Lén Lút... Nuôi Tôm Làm Giàu
Đào ao ban đêm.
Người dân ở các vùng được qui hoạch ngọt hóa ở một số xã tại Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre) trong hơn một năm qua đã “lén lút” đào ao nuôi tôm nước mặn vì lợi nhuận từ con tôm quá mạnh mẽ. Dù chính quyền địa phương kiểm soát gắt gao nhưng họ vẫn làm cho bằng được, không ngại khó khăn, tốn kém, cản trở…
Hì hục suốt đêm trường
Hơn 18 giờ, trong căn nhà lụp xụp, chật chội của ông Nguyễn Văn Đực (50 tuổi, ấp Vĩnh Tây, xã Vang Quới Đông, Bình Đại), có 5 lực điền đang chuẩn bị len, dao, cuốc… để chờ đêm xuống là đào. “Đã vay ngân hàng 100 triệu đồng thế chấp bằng sổ đỏ, để lo cho đứa con đi học ở TP. Hồ Chí Minh, phần còn lại dùng làm vốn nuôi tôm thẻ. Sẽ không bao giờ khá nổi nếu chỉ với mấy cây dừa luôn thất bát này” - ông Tài tâm sự.
Gia cảnh của ông hiện rất khó khăn, con gái lớn lấy phải chồng nghèo nên đùm túm về nhà để gia đình ông bảo bọc. Ông dự định sẽ sử dụng 400m2 để thả tôm nuôi, trong gần 2ha dừa của gia đình. “Kinh phí chỉ trên 10 triệu đồng nếu làm bằng ko-be, còn làm tay thế này phải trên 40 triệu đồng. Nhà có đến hơn 6 miệng ăn và các chi phí phát sinh khác nữa… nên đành phải liều” - ông Đực nói.
Hơn 19 giờ, màn đêm buông xuống. Muỗi bay vo ve, tiết trời càng lúc càng lạnh. Họ mang len, cuốc đi xuống cái đầm lầy đang nham nhở bùn sình vì đêm qua đào dang dở. Len ống xắn từng cục bùn dài, trơn trượt, ông Đực chuyền sang tay cho những người bên cạnh. Sau khi qua 10 cánh tay chạm thì cục bùn kia lên được đến bờ, có khi tới nơi chỉ còn phân nửa. Cái việc ấy, họ liên tục làm trong 2 giờ liền. “Mấy anh em nghỉ tay xíu, lên uống trà đỡ mệt” - đó là lời của vợ ông Tài đang bưng trên tay bình trà đá và ấm trà nóng ra, gọi chồng.
Càng về sáng, tiết trời càng lạnh. Trong bếp, vợ ông Đực đã thức dậy nấu nước uống. 5 người đó vẫn đều đều làm việc, kiệt sức đến độ họ không buồn hé nửa lời với nhau.
Việc phá vỡ qui hoạch tiếp tục diễn ra
“Nếu đào ban ngày là bị UBND xã tịch thu phương tiện và bắt cam kết không tiếp tục đào ao nữa” - ông Phạm Văn H. (58 tuổi, xã Thới Lai) cho biết. Liên tục trong 3 tháng trời rình rập ông cũng đào xong cái ao diện tích 7.000m2, đã hạ cánh quạt, xử lý nước và chờ tôm giống.
Trường hợp anh Hứa Thanh Hoàng ở xã Phú Long thì “mệt” hơn nhiều. “Trong 5 năm liền nuôi tôm nước mặn là 4 năm “gãy” giữa chừng, nợ ngập đầu. Không cho nuôi tôm để gỡ chắc gia đình tui cũng bỏ xứ mà đi, thua tôm thì gỡ bằng tôm chứ bằng nghề khác là không ăn thua” - anh Hoàng bộc bạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có rất nhiều bà con ở Ba Tri, Bình Đại đang trong quá trình đào ao bị ngăn cản, tịch thu đồ nghề, phá cây nước mặn, và không cho ko-be lai vãng để làm. Trong đó, nhiều hộ đang dang dở mà ko-be không được phép làm và trong ao quá nhiều gốc dừa to chưa được đào lên nên cũng đành bỏ phế.
Tại các xã Thạnh Trị, Phú Long (Bình Đại), Tân Xuân, Mỹ Thạnh (Ba Tri), mặc dầu qui hoạch là vùng ngọt hóa, nhưng đập Ba Lai hầu như đã làm họ mất niềm tin bởi 2 dòng mặn, ngọt không rạch ròi vì bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên sông Ba Lai.
Tại khu vực này có rất nhiều hộ dân phá vỡ qui hoạch vùng ngọt hóa để đóng cây nước mặn và đào ao thả tôm nước mặn. “Nhưng sông Ba Lai có sáu tháng nước mặn, sáu tháng nước ngọt. Người dân nuôi trồng theo mùa nước. Do chưa thực hiện hoàn chỉnh dự án ngọt hóa cục bộ sông Ba Lai nên mặn vẫn xâm nhập sâu vào đất trồng lúa, mía khu vực này và chưa thể dẫn nước ngọt từ vùng ngọt hóa vào tưới tiêu cây trồng.
Cũng do độ mặn sông Ba Lai ngày càng tăng nên nhiều người bức xúc mưu sinh chuyển sang nuôi tôm, trái với quy hoạch của xã mà không thể cản được” - một cán bộ huyện Bình Đại nói. Trong khi đó, bên kia đập Ba Lai, nông dân trồng lúa, mía... của xã Tân Xuân cũng chung cảnh ngộ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao