Tin nông nghiệp Loạn nông sản sạch, lạ trên mạng

Loạn nông sản sạch, lạ trên mạng

Author Thiên Hương – Đông An, publish date Monday. March 14th, 2016

Loạn nông sản sạch, lạ trên mạng

Tâm lý lo ngại sản phẩm nông sản nhiễm hóa chất độc hại, trong khi hệ thống phân phối nông sản sạch còn manh mún, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đã tạo điều kiện cho hàng loạt gian hàng nông sản sạch trên các diễn đàn, mạng xã hội đắt khách. Thử gõ những cái tên như Nông sản sạch; Nông sản sạch – Đặc sản các vùng miền; Mua rau sạch; thực phẩm hữu cơ, cam Cao Phong…, người dùng có thể thấy rất nhiều kết quả liên quan. Tuy nhiên, không phải người bán hàng nào cũng cung cấp cho khách sản phẩm thật sự sạch như lời mời chào.

Từng thất vọng khi mua nông sản sạch trên mạng xã hội facebook, chị Lê Thị Trinh, phố Hào Nam, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Có lần chị bạn giới thiệu cho một địa chỉ bán nông sản sạch trên mạng nổi tiếng đắt khách, tôi đã đặt mua. Tuy nhiên, lúc nhận hàng thì thấy rất ấm ức, giá cao gấp đôi, gấp ba ngoài thị trường mà phải mua từ 5kg mới được giao hàng tại nhà, nhưng tất cả các sản phẩm này đều không tem nhãn”. Hôm đó, chị Trinh đã mua 2kg cải ngọt giá 60.000 đồng; quả su su 20.000 đồng/kg; cà rốt 30.000 đồng/kg; hồng Bảo Lâm 90.000 đồng/kg. Khi nhận hàng, các loại rau củ đều được bỏ trong túi nylon, không tem nhãn, địa chỉ cung cấp... nên chị Trinh hết sức băn khoăn về nguồn gốc nông sản.

Dạo qua một vòng mạng facebook, hay những trang mua sắm trực tuyến, diễn đàn online, chúng tôi thấy xuất hiện nhan nhản những địa chỉ rao bán rau củ, thực phẩm sạch hoặc trái cây đặc sản như cà chua đen, cam Cao Phong, dâu tây Đà Lạt, thịt lợn sạch VietGAP, nho Mỹ hay cam Úc giảm giá 30%… Thậm chí để tăng độ tin cậy, người bán còn quảng cáo đây là rau nhà trồng, cam lấy từ vườn của nhà chị họ, hay thịt lợn thịt gà bố mẹ ở quê nuôi… Đặc biệt là khi cà chua đen xuất hiện trên thị trường, dù không rõ công dụng của loại cà chua này thần kỳ tới đâu, song nhiều bà nội trợ háo hức đặt hàng. Giá của loại cà chua này tại thời điểm mới xuất hiện được rao bán 140.000 đồng/kg, cao gấp cả chục lần loại cà chua đỏ thông thường nhưng vẫn cháy hàng. Trong khi theo tìm hiểu của PV, giá thực được các đầu mối thu mua tại nhà vườn trên Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ khoảng 50.000 đồng/kg.

Bản thân tôi cũng đã đặt mua thử 5kg cam Cao Phong với giá 45.000 đồng/kg trên mạng xã hội facebook, người bán có nickname …vietlinh khẳng định: “Hàng sạch 100%, tự tay đi nhập tại vườn của người dân ở Cao Phong (Hòa Bình). Do không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên cam quả nhỏ, mã xấu, nhưng ăn thì ngon ngọt tuyệt vời”. Tuy nhiên, khi tôi nhận hàng, những quả cam đều để trong túi nylon không hề có nhãn mác, không rõ xuất xứ, trông hình thức cũng na ná cam Vinh. Tôi hỏi thì người bán trấn an: “Em ăn thì biết, em toàn bán cho khách quen. Chẳng mấy khi gặp được vườn cam sạch thế này đâu chị. Em bán để lần sau còn gặp lại chứ không bán cho khách chạy, tin nhau là chính chị ạ”.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, thị trường nông sản sạch ở Việt Nam chưa có hệ thống sản xuất và phân phối đồng nhất. Giá nông sản sạch cũng khá cao nên kén người mua. Bản thân các nhà cung cấp nông sản sạch cũng gặp nhiều thách thức vì giá cao hơn thị trường 20 - 30%. Hơn nữa, những người kinh doanh sản phẩm nông sản sạch chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa mạnh dạn đầu tư khâu đóng gói nên tình trạng giả, nhái tràn lan. Vì thế, theo ông Phú, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng nông sản trái vụ, nông sản được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ. Nên mua rau củ quả đúng mùa, sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để gia tăng sự an toàn cho gia đình.


Xây dựng mô hình xung kích từ chi hội Xây dựng mô hình xung kích từ chi… Chọn cây đậu xanh, dứa... thay cho lúa Chọn cây đậu xanh, dứa... thay cho lúa