Mô hình kinh tế Lão nông làm giàu từ cây giống nuôi cấy mô

Lão nông làm giàu từ cây giống nuôi cấy mô

Author Hoàng Dân, publish date Monday. December 21st, 2020

Lão nông làm giàu từ cây giống nuôi cấy mô

Từ một đỉnh sinh trưởng, từ một mầm ngủ, mô lá lão nông ở Hưng Yên có thể tạo ra 1 vạn cây con khỏe mạnh, đặc tính như cây mẹ.

Hiện tại ông Oanh cung cấp ra thị trường 40 - 50 vạn cây giống hoa đồng tiền, lan đai châu cho doanh thu 5 tỷ đồng/năm. Ảnh: Hoàng Dân.

Chấp nhận thất bại

Không bằng cấp chuyên môn, văn hóa chỉ dừng lại ở đọc thông viết thạo, nhưng bằng niềm đam mê, ông Phan Ngọc Oanh, 60 tuổi xã Xuân Quan (Văn Giang) người đầu tiên và duy nhất của tỉnh Hưng Yên đến thời điểm này, làm chủ được phương pháp nuôi cấy mô. Người dân địa phương thì thán phục gọi ông là nông dân 4.0.

Tiếp phóng viên trong ngôi biệt thự 4 tầng khang trang, không gian rợp bóng cây xanh, ông Oanh chia sẻ lý do nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô: "Ngày đầu tôi cũng như bao người nông dân khác, đi mua cây giống về trồng, chăm sóc rồi bán. Nhưng từ thực tiễn tôi nhận thấy nếu người làm nông nghiệp không chủ động được cây giống thì sẽ lỡ mất thời vụ gieo trồng và không kiểm soát được chất lượng giống”.

Hơn nữa làng nghề hoa cây cảnh Xuân Quan quê ông được biết đến như là 1 “thủ phủ” hoa cây cảnh, với hơn 1000 hộ trồng với tổng diện tích gần 300ha cung cấp cho toàn khu vực miền Bắc. Chính vì vậy, thị trường tiêu thụ cây giống rất tiềm năng.

Nghĩ là vậy, nhưng thực tế lại vô cùng gian nan, ông Oanh trải lòng: “Đầu năm 2015, khi mới đưa ra ý tưởng, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, ai nghe cũng cười bảo tôi khùng, họ bảo đến các nhà khoa học còn gặp khó khăn khi thực hiện, chứ 1 ông nông dân như tôi mà làm thì chỉ có thất bại”.

“Giờ nghĩ lại tôi thấy mọi người nói đúng, đúng là tôi đã thất bại tới 3 lần, đã có lúc tưởng như phá sản, nhưng tôi chấp nhận và tiếp tục làm” ông Oanh nói.

Từ 3 lần thất bại, cho ông Oanh thêm nhiều kinh nghiệm, ông quyết định đi tham quan thực tế các mô hình ở Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, rồi mời cả chuyên gia nước bạn về nhà hướng dẫn. Nhờ đó, đầu năm 2018, lứa cây giống từ phương pháp nuôi cấy mô “Made in Phan Ngoc Oanh”, chính thức cung cấp ra thị trường.

Phòng thí nghiệm vô trùng. Ảnh: Hoàng Dân.

Đặc tính vượt trội

Trong ngôi biệt thự 4 tầng, ông Oanh dành toàn bộ diện tích tầng 4 rộng 110m2 để làm nơi nuôi cấy mô, ông đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất như: Thiết bị nhân giống invitro, cân điện tử, kính hiển vi, máy cất nước, tủ tăng trưởng thực vật, máy hấp tiệt trùng, máy cấy đôi…có khả năng nhân giống hàng vạn cây cấy mô mỗi năm. Trong đó có 1 phòng thí nghiệm vô trùng chỉ có nhân viên là 10 cử nhân, thạc sỹ nông nghiệp mới được vào.

Tại khu vực nuôi cấy mô, ông Oanh cẩn thận nhấc từng chiếc túi nilon, từng chai thủy tinh có chứa những mầm cây giống, ông giới thiệu về quy trình nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô một cách lưu loát, không khác gì một kỹ sư nông nghiệp.

Để có những cây giống đồng đều, đảm bảo chất lượng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Thì khâu chọn cây mẹ để làm nguyên liệu nhân giống đặc biệt quan trọng, theo đó phải chọn cây mẹ có các phẩm chất vượt trội, sạch bệnh và hơn hết nên chọn cây trồng trong nhà kính hay cây được trồng theo tiêu chuẩn đặc biệt. Thời điểm chọn mẫu cấy, lấy vào giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của cây mẹ.

Nông dân Phan Ngọc Oanh giới thiệu quy trình nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ảnh: Hoàng Dân.

Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi cấy mô, ông Oanh cho biết: “Sau khi lấy mô của một phần trên cây cần lấy giống, đem khử trùng cho vào ống nghiệm chứa môi trường nuôi cấy. Môi trường này chứa chất kích thích sinh trưởng để tái sinh các bộ phận như chồi hoặc phôi… Sau đó, mới tạo cây hoàn chỉnh để nuôi cấy và bắt đầu nhân giống.  Mỗi loài cây có một điều kiện sống khác nhau, do đó khi nuôi cấy cần phải tìm được môi trường chuyên biệt như: Nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng... của từng loại cây”.

Cây giống cấy mô được nuôi dưỡng và tăng trưởng trong ống nghiệm cho đến lúc đủ tiêu chuẩn về chiều cao, rễ lá phát triển hoàn chỉnh sẽ được đưa đi thuần dưỡng trong nhà lưới nhằm thích nghi với môi trường tự nhiên.

Hiện nay, ông Oanh đang áp dụng quy trình này để sản xuất giống cây hoa đồng tiền, địa lan và lan đai châu. Thông thường, để sản xuất ra giống cây đồng tiền bằng phương pháp này phải mất thời gian khoảng 6 tháng, đối với các loại lan phải mất thời gian từ 1 - 1,5 năm mới có thể đưa ra trồng.

Ông Phan Ngọc Oanh cho biết cây được nhận giống bằng phươngpháp nuôi cấy mô có ưu điểm sạch bệnh, thừa hưởng đặc tính như cây cây mẹ. Ảnh: Hoàng Dân.

Theo ông Oanh, cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô có những đặc tính vượt trội so với các phương pháp nhân giống cây truyền thống. Cây giống hoàn toàn sạch bệnh và thừa hưởng tất cả gen của cây gốc ban đầu mà không bị lai tạp.

Trung bình 1 năm, ông Oanh cung cấp ra thị trường từ 40 – 50 vạn cây giống với giá thành từ 5 nghìn đồng – 15 nghìn đồng/cây, doanh thu trên 5 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Điều ông Oanh vui nhất đó là, trước đây người nông dân Xuân Quan quê ông thường bị phụ thuộc vào cây giống ở thị trường Trung Quốc. Nhiều khi chỉ cần bị chậm cây giống 1 ngày khiến cây giảm chất lượng, lỡ lịch thời vụ. Giờ đây, mọi người đã yên tâm chủ động được nguồn cây giống mà giá thành rẻ hơn, lại được bảo hành đến khi cây trưởng thành.

Trong thời gian tới, ông Oanh dự kiến xây dựng thêm 4 phòng nuôi cấy mô, để luôn chủ động được nguồn giống, tăng cường áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp người trồng chủ động nguồn giống và xuất khẩu.


Mãng cầu dai 'khổng lồ' trên vùng đất sỏi cơm Mãng cầu dai 'khổng lồ' trên vùng đất… Một giống bưởi cực chất lượng do nông dân lai tạo Một giống bưởi cực chất lượng do nông…