống rau trồng thử nghiệm ở đây theo đúng quy trình nghiêm ngặt của “Làng thần kỳ” bên Nhật. Theo ông Hanaoka Takaya, việc sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn do tại Việt Nam không có các loại máy móc tương thích để hỗ trợ, phần lớn công việc vẫn phải làm thủ công, vì vậy năng suất không cao.
Chất lượng rau được trồng ở đây đã đạt tương đương so với rau trồng tại Kawakami Mura. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Công ty An Phú Lacue đang tiến hành nhập khẩu máy nông cơ từ Nhật Bản sang để hỗ trợ sản xuất, cùng với đó là đưa các công nhân sang làng Kawakami Mura đào tạo kỹ thuật.
Ông Hanaoka Takaya cho hay, sở dĩ ông chọn Việt Nam để trồng rau là do có lợi thế về địa lý, mục tiêu sau này rau của An Phú Lacue sẽ xuất khẩu về Nhật Bản và các nước châu Á. Ông chủ doanh nghiệp này cũng đang theo đuổi mơ ước biến vùng đất mình đang sản xuất trở thành một “Làng thần kỳ” như ở Nhật Bản bằng những đổi thay về tập quán canh tác.
Nguồn bài viết: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201411/lam-sao-ban-hang-cho-nhat-2353231/
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao