Mô hình kinh tế Liên Kết Bền Vững

Liên Kết Bền Vững

Publish date Thursday. June 21st, 2012

Liên Kết Bền Vững
Người nuôi cá tra thương phẩm và các DN chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đang gặp khó trước áp lực vốn đầu tư sản xuất. Muốn nuôi 1 ha cá tra, nông dân cần đầu tư vốn từ 6 - 8 tỉ đồng. Với nguồn vốn lớn như vậy, người nuôi không thể tự huy động mà phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi đều khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng và nếu muốn vay thì bắt buộc phải có tài sản thế chấp và hạn mức thấp không đủ yêu cầu đầu tư.

Liên kết giữa DN và người nuôi được xem là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị ngành chế biến và xuất khẩu cá tra.

Năm 2011, có thời điểm lãi suất ngân hàng dao động từ 18% - 24%, người nuôi cá tra lao đao vì chi phí vốn cao, thị trường tiêu thụ khó khăn là “cú đúp” đẩy người nuôi vào con đường phá sản. Hiện nay, lãi suất ngân hàng đã giảm, người nuôi chưa thể tiếp cận vốn được ngay vì đã hết tài sản thế chấp hoặc chưa đến kỳ đáo hạn. Các DN thủy sản cần nhu cầu vốn để mua nguyên liệu phục vụ chế biến cũng gặp khó. DN đối mặt cùng lúc với sự mất niềm tin từ phía ngân hàng lẫn người nuôi.

Việc ngân hàng mất lòng tin với các DN chế biến cá tra là do tình trạng một số DN trong ngành này đã sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư cho các mục tiêu trung và dài hạn, đầu tư ngoài ngành. Theo các nhà chuyên môn lẫn DN, hiện nay, trong chuỗi giá trị của ngành hàng, người nuôi nhỏ lẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ngoài việc khó tiếp cận nguồn vốn thì người nuôi còn phải gánh chi phí đầu vào cao (ít nhất là 10% so với các hộ nuôi có liên kết với DN hoặc DN tự đầu tư vùng nuôi). Các DN cho biết đầu tư vùng nuôi sẽ giúp DN chủ động nguyên liệu, giảm chi phí đầu vào song suất đầu tư lớn khiến DN không thể gánh vác hết. Vì vậy, cần có sự phân công và phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các tác nhân tham gia chuỗi. Khi đó, mô hình liên kết giữa DN và người nuôi được xem là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị của con cá tra.

Ông Chương Văn Khanh, một hộ nuôi cá tra thương phẩm ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tôi nuôi cá thương phẩm hơn 10 năm nay. Chỉ có những năm gặp khó khăn như 2008 - 2009 thì nuôi ít lại, tránh tình trạng bị ép giá do cung vượt cầu”. Tuy nhiên, sau một thời gian dài tham gia nuôi cá tra thương phẩm, ông Khanh đã mạnh dạn tăng thêm diện tích nuôi khi đã ký được hợp đồng liên kết với một số công ty chế biến thủy sản. Tùy theo mỗi công ty mà hình thức liên kết cũng được thay đổi sao cho phù hợp. Nhưng điều quan trọng là hộ nuôi ổn định đầu ra và được DN san sẻ một phần khó khăn về vốn để đầu tư một phần hoặc toàn bộ cho chi phí thức ăn trong quá trình nuôi tùy theo thỏa thuận giữa đôi bên.

Giải quyết thỏa đáng nhu cầu vốn cho người nuôi lẫn DN, tạo ra động lực thúc đẩy ngành xuất khẩu chủ lực của vùng phát triển theo hướng bền vững là vấn đề đặt ra đối với ngành chức năng, các địa phương và các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị này. Theo ông Dương Văn Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) bên cạnh việc đề nghị Chính phủ xem xét có gói cứu trợ riêng cho sản xuất và tiêu thụ cá tra thì ngành thủy sản, các DN thủy sản đang đề xuất giải pháp hỗ trợ tay 3 với mục đích hỗ trợ DN vay vốn mua cá thông qua ngân hàng thanh toán trực tiếp cho người nuôi với sự giám sát của UBND các tỉnh, thành ĐBSCL. Và điều kiện để thực hiện giải pháp này là giữa DN và người nuôi buộc phải ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Xử Lý Vụ Việc Người Nước Ngoài Nuôi Cá Ở Vịnh Cam Ranh Xử Lý Vụ Việc Người Nước Ngoài Nuôi… Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến - Tạo Nguồn Nguyên Liệu Cho Xuất Khẩu Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến - Tạo…