Mô hình kinh tế Liên Kết Tiêu Thụ Còn Nhiều Việc Phải Làm

Liên Kết Tiêu Thụ Còn Nhiều Việc Phải Làm

Publish date Wednesday. November 19th, 2014

Liên Kết Tiêu Thụ Còn Nhiều Việc Phải Làm

Thiếu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện đang là khó khăn lớn đối với sự phát triển của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, nhất là HTX nông nghiệp. Trong khi đó, hàng hóa cung ứng chưa đạt chất lượng đồng đều, sự thiếu năng động của các HTX cũng là khó khăn rất lớn cho việc liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay.

Nhìn nhận một cách khách quan, sợi dây liên kết “4 nhà” ở Đồng Tháp vẫn còn rối như tơ vò. Khó khăn ở cả phía người nông dân, doanh nghiệp lẫn Nhà nước.

Người nông dân vẫn nặng tư tưởng sản xuất tự cung, tự cấp, chưa có thói quen tìm hiểu và đón đầu thị trường nên đành chấp nhận thực trạng sản phẩm làm ra tiêu thụ bấp bênh, may rủi. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết và những kiến thức cơ bản về pháp luật trong hoạt động kinh tế của người nông dân còn hạn chế.

Bởi vậy, mỗi mô hình liên kết được xây dựng đều vướng từ việc đả thông tư tưởng đến tìm kiếm nguồn vốn và tổ chức sản xuất theo đúng hợp đồng được ký kết. Thiếu năng lực trong tiếp cận nguồn vốn và các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng là một thực tế đang diễn ra tại các doanh nghiệp và HTX ở Đồng Tháp.

Để vay được vốn phát triển sản xuất, doanh nghiệp và HTX cần có dự án kinh doanh khả thi, có tài sản thế chấp mới đảm bảo các yêu cầu đầu tư tín dụng của ngân hàng. Thế nhưng, khi đáp ứng đủ các điều kiện này, việc tiếp cận với nguồn vốn vay này không phải là chuyện dễ dàng.

Đơn cử như HTX nông nghiệp số 1 - An Bình A (TX.Hồng Ngự), là một trong những đơn vị đầu tiên được giải ngân 375 triệu đồng từ Quỹ đầu tư phát triển HTX tỉnh để đầu tư mua 1 máy kobe làm dịch vụ đào đất. Ông Nguyễn Lộc - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp số 1 - An Bình A phấn khởi cho biết: “Từ nguồn vốn vay, HTX có thêm dịch vụ làm đất, nâng tổng số lên 3 dịch vụ. Lãi suất vay thấp hơn so với các ngân hàng thương mại - là một thuận lợi khi tiếp cận nguồn quỹ này.

Thế nhưng để tiếp cận với nguồn vốn vay này phải mất hơn 2 tháng làm hồ sơ vay vốn và qua nhiều lần điều chỉnh, bổ sung các thủ tục, đặc biệt là thực hiện một dự án kinh doanh trên giấy tờ hẳn hoi là vấn đề hết sức khó khăn với một HTX nông nghiệp”.

Theo ông Lộc, chỉ là hoạt động vay vốn để đầu tư mua máy làm dịch vụ đào đất thì chỉ cần thể hiện bằng “phương án kinh doanh” là đủ, không nhất thiết phải là “dự án” mang tính quy mô, khiến HTX ngại ngần. Đây cũng là thực tế chung của các HTX trên địa bàn tỉnh.

Tương tự, việc tiếp cận vốn vay và tìm đầu ra cho sản phẩm tại HTX rau an toàn xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) cũng là bài toán khó.

Theo ông Trần Thanh Phú - Giám đốc HTX rau an toàn xã Long Thuận: “HTX có 160ha rau được chứng nhận rau sạch, đảm bảo cung cấp sản lượng lớn, an toàn ra thị trường. Nhưng vì chưa liên kết được với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ, chế biến nên sản phẩm của HTX vẫn buộc phải bán cho thương lái với giá như hàng thường”.

Trong khi đó, muốn liên kết để đưa hàng hóa vào các siêu thị lớn thì đòi hỏi hàng hóa phải đảm bảo đủ các yêu cầu như: chất lượng, thời gian cung cấp ổn định; xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, kho lạnh bảo quản... mà HTX không có vốn để đầu tư. Ông Phú cho biết thêm: “Để có chỗ đứng trong siêu thị, sản phẩm phải đáp ứng nhiều quy định với điều kiện gắt gao.

Chẳng hạn, với mặt hàng rau an toàn, phải đảm bảo quy trình sản xuất sản phẩm sạch, khâu bảo quản cũng phải có kho đông lạnh, thực hiện đầy đủ các thủ tục về mã vạch, bao bì, thương hiệu sản phẩm... nhưng hiện tại HTX chưa có nguồn vốn để thực hiện các yêu cầu đó”.

Bên cạnh thiếu vốn sản xuất, mối liên kết chưa chặt chẽ ở tỉnh ta còn thể hiện ở việc cung ứng hàng hóa không ổn định. Một ví dụ ở nghề chăn nuôi heo tại huyện Châu Thành. Qua gần 1 năm thực hiện liên kết với Công ty Vissan, HTX chăn nuôi heo Phú Bình đã cung ứng cho công ty được khoảng trên 10 ngàn con heo thịt, thế nhưng 2 tháng gần đây do nguồn con giống không tốt, không đảm bảo yêu cầu của công ty, nên việc ký kết giữa HTX và công ty phải tạm dừng để củng cố lại lượng con giống, khoảng đến giữa năm 2015 HTX mới có sản phẩm cung ứng lại cho công ty.

Tương tự, ở HTX xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh), vừa qua HTX ký kết được đối tác Hàn Quốc cung ứng 50 tấn xoài cát chu, theo yêu cầu của công ty, bắt đầu vụ thu hoạch xoài tháng 10/2014 HTX phải cung cấp các loại xoài hàng tháng từ 100-200 tấn, nhưng tại HTX chỉ cung ứng đủ khoảng 30% sản lượng mà khách hàng yêu cầu. Điều này cũng khiến doanh nghiệp bao tiêu ngán ngại trong liên kết tiêu thụ.

Việc lúng túng trong khâu ký kết hợp đồng tiêu thụ ở một số HTX nông nghiệp hiện nay cũng là một rào cản rất lớn trong khâu tiêu thụ nông sản. Có thể thấy, mặc dù các mặt hàng nông sản như lúa, cá vấn đề bao tiêu được xúc tiến thực hiện, nhưng lại thường xảy ra tình trạng trắc trở hợp đồng, dẫn đến việc mua bán không thành giữa người dân và doanh nghiệp.

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, nguyên nhân khách quan do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, còn nguyên nhân chủ quan do hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và HTX đa số còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, các nội dung cơ bản của hợp đồng chưa cụ thể, nhất là các tiêu chí về chất lượng lúa, thời gian thu hoạch, khảo sát và thỏa thuận giá thị trường, phương pháp kiểm định chất lượng lúa, dụng cụ cân đo... nên khi xảy ra tranh chấp khó xử lý.

Về chủ quan, giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân và ngược lại chưa có sự thông cảm, chia sẻ khó khăn; tính pháp lý của hợp đồng chưa cao; biện pháp chế tài trong hợp đồng chưa đủ mạnh; các ngành, các cấp chưa có giải pháp hợp lý để quản lý và sử dụng lực lượng thương lái, dẫn đến việc mua bán không thành giữa người dân và doanh nghiệp...

Một thực tế khác cần phải nhìn nhận, lâu nay phần lớn các HTX nông nghiệp chỉ lo tập trung vào kỹ thuật, nâng cao năng suất sản xuất, nhưng lại hạn chế trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm, HTX không chủ động tìm đầu ra sản phẩm mà có tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo Sở Công Thương, thời gian qua, Sở đã làm nhiệm vụ kết nối giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp phân phối sản phẩm tại TP.HCM để liên kết tiêu thụ nông sản, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế hiện nay là các HTX, doanh nghiệp địa phương vẫn chưa thiết tha với mô hình liên kết này.

“Mặc dù chúng tôi đã tìm được đầu mối phân phối sản phẩm nhưng do một số cán bộ lãnh đạo HTX, cơ sở sản xuất chưa năng động thực hiện nhiệm vụ liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường, còn hạn chế trong giao tiếp, tiếp xúc khách hàng hoặc viện lý do cơ sở vật chất hạn chế, sản phẩm phân phối ít nên với số lượng hàng hóa đó họ bán tại địa phương cũng được, không cần phải đi xa, tốn công. Chính tâm lý này mà việc tìm đầu ra của nông sản địa phương còn gặp nhiều khó khăn” - ông Phan Kim Sa, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp chia sẻ.

Nguồn bài viết: http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187BDC/Lien_ket_tieu_thu_con_nhieu_viec_phai_lam.aspx


Mở Rộng Quy Mô Sản Xuất Mở Rộng Quy Mô Sản Xuất Cơ Hội Từ Xuất Khẩu Trái Cây Cơ Hội Từ Xuất Khẩu Trái Cây