Dừa Làm Tăng Tỷ Lệ Đậu Trái Của Dừa Sáp

Làm Tăng Tỷ Lệ Đậu Trái Của Dừa Sáp

Publish date Thursday. March 29th, 2012

Làm Tăng Tỷ Lệ Đậu Trái Của Dừa Sáp

Dừa sáp (dừa đặc ruột) Trà Vinh trở thành đặc sản nổi tiếng, giá bán từ 100.000-150.000 đồng trái. Tuy nhiên, người trồng dừa sáp băn khoăn vì có quá ít trái dừa sáp trên quày (buồng) dừa. Thông thường tỷ lệ dừa có “sáp” chỉ khoảng 20 - 30%, có khi 90% số trái trong quày là dừa thường. Hiện nay, giống dừa sáp được nhân trồng khắp nơi, trong lúc chờ kết quả nghiên cứu mới thì cách “thụ phấn nhân tạo” đang được áp dụng.

KS. Ngô Thanh Trung, người tham gia thực hiện việc “thụ phấn nhân tạo” cho dừa sáp cho biết, thụ phấn hỗ trợ cho dừa sáp khá khó khăn do cây cao, khó quan sát, phải thực hiện thao tác thông qua cây sào từ dưới gốc... Mỗi người một ngày có thể thực hiện khoảng 20 cây, khó nhất là khâu đưa phấn đực đúng vào vị trí bông cái đang nở. Công việc này còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là mưa, gió mạnh. Phun xong gặp trời mưa thì bắt buộc phải phun lại. Công việc được tiến hành từ sáng đến trưa, qua buổi chiều tỷ lệ thành công không cao. Quan trọng phải chọn thời điểm tiến hành, cẩn thận lấy phấn hoa đực vào lúc mo dừa bung nở (gọi là bung mo) sau đó tiến hành “xử lý” và bắt đầu các công đoạn thụ phấn. Thiết bị chủ yếu tự chế, làm sao phun được phấn hoa đực (trộn với một dung dịch) bám dính lên hoa cái.

Theo hướng dẫn của anh Trung, trước khi tiến hành thụ phấn phải thực hiện xong việc lấy phấn đực trên cây dừa sáp vừa bung mo 2-3 ngày. Thời điểm này được xem là lúc phấn hoa đực đến lúc đủ mạnh, giúp bông cái thụ phấn mạnh hơn. Khi lấy phấn đực (màu trắng nhạt) cần chú ý, không lấy nhầm phấn cây dừa bình thường. Sau khi lấy đem xuống chà cho nát (nghiền vỡ ra), cho vào thùng kín, đem thùng ra đặt nơi bóng râm, nên đặt nhiệt kế đảm bảo nhiệt độ quanh thùng 37-40 độ C. Sau khoảng 2 ngày, phấn khô chuyển sang màu nâu, nghiền tiếp đến khi phấn hoa có màu vàng hột gà thì dùng rây, sàng lấy phần bột nhuyễn. Nếu phấn tốt thì đem hòa với dung dịch (do Trung tâm Đồng Gò cung cấp theo tỷ lệ hướng dẫn) rồi cho vào bình phun được nối với cây sào dài. Dụng cụ phun tự chế gồm ống nhựa trong bằng với chiều dài cây sào, ống cao su dạng trái bầu, một bộ phận chứa phấn đực. Ống cao su gắn bên dưới nối ống nhựa với bộ phận đựng phấn đực. Quá trình “vận hành” phải khéo léo sao cho khi bóp mạnh ống cao su hình quả bầu ở bên dưới thì tạo hơi thổi bột phấn đực bay ra bám quanh bông cái mới nở là được. Theo KS. Trung, nên phun như vậy liên tục từ 6-8 ngày, sau đó quan sát cuống bông cái, nếu phần đít chuyển từ màu vàng nhạt sang màu nâu thì thụ phấn xong. Do cây dừa thụ phấn chéo nên trồng dừa sáp không nên trồng thưa, và không nên xen lẫn với giống dừa thường để tăng tỷ lệ đậu trái sáp.

Đây là cách “trợ lực” khá thành công dù thao tác có hơi rườm rà. Nhiều vườn dừa trong Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân thử nghiệm đạt kết quả tốt, tỷ lệ dừa sáp 40-45%. Được biết, hiện Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu đang trong giai đoạn thử nghiệm việc nuôi cấy mô được lấy từ mộng non (mộng ở đầu trái) của trái dừa sáp, tuy nhiên giá thành cây giống sẽ cao hơn so với cây giống ươm lên từ trái khô.


Vài Nét Về Sự Hiện Diện Và Phát Triển Của Cây Dừa Bến Tre Vài Nét Về Sự Hiện Diện Và Phát… “Dừa Mủ” - Hiện Tượng Phổ Biến Trên Các Vườn Dừa “Dừa Mủ” - Hiện Tượng Phổ Biến Trên…