Lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2021
Mới đây, Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn số 2620/TCTS-NTTS ban hành khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2021.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 – 2021 sẽ tiếp tục xuất hiện sớm và gay gắt ở ĐBSCL, có thể tương đương như năm 2015 – 2016, thậm chí có thể như mùa khô năm 2019 – 2020, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm nước lợ năm 2021.
Để triển khai kế hoạch sản xuất năm 2021, Tổng cục Thủy sản hướng dẫn khung lịch mua vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2021, cụ thể như sau:
1. Đối với các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế:
- Nuôi tôm sú: thả giống từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2021.
- Nuôi tôm thẻ chân trắng: thả giống từ tháng 3 đến tháng 8/2021.
– Nuôi tôm vụ đông (những vùng nuôi có cơ sở hạ tầng tốt, môi trường nước ổn định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật): thả giống đến hết tháng 10/2021.
2. Đối với các tỉnh/thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên:
– Nuôi tôm sú: thả giống từ tháng 2 đến tháng 8/2021.
– Nuôi tôm thẻ chân trắng: thả giống từ tháng 2 đến tháng 8/2021.
3. Đối với các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận:
– Nuôi tôm sú:
+ Nuôi thâm canh, bán thâm canh: thả giống từ tháng 2 đến tháng 9/2021.
+ Nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến: thả giống từ tháng 2 đến tháng 8/2021 (các vùng nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến cuối tháng 9/2021).
– Nuôi tôm thẻ chân trắng: thả giống từ tháng 2 đến tháng 9/2021 (Các vùng nuôi ít chịu ảnh hưởng của bão, lũ lụt tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận,Bình Thuận có thể thả giống đến tháng 12/2021).
4. Đối với các tỉnh/thành phố Đông Nam bộ (Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh):
– Nuôi tôm sú:
+ Nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh: thả giống từ tháng 2 đến tháng 7/2021.
+ Nuôi tôm sú kết hợp với cua, cá; nuôi tôm rừng: thả giống từ tháng 12/2020 đến tháng 8/2021.
– Nuôi tôm thẻ chân trắng: thả giống từ tháng 2 đến tháng 8/2021 (một số cơ sở đảm bảo điều kiện hạ tầng có thể thả giống đến tháng 10/2021).
5. Đối với các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL
– Nuôi tôm sú:
+ Nuôi thâm canh, bán thâm canh: thả giống từ tháng 12/2020 đến tháng 9/2021.
+ Nuôi tôm sú kết hợp với cua, cá; nuôi tôm rừng: thả giống quanh năm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, người nuôi cần ngăt vụ để cải tạo ao, đầm để diệt mầm bệnh ít nhât 1 lần/năm.
+ Nuôi luân canh tôm – lúa: thả giống từ tháng 1 đến tháng 5/2021.
– Nuôi tôm thẻ chân trắng: thả giống từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2021.
Lưu ý: Các tháng 2,3,4/2021 dự báo cao điểm của nắng, nóng, xâm nhập mặn: Để tránh thiệt hại cho người nuôi tôm với loại hình luân canh tôm – lúa nên thả giống từ giữa tháng 12/2020 đến đầu tháng 5/2021 và thu hoạch dứt điểm vào tháng 8/2021 đồng thời khuyến cáo các vùng/cơ sở nuôi tôm không chủ động được nguồn nước, cơ sở hạ tầng không đảm bảo không nên thả nuôi.
6. Đối với hình thức nuôi tôm trong hệ thống ao/bể nuôi có mái che, kiểm soát hoàn toàn điều kiện nuôi
Các địa phương có cơ sở nuôi tôm trong hệ thống ao/bể nuôi có mái che: có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết; chủ động kiểm soát tốt các yếu tố môi trường; chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm.
Quản lý mùa vụ và yếu tố đầu vào
Tổng cục Thủy sản yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ven biển: Căn cứ vào khung lịch mua vụ chung và tình hình thực tế ở từng địa phương để xây dựng lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ cụ thể, phù hợp cho từng vùng sinh thái trên địa bàn. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai quan trắc cảnh báo môi trường và các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương phổ biến lịch mùa vụ, tổ chức hướng dẫn kỹ thuạt, quản lý tốt việc thả giống, điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời khi có yêu cầu để phù hợp với thực tế sản xuất; Triển khai các nhiệm vụ kiểm soát tốt chất lượng con giống và vật tư đầu vào dùng trong nuôi trồng thủy sản; Khuyến cáo các cơ sở/vùng nuôi liên kết với Hiệp hội Tôm giống/cơ sở sản xuất giống uy tín để có con giống chất lượng phục vụ sản xuất.
Khuyến cáo người nuôi sử dụng con giống cỡ lớn qua ương dưỡng; áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, tuần hoàn, ít thay nước… Đồng thời tiếp tục triển khai quy trình nuôi tôm nước lợ hạn chế hóa chất tại Phụ lục 2,3 kèm theo văn bản số 2886/TCTS-NTTS ngày 24/12/2019 của Tổng cục Thủy sản.
Mặt khác, triển khai có hiệu quả kế hoạch kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ; Chỉ đạo đơn vị chuyên môn tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản số 586/TCTS-NTTS ngày 27/3/2020 về việc báo cáo kết quả triển khai Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những tỉnh trọng điểm về sản xuât tôm giống như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…: ngay từ đầu vụ cần tăng cường kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống; kiểm tra việc sử dụng tôm bố mẹ theo quy định để đảm bảo chât lượng tôm giống.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao