Mô hình kinh tế Lãng phí cây xanh chống sạt lở bờ sông

Lãng phí cây xanh chống sạt lở bờ sông

Publish date Wednesday. July 29th, 2015

Lãng phí cây xanh chống sạt lở bờ sông

Trồng xuống lại bị chặt đi

Từ năm 2011 – 2013, thành phố đã tổ chức trồng hàng loạt cây xanh trong Chương trình trồng 500.000 cây xanh chống sạt lở ven bờ sông, kênh rạch tại 7 địa phương là: Quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn.

Thế nhưng theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại rạch Ụ Ghẹ (phường Tam Phú, quận Thủ Đức) - nơi trước đây từng được thí điểm trồng cây xanh bảo vệ bờ bao thì hiện tại cây xanh rất thưa thớt. Dọc theo bờ kênh này dễ dàng thấy nhiều cây tràm to bằng cổ chân bị chặt bỏ chỉ còn trơ lại gốc. Một số người dân ngụ Khu phố 2 cho biết, trước đây khi làm bờ bao bê tông, đơn vị thi công đã cắt bớt một số gốc cây đi để có mặt bằng thi công và thỉnh thoảng cũng có người dân chặt cây mang về làm việc riêng.

Cách đó không xa tại khu vực bờ bao Rạch Đỉa, Vàm Thuật, Cầu Chùa (phường 28, quận Bình Thạnh)  - cũng từng là nơi  trồng thí điểm cây xanh bảo vệ bờ bao - giờ những cây tràm trồng ven bờ còn lại cũng rất ít. “Ở đây có nhiều đất bỏ hoang, cây trồng xuống không người trông coi nên phần thì bị chết, phần thì cây lớn lên bị chặt”- anh Lê Văn Nghĩa, một người dân sống ở đây cho biết.

Giải pháp tốt, thực hiện kém

Trong khi đó, theo đánh giá của một số nhà khoa học, với hệ thống bờ bao sông, kênh, rạch chằng chịt (gần 1.000km) của thành phố có thể thực hiện nhiều loại công trình bờ bao khác nhau để phòng tránh thiệt hại triều cường, chống sạt lở. Trong đó, cần tận dụng cây bản địa để bảo vệ bờ bao.

Tại những địa phương có nhiều bờ bao xung yếu như Thủ Đức, quận 12, Hóc Môn,…có thể trồng được các loại cây có tác dụng bảo vệ bờ bao gồm: Bần chua, dừa nước, gáo vàng, nhạc ngựa, tràm chua để bảo vệ bờ. Thậm chí, kể cả những nơi có các công trình bờ bao kiên cố cũng cần có mảng xanh ở vòng ngoài nhưng hiện phần lớn đều trơ trọi khiến cho khu vực bờ bao luôn có nguy cơ sạt lở.

Trao đổi với chúng tôi, TS Kiều Tuấn Đạt - Viện phó Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu một số loài cây bản địa phòng chống sạt lở ven sông rạch ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) cho rằng, nhiều khu vực của thành phố có thể thực hiện tốt việc trồng cây phòng chống sạt lở, triều cường. Ông dẫn chứng điển hình như tại Nhà Bè khi thực hiện đề án với việc trồng 2 vành đai cây xanh (trên bờ trồng tràm, dưới nước trồng bần) sau một năm đã thấy hiệu quả rõ rệt khi cây phát triển tốt. Đến nay, sau 4 năm thực hiện trong phạm vi dự án không còn lo sạt lở.  TS Đạt cho biết, đề án trồng 500.000 cây xanh trước đây thành phố thực hiện đã không được quản lý bảo vệ tốt nên không mang lại hiệu quả.

Cũng theo TS Đạt, việc trồng cây bảo vệ bờ bao chỉ mất khoảng 180 triệu đồng/km, bằng một phần nhỏ so với việc làm kè cứng, nhưng hiệu quả lớn nhất mà nó mang lại đó là giúp bảo vệ môi trường. Vì vậy, ông lưu ý thành phố cần phải có giải pháp giữ lại và bảo vệ cây xanh tại bờ bao kênh, rạch cho tốt, kể cả những nơi đang có công trình bờ bao kiên cố.  


Người nuôi gà đang lỗ 4.000- 5.000đồng/kg Người nuôi gà đang lỗ 4.000- 5.000đồng/kg Biện pháp tỉa cành nâng cao năng suất ca cao Biện pháp tỉa cành nâng cao năng suất…