Tin nông nghiệp Liên kết chăn nuôi lớn

Liên kết chăn nuôi lớn

Author NHÓM PV KINH TẾ, publish date Thursday. March 31st, 2016

Liên kết chăn nuôi lớn

Do là loại thực phẩm dùng phổ biến hàng ngày nên thịt heo là một trong những mặt hàng dễ bị cạnh tranh khi hội nhập. Bên cạnh chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, vấn đề heo giống cũng chưa được chú trọng khi người dân chủ yếu tự lai tạo từ đàn heo sẵn có, chất lượng chưa cao. Chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trong lai tạo đàn heo giống đang là những hướng đi cần thiết.

Trung tâm phân phối heo giống của vùng

Cặp tuyến đường Tri Tôn – Vàm Rầy của xã vùng sâu Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang), thời gian gần đây xuất hiện trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn. Những hộ nuôi heo nhỏ lẻ chắc chắn sẽ bỡ ngỡ khi thấy quy mô xây dựng trang trại rộng 13.711m2 trên dự án có diện tích sử dụng đất gần 12,7 héc-ta. Ở đó, Công ty TNHH Giống – Chăn nuôi Việt Thắng An Giang (Công ty Việt Thắng) đã xây dựng hoàn chỉnh chuồng trại, văn phòng, nhà kho, nhà nghỉ nhân viên, hệ thống biogas, xử lý nước nuôi, đường công vụ nội bộ, trồng cây xanh tạo cảnh quan… “Khi xây dựng trang trại này, chúng tôi ứng dụng và tiếp thu công nghệ chăn nuôi heo hiện đại của thế giới, phát triển ngành chăn nuôi heo của địa phương có tính cạnh tranh và hiệu quả hơn. Qua đó, tạo sự chuyển dịch trong chăn nuôi heo theo hướng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn, năng suất cao, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu thị trường và lợi nhuận người chăn nuôi” – ông Võ Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Việt Thắng, chia sẻ.

Với trang trại quy mô lớn, Công ty Việt Thắng dự kiến đầu tư 1.400 con heo nái sinh sản và 40 con heo đực giống, dự kiến cho ra đời 39.200 heo con/năm, đủ cung cấp con giống chất lượng cao cho địa phương và các khu vực lân cận. Dù dự án có tổng quy mô đầu tư lên đến 130 tỷ đồng nhưng ông Hùng tỏ ra tự tin về khả năng thu hồi vốn. “Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 20 lao động (gồm phổ thông, trung cấp, quản lý và cao cấp), góp phần cải tạo chất lượng đàn heo giống của tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận, nâng cao giá trị sản xuất chăn nuôi trong ngành NN. Về hiệu quả kinh tế dự án, sau 5 năm sẽ thu hồi vốn” – ông Hùng thông tin.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến

So với cách tự lai tạo con giống từ đàn heo đang nuôi của người dân, trang trại heo giống công nghệ cao của Công ty Việt Thắng có những ưu việt hơn rất nhiều. Giám đốc Võ Thanh Hùng cho biết, trang trại sẽ nhập trọn gói từ 4 đối tác của Đan Mạch, nhằm đảm bảo chất lượng con giống tốt nhất cho người chăn nuôi.

Trong đó, Tập đoàn sản xuất heo giống Danbred International sẽ cung cấp đàn heo giống cụ kỵ, Tập đoàn Skiold (nổi tiếng trong lĩnh vực cơ khí) chịu trách nhiệm phần thiết kế hệ thống thiết bị chuồng trại, Tập đoàn Andritz cung cấp dây chuyền, công nghệ 2 nhà máy thức ăn, còn Tập đoàn Vilomix (đứng thứ 4 Châu Âu về giải pháp dinh dưỡng trong chăn nuôi heo) sẽ giúp xây dựng nhà máy sản xuất Premix, thuốc thú y.

“Ngoài việc cung cấp hậu cần phục vụ dự án, các đối tác đến từ Đan Mạch cũng cam kết đồng hành với công ty chuyển giao trọn gói quy trình kỹ thuật cũng như các giải pháp chăn nuôi nhằm hướng đến mục tiêu đạt năng suất, chất lượng, đảm bảo tính cạnh tranh cao nhất cho sản phẩm.

Ngoài ra, thiết bị biogas và xử lý nước được cung cấp từ Công ty Clent (Thái Lan) với 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo hiệu quả tận dụng biogas và không gây ô nhiễm môi trường” – ông Hùng thông tin thêm. Giám đốc Công ty Việt Thắng cho biết, nếu có quỹ đất, công ty sẽ nghiên cứu mở rộng thêm dự án.

Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, trên cả nước chưa có nghiên cứu sản xuất heo nái thuần chủng, mà chủ yếu do người dân lựa chọn trong đàn heo thịt để lại làm heo nái, chất lượng heo giống chưa cao.

“Hệ số chuyển hóa thức ăn trong chăn nuôi heo ở Việt Nam hiện nay là 2,8 (lượng kg thức ăn chuyển hóa thành 1kg thịt heo). Đây là hệ số cao hơn so với nhiều nước trên thế giới dẫn đến chi phí đầu tư cao, khó cạnh tranh khi hội nhập. Việc chuyển giao đầu tư heo nái từ heo ông bà thuần chủng là một tín hiệu mừng trong việc cải tạo chất lượng đàn heo giống của An Giang và các địa phương lân cận” – ông Thư chia sẻ.

Do vậy, ngay khi UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty Việt Thắng, các sở, ngành tỉnh đã nhanh chóng hỗ trợ tìm quỹ đất, hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng tại xã Lương An Trà cho chủ đầu tư. “Tỉnh cần tạo thêm quỹ đất quy mô lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nếu doanh nghiệp đến đầu tư mà phải chờ giải phóng mặt bằng thì rất dễ mất cơ hội” – ông Thư nêu ý kiến.


Đã mắt với những cánh đồng mới Đã mắt với những cánh đồng mới Ra mắt CLB Chuyên gia cây ăn quả Bayer Ra mắt CLB Chuyên gia cây ăn quả…