Mô hình kinh tế Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng

Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng

Publish date Saturday. November 22nd, 2014

Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng

Cù lao An Bình (Long Hồ - Vĩnh Long) nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, diện tích khoảng 60km², nổi tiếng trái cây, chủ yếu là nhãn da bò và chôm chôm; là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất của Vĩnh Long

“Nhưng nay muốn tiêu hết rồi”, anh Nguyễn Trọng Nghĩa, một người dân ở cù lao An Bình, nói vậy. “Nhãn da bò dính bệnh chổi rồng ráo trọi. Bông nở chưa hết đã chụm lại, xám xịt như đầu rồng, không đậu thành trái được. Trước đây 1 công (1.000m²) thu hoạch cả tấn. Nay vườn nào hên lắm cũng chỉ còn một nửa số đó. Bệnh đã lan ra khắp vùng”. Trên cù lao nhà vườn ít cũng sở hữu 2 - 3 công, nhiều cả chục công nhãn da bò.

Gia đình anh Nghĩa có 2 công nhãn trồng chuyên canh gần 20 năm qua, đều bị dịch bệnh tấn công. Năm ngoái, giá nhãn da bò tại vườn chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhiều hộ không buồn thu hoạch hoặc đốn bỏ luôn. Nhiều chủ vườn cho biết năm nay giá có nhích lên, khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg nhưng vẫn không khá được do giá vật tư, nhân công lại cao hơn năm ngoái.

Bệnh chổi rồng xuất hiện cách đây khoảng 3 năm, nhưng đã trở thành dịch “tấn công” liên tục, gây tái nhiễm trên diện rộng. Tháng 4-2014, huyện Long Hồ có trên 500ha nhiễm bệnh, tập trung ở 4 xã cù lao là An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh, Đồng Phú. Đến giữa tháng 10 đã có hơn 3.427ha nhãn nhiễm bệnh này, chiếm tỷ lệ gần 82% tổng diện tích trồng nhãn toàn huyện.

Toàn tỉnh Vĩnh Long có 8.700ha trồng nhãn da bò thì hầu hết đều nhiễm bệnh, trong đó hơn 3.000ha bị nhiễm nặng. Gần 1.000ha nhãn da bò trên toàn tỉnh bị nông dân đốn bỏ để trồng các loại cây khác. Không dừng lại, chổi rồng tiếp tục lây lan sang cây chôm chôm Giava, khiến nhà vườn xứ cù lao hết sức lo lắng.

Chuyện “chổi rồng” đã không còn nhỏ. Nhằm hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh hoành hành, chính quyền hỗ trợ chủ vườn 400.000 đồng/công để “dọn vườn” theo quy trình hướng dẫn. Nhưng đến nay tình hình vẫn không khả quan. Nhiều hộ ở cù lao An Bình đã chuyển sang trồng giống nhãn mới Indo với diện tích chiếm khoảng 20%.

“Nông dân cần kịp thời được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống mới. Thu hoạch cách nhau mấy ngày mà chênh lệch đến mấy triệu đồng... Sống nhờ vườn mà nghề vườn bấp bênh, rủi ro quá, nhiều người đã bỏ đất đi làm thuê làm mướn”, anh Nghĩa nói vậy. Bản thân anh cũng đang hợp đồng với ngành du lịch Vĩnh Long chạy đò chở khách để kiếm thêm phụ vợ nuôi bầy con.

Nguồn bài viết: http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2014/11/367493/


Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu Quả Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu…