Tin nông nghiệp Lên cao nguyên trồng xoài

Lên cao nguyên trồng xoài

Author Hồng Thắm, publish date Wednesday. August 7th, 2019

Lên cao nguyên trồng xoài

Ở thôn Tân Phú (xã Ninh Gia, huyện Ðức Trọng) giờ đây, ngoài cây trồng chủ lực là cà phê thì đã điểm thêm vào đó những sườn đồi trĩu nặng các loại cây ăn trái. Ðặc biệt là giống xoài Ðài Loan, xoài Tây… to, mọng đang trở thành lựa chọn mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nhiều nông hộ.

Cây xoài mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con thôn Tân Phú. Ảnh: H.Thắm

Tháng 6 đang là thời điểm chính vụ thu hoạch xoài, thấp thoáng bóng người và tiếng nói cười râm ran trong những vườn xoài đang trĩu quả. Phó Trưởng thôn Tân Phú dẫn chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Trọng Bình (64 tuổi). Sở dĩ đến tìm ông bởi ở đây có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến xoài người ta cũng tìm tới gặp ông để được tư vấn, giúp đỡ, vì ông là người đầu tiên đem cây xoài lên dải đất này.

Người dân nơi Tân Phú hay gọi ông là ông Năm Xoài. Thi thoảng có người gọi là ông Năm khùng. Ông bảo gọi thế nào ông cũng vui cả, vì họ nói đâu có sai. “Khi mà cà phê đang còn xanh tốt thì tôi lại liều lĩnh phá đi, mang xoài tận từ miền Tây lên để trồng thì đúng là khùng thiệt”, ông cười đùa.

Nhưng với những lão nông như ông, chẳng có việc gì làm mà không suy tính kỹ. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất cao nguyên, từ những ngày con người làm bạn với thú rừng, những con đường sỏi đá làm đôi chân trần rướm máu khiến ông ít nhiều hiểu về thời tiết, thổ nhưỡng… nơi đây  ông chia sẻ rằng, khi quan sát thấy những cây xoài rừng phát triển rất tốt thì chắc có lẽ cây xoài truyền thống ở vùng Chợ Mới (An Giang) quê hương mình sẽ phù hợp. Nghĩ là làm, ông về quê mang lên vài cây để trồng thử nghiệm.

Những cây xoài nhanh chóng bén rễ, hợp đất, phát triển xanh tốt. Nhưng dường như sự màu mỡ của cao nguyên ưu đãi quá nhiều nên trái xoài khi già thì lại nứt toác, trở thành mồi ngọt cho lũ chim trời. Nhận ra nhược điểm của các trái xoài này là vỏ mỏng nên ông quyết định một lần nữa mang lên những mầm xoài Đài Loan, ghép với cây xoài trong vườn nhà. Kết quả thành công ngoài mong đợi. Và, cũng từ đây (năm 2013), ông bắt đầu có thêm biệt hiệu là “Năm khùng”.

Sau gần 2 năm, ông thu được những trái xoài đầu tiên. Thế nhưng giống xoài lạ, trái to, nặng trên dưới 1 kg lại không được người dân vùng núi ưa chuộng. Ông bèn đóng thùng gửi theo xe bán ngược về các tỉnh miền Tây. Nhận thấy xoài ở đây có chất lượng tốt hơn nên cả con trai ông cũng theo cha lên trồng, đồng thời gia đình ông cũng tiến hành thu mua thêm của bà con để mang đi nơi khác tiêu thụ.

Hiện nay ở Tân Phú đã có khoảng trên 10 hộ trồng xoài với diện tích khoảng 20 ha, trong đó, một số diện tích là xâm canh tại xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà). Bà Nguyễn Thị Út (55 tuổi) cho biết, gia đình bà hiện cũng có khoảng 1,5 ha xoài chuyển đổi từ cây cà phê già cỗi. Cũng giống như ông Năm Xoài, bà Út cũng theo gia đình đi lập nghiệp ở vùng đất mới. Thấy cây xoài mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, bà mạnh dạn trồng thử. Năm thu hoạch thứ 2, năng suất đạt 9 tấn/ha. 

Theo ông Năm Xoài, năng suất trung bình có thể đạt 15 tấn/ha/vụ. Với giá bán trung bình từ 10.000 - 20.000/kg, sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình ông được cải thiện đáng kể. Chưa kể hiện nay các gia đình đang tiến hành thử nghiệm cho ra trái vụ, thu vào dịp cuối năm để phục vụ nhu cầu trong Tết Nguyên đán thì dự kiến nguồn thu từ việc trồng xoài còn cao hơn rất nhiều. 

Giống xoài Đài Loan sau khi ra trái, sử dụng các loại túi bọc trái để tránh côn trùng cũng như ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật để cho trái căng mọng, phát triển đều. “Người ta chuyển sang trồng xoài một phần do cây này không tốn nhiều chi phí đầu tư, công chăm sóc. Nhất là quá trình thu hái không cần quá nhiều lao động như cây cà phê. Một ha thì chỉ cần khoảng 2 người, thu hoạch trong khoảng 2 tháng là xong”, ông Năm Xoài cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu của bà con là rất lớn, ông đã tìm về Tiền Giang để kết nối với các cơ sở cây giống, cung cấp cho bà con trong và ngoài xã. Đồng thời cam kết thu mua khi thu hoạch. Ông Năm Xoài còn đang ấp ủ thành lập một tổ hợp tác để có thể trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ bà con cũng như tạo thương hiệu cho trái xoài ở mảnh đất này.

Dẫu vậy, đó cũng chỉ là nhu cầu tự phát của bà con khi nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây xoài. Theo Trưởng thôn Nguyễn Bá Thanh, từ một hộ trồng, hiện nay diện tích xoài vẫn đang tăng lên. Trước mắt, nhu cầu của thị trường về loại trái cây này khá cao, nhất là khi trái vụ, giá bán cao gấp đôi, gấp ba lần. Vả lại đất ở khu vực này trồng cà phê đạt năng suất không cao, hợp với cây xoài hơn nên cũng động viên một số hộ nếu có nhu cầu chuyển đổi.


Nuôi heo trong vườn bưởi thu 1 tỷ đồng/năm tại Lâm Đồng Nuôi heo trong vườn bưởi thu 1 tỷ… Làm trà từ vỏ cà phê Làm trà từ vỏ cà phê