Liều bỏ mía trồng cây ăn quả, hóa ra lại ăn to
Phá toàn bộ diện tích mía kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây ăn quả, chị Trần Thị Cảm (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) được mọi người cho là... liều. Tuy nhiên, kết quả làm không ít người nơi đây phải ngưỡng mộ.
Chị Cảm chăm sóc vườn ổi
Về huyện Kbang, không khó khi hỏi thăm đến khu vườn trái cây của chị Trần Thị Cảm (32 tuổi, ở xã Kông Lơng Khơng), bởi không ít người dân nơi đây gọi chị là "người phụ nữ liều".
Nằm lọt thỏm giữa hàng nghìn ha mía, khu vườn rộng 3ha được chị Cảm trồng cây ăn quả gồm 4 loại: Ổi, xoài, bơ, dừa. Đây là khu đất trước kia gia đình chị trồng từ ngô, đậu đến sắn, sau đó chuyển sang trồng mía.
Tuy nhiên như chị nói: "Do đặc thù khu đất nhà tôi trồng mía rất khó: Mùa nắng thì cháy lá, mùa mưa thì úng nước nên không ăn thua, chưa kể giá ngày càng sụt giảm nữa. Còn cây sắn thì cứ đến mùa mưa là ngập úng rồi thối hết củ... Tôi đắn đo vô cùng bởi không biết nên trồng loại cây gì. Muốn trồng cây ăn quả nhưng không biết bán được cho ai. Tuy nhiên, mình nghĩ quan trọng vẫn là chất lượng của cây trồng, cứ phải ngon, sạch, có chất lượng thì rồi cũng sẽ bán được thôi”.
Vậy là, 3ha cây ăn quả của chị Cảm được hình thành từ đó. Xuất phát từ một gia đình nghèo nên mới học hết lớp 9, chị Cảm phải nghỉ học, theo cha mẹ làm ruộng, rồi lấy chồng. Kiến thức về trồng cây chỉ là kinh nghiệm chị tự mày mò, tham khảo trên mạng hoặc từ những chuyến đi thực tế để từ đó, tuy mới 32 tuổi, nhưng chị Cảm đã là một người có kiến thức khá vững về kỹ thuật trồng một số loại cây ăn quả.
Chị chia sẻ: “Thực ra, mình thấy trồng cây ăn quả cũng không phải là khó lắm, chỉ cần chịu khó quan sát, học hỏi để nắm được kỹ thuật, từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây để áp dụng vào việc chăm sóc thì cây sẽ phát triển bình thường.
Ví dụ như cây ổi, khi ra quả mỗi cành nên để từ 1 - 2 quả để phát triển nhanh hơn, không bị còi hay ảnh hưởng đến chất lượng quả. Mỗi chồi ra khoảng 20 phân là bấm mắt để ổi có thể ra hoa nhiều hơn mà vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nuôi quả...
Toàn bộ phân bón, thuốc thang mình đều ưu tiên dùng theo phương pháp vô cơ. Thường thì mình hay sử dụng những thực phẩm như tỏi, ớt, gừng để trị những loài sâu, bướm đục trái, đục cây...”.
Hệ thống tưới nhỏ giọt của chị Cảm
Khi hỏi về từ ý tưởng nào mà chị quyết định phá bỏ mía chuyển sang trồng cây ăn quả, chị Cảm nhớ lại: “Một lần sang nhà anh bạn chơi, tình cờ thấy anh trai của anh bạn trồng một ít ổi, hái thử ăn thì thấy ổi vừa ngọt thơm, mềm lại ít hạt và giòn hơn ổi thường nên từ đó, tôi bắt đầu thấy thích rồi mê lúc nào không hay. Hồi đó phá mía chuyển sang trồng cây ăn quả, mọi người cũng nói nhiều lắm, có người còn cho tôi là... liều vì tự dưng phá dòng cây chủ lực đi trồng ổi rồi bơ, dừa... mà không biết đầu ra thế nào...”.
Đến nay, khu vườn 3ha của chị Cảm đã có 4 loại cây ăn quả trong đó nhiều nhất vẫn là cây ổi với 1.200 gốc, bơ 250 gốc, xoài 28 gốc và dừa 200 gốc. Chỉ riêng cây ổi, dù mới hái bói 2 tháng đầu tiên, chị đã thu về 2 tấn quả, cho thu nhập 30 triệu, những loại quả còn lại như bơ, xoài, dừa mùa tới sẽ cho thu hoạch. Toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả 3 ha này đều được chị Cảm đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt.
Hỏi về dự định tiếp theo, chị Cảm cho biết: “Thời gian tới, mình sẽ mở rộng thêm 3ha diện tích cây ăn quả. Tiếp tới thành lập hợp tác xã với mục đích liên kết, sử dụng chuỗi hoa quả, nông sản sạch đến với người tiêu dùng. Hiện tại, đã có 13 hội viên đăng ký tham gia hợp tác xã”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao