Làng chài mùa săn tôm hùm
Vào mùa săn tôm giống
Vào thời điểm này, các lồng bè nuôi tôm hùm ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ đang tất bật vào vụ thả giống mới. Chúng tôi tìm về các làng chuyên săn tôm hùm giống, chứng kiến không khí ở các làng nghề rộn ràng không kém.
Làng chài ven biển thuộc Vĩnh Lương (TP Nha Trang - Khánh Hòa) là một trong những làng chài có thâm niên và số lượng người săn tôm hùm giống đông bậc nhất các vùng biển hiện nay. Gần như 100% người dân nơi đây đều hoạt động nghề liên quan đến biển. Vùng biển nơi đây lại có vị trị đắc địa, được bao quanh bởi một mặt giáp biển, mặt giáp núi và hơn hết nơi đây gần với những eo biển, lệch, đầm, phá… chính là nơi lí tưởng để tôm hùm giống sinh sản, trú ngụ.
Chiều một ngày giữa tháng 6, tiết trời Nha Trang vẫn oi bức, nhưng anh Nguyễn Văn Nam phải tất bật chuyển bị dụng cụ bắt tôm. Chiếc thuyền 25CV vượt sóng cách xa bờ khoảng 400m, anh Nam bắt đầu thả những chiếc bẫy tôm xuống biển.
Sau khoảng 2 giờ, cả mặt biển trắng phau bởi hơn 150 phao bẫy tôm nổi bồng bềnh trên mặt nước. Anh Nam cho biết, anh sẽ đi thu hoạch các bẫy tôm này vào rạng sáng ngày hôm sau. Ngay hôm sau, anh khoe số bẫy gieo xuống biển bắt được 4 con tôm hùm con. Với giá bán hiện nay, anh thu về khoảng 1 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ sau một đêm lao động và đối với một người mới vào nghề như anh Nam.
Các vùng ven biển miền Trung có nhiều nơi hành nghề bẫy tôm hùm, nhưng có lẽ nhiều nhất là ở Khánh Hòa. Anh Lê Thanh Tùng (làng chài Vĩnh Lương, TP Nha Trang) vào nghề săn tôm hùm như một sự tất yếu để tìm lối thoát cho cảnh nghèo. Anh Nam năm nay đã 37 tuổi và đã có hơn nửa số tuổi đi đánh cá trên các vùng biển ngoài khơi xa.
Thế nhưng, bao nhiêu năm lăn lộn với sóng dữ, cuộc sống của gia đình anh vẫn túng thiếu, nghèo khó. Năm 2013, sau nhiều chuyến biển thất bát, thấy nghề săn tôm giống đang ăn nên làm ra, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng mua sắm dụng cụ bẫy tôm. Ngày anh Tùng mới vào nghề, do chưa quen việc nên lượng tôm đánh bắt được ít. Tuy nhiên, sau mùa thử thách đầu tiên, anh sống khấm khá nhờ nghề bẫy tôm hùm giống.
Không chỉ số tiền vay sắm dụng cụ ban đầu anh đã trả hết nợ, nay anh còn sắm mới thêm hàng trăm dụng cụ bẫy tôm. Anh khoe với chúng tôi, hiện nay bình quân mỗi đêm bẫy tôm, chí ít anh cũng kiếm được 700.000 - 800.000 đồng, thậm chí có đêm trúng lớn, anh kiếm được 5 triệu đồng. Vậy nên, sắp tới vợ chồng anh dự định sẽ xây mới căn nhà tạm dột nát bấy lâu nay, tất cả cũng nhờ vào nghề săn tôm giống đem lại.
Theo thống kê của chính quyền xã Vĩnh Lương, ở làng chài Vĩnh Lương, hiện có đến 40% ngư dân làm nghề khai thác tôm hùm giống, tất cả họ đều có cuộc sống ổn định, khấm khá lên nhờ nghề này. Vậy nên, làng chài Vĩnh Lương thường được nhiều người gọi với cái tên “làng săn tôm hùm”.
Giữ nghề bền vững
Tôm hùm nuôi xuất hiện tại miền Trung, chủ yếu là các tỉnh Nam Trung bộ cách đây hơn 15 năm. Từ vài chục hộ nuôi ban đầu, biển miền Trung nay đã có hàng ngàn hộ nuôi, với sức tăng trưởng nóng đến bất ngờ chỉ sau một vài năm hình thành. Nghề nuôi tôm hùm phát triển, sức ép về khan hiếm con giống ngày một tăng. Bởi không chỉ tôm hùm giống ít dần, khó đánh bắt mà vì loài giống tôm này chưa sinh sản nhân tạo được.
Có một thời, tôm hùm giống từ vài chục ngàn đồng/con, nhưng có khi lên đến nửa triệu đồng một con, cho thấy nó thực sự khan hiếm. Thống kê cho thấy, tại miền Trung hiện có khoảng 53.000 lồng nuôi tôm hùm và con số chưa dừng lại ở đó. Với số lượng nuôi như thế, hàng năm lượng tôm giống cần đến là hàng triệu con. Thế nhưng, năng lực khai thác tôm giống hiện nay trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50%.
Do vậy, đi đến dọc các bờ biển miền Nam Trung bộ hiện nay, đến đâu cũng thấy bẫy tôm hùm giăng trắng xóa, thậm chí có cả những bẫy tôm nằm trong vùng biển cần bảo vệ nghiêm ngặt. Tôm hùm giống khai thác ồ ạt, dẫn đến khả năng tái sinh nguồn lợi từ loài tôm này rất khó. Vậy nên,tôm giống ngày một hiếm trên các vùng biển rất dễ nhận thấy.
Liên quan đến phát triển nghề nuôi tôm hùm, Bộ NN-PT-NT nhận định việc chưa chủ động được con giống đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề tôm hùm hiện nay. Do tôm hùm giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên rất bị động trong sản xuất.
Đến nay, ngay cả trên thế giới vẫn chưa đâu sản xuất thành công giống tôm hùm bằng nhân tạo. Vì thế, việc khoanh vùng khai thác và bảo đảm nguồn tôm hùm giống trong nước quyết định rất lớn đến thành bại nghề nuôi tôm. Hưởng ứng động thái này, năm 2015, tỉnh Khánh Hòa đã ban bố lệnh cấm khai thác tôm giống ồ ạt ở một số vùng biển trọng yếu tại địa phương. Điều này là cần thiết để giữ nguồn lợi tôm hùm giống bền vững, tuy nhiên cũng gặp không ít phản đối từ ngư dân.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, đã đến lúc chính quyền và kể cả ngư dân phải hành động quyết liệt để nâng cao nghề nuôi tôm, trong đó có việc bảo vệ nguồn lợi tôm giống. “Từ trước đến nay chúng ta phát triển ồ ạt nghề nuôi tôm hùm theo số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng tôm nên hiệu quả không cao, bấp bênh. Một con tôm giống sinh ra đã bị khai thác cạn kiệt, lấy đâu ra tôm bố mẹ để tái sinh sản, đó là điều nguy hại”, ông Lăng nhấn mạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao