Lời giải bài toán tiết kiệm điện nuôi tôm
Theo đánh giá, điện chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng giá thành nuôi tôm. Việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong nuôi tôm đang là một bài toán cần tìm lời giải.
Điện chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng giá thành nuôi tôm
Bất cập
Theo thống kê, diện tích nuôi tôm tại ĐBSCL phát triển rất nhanh, đạt 654.813 ha, chiếm 92,76% diện tích nuôi tôm cả nước. Theo đó, điện cho vùng nuôi tôm công nghiệp của khu vực này đạt 839,5 triệu kWh, chiếm tới 79,3% thành phần điện cho nông, lâm, ngư nghiệp của 8 tỉnh.
Mặt khác, tại ĐBSCL còn khá nhiều nơi nuôi theo kiểu tự phát với quy mô nhỏ thiếu quy hoạch chuyển đổi hợp lý. Nhiều vùng nuôi tập trung đã được quy hoạch nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, nhưng các hộ trong vùng lại không phát triển nuôi công nghiệp. Những vùng không được quy hoạch thì đa số người dân phát triển nuôi tự phát với quy mô nhỏ lẻ; điều này đã gây bị động cho địa phương và ngành điện trong quá trình quản lý và cung cấp điện. Do sản xuất tự phát, nên các hộ nuôi tôm sử dụng lưới điện hiện có (chủ yếu là điện 1 pha phục vụ nhu cầu ánh sáng sinh hoạt) để dùng các thiết bị động cơ, quạt, bơm... dẫn tới quá tải lưới điện, sự cố và chất lượng điện không đảm bảo. Mặt khác, việc nuôi tôm theo thời vụ, theo xu thế thị trường, khi thả tôm đồng loạt, khi dừng nuôi, làm cho phụ tải điện tăng giảm đột biến, gây quá tải cục bộ và làm khó khăn thêm cho việc cấp điện.
Khảo sát của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN SPC) tại 3 tỉnh có sản lượng lớn nhất trong khu vực ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, riêng trong sử dụng điện nuôi tôm có tới 68 - 75% hộ nuôi vẫn sử dụng các biện pháp hiệu suất thấp, đồng thời việc nuôi tôm tự phát ngoài khu quy hoạch và dùng điện từ lưới điện phục vụ sinh hoạt để nuôi tôm kiểu công nghiệp là những nguyên nhân trực tiếp làm cho hoạt động nuôi tôm chưa đạt yêu cầu về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Sóc Trăng đi đầu
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nuôi tôm theo hướng thâm canh và bán thâm canh, thời gian qua mặc dù còn nhiều khó khăn, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã được hỗ trợ nguồn vốn để triển khai các dự án với tổng mức đầu tư là 252,5 tỷ đồng, tiêu biểu như: Dự án Cấp điện cho các khu vực nuôi tôm nước lợ huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu năm 2014 với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng; Dự án Lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng (DPL3), hoàn thành năm 2016, với tổng mức đầu tư 187,5 tỷ đồng; công trình cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu hoàn thành tháng 9/2018, với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng...
Từ năm 2014 đến nay, nhờ liên tục được đầu tư hệ thống điện từ các chương trình dự án trên nên hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh ở Sóc Trăng không ngừng phát triển. Chỉ tính riêng năm 2017, các mô hình này chiếm trên 96% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh, góp phần đưa sản lượng tôm nuôi của Sóc Trăng lên hơn 150.000 tấn. Tính đến tháng 10/2018, Điện lực Sóc Trăng đã cấp điện cho 11.630 hộ nuôi tôm, tăng 758 hộ so năm 2017; trong đó có 10.647 hộ sử dụng trạm công cộng và 983 hộ sử dụng trạm chuyên dùng. Lượng điện thương phẩm của khách hàng nuôi tôm trong 10 tháng đầu năm 2018 là 221,6 triệu kWh, chiếm tỷ trọng là 93,53% sản lượng điện thương phẩm thành phần nông, lâm, thủy sản và 20,62% trên tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.
Khi hình thức nuôi tôm ngày càng được đầu tư nâng cấp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nên nhu cầu sử dụng điện cũng tăng rất nhanh. Để giúp người nuôi tôm tiết kiệm chi phí điện năng và giảm áp lực tiêu thụ cho lưới điện, từ năm 2015, ngành điện Sóc Trăng đã phối hợp với Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh đề xuất triển khai thực hiện 2 giải pháp hỗ trợ người nuôi tôm tiết kiệm điện, gồm: thay đổi gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn và tạo đồng trục cho hệ thống quạt nước tạo ôxy. Giải pháp trên đã được Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chấp thuận cho triển khai thí điểm trên vùng nuôi của Sóc Trăng vào tháng 12/2016 với tổng chi phí là 1,4 tỷ đồng. Sau một năm thí điểm, chỉ tính riêng giải pháp thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn, điện lực Sóc Trăng đã hỗ trợ 26.378 gối đỡ lăn cho 833 hộ với tổng diện tích nuôi tôm 543,67 ha, giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm được 15,2% điện năng tiêu thụ.
Để đảm bảo cung cấp điện các khu vực nuôi tôm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, Điện lực Sóc Trăng đã rà soát nhu cầu đầu tư lưới điện 3 pha phục vụ nuôi tôm tập trung, báo cáo, đề xuất EVN SPC bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 686,58 tỷ đồng để đầu tư 528,87km đường dây trung thế, 1.212,37 km hạ thế và dung lượng các trạm biến áp 126.373,5kVA để phục vụ cấp điện cho 9.882 hộ nuôi tôm, với tổng diện tích ao nuôi là 12.031,56 ha.
Áp dụng quy trình mới
Thời gian qua, người nuôi tôm thường chỉ thu hoạch tôm 1 lần khi tôm đạt cỡ kỳ vọng (50 - 30 con/kg). Với cách nuôi này, tôm vừa chậm lớn vừa hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường vì hiện tại, hầu hết các thị trường đều có nhu cầu mạnh ở những size/cỡ 50 - 70 con/kg và 70 - 100 con/kg, nhất là thị trường châu Âu và Nhật Bản. Do đó, nếu người nuôi chỉ tập trung nuôi và thu hoạch vào một size/cỡ doanh nghiệp rất khó tìm kiếm khách hàng dẫn đến con tôm Việt Nam ngày càng khó cạnh tranh hơn. Để đa dạng các size/cỡ và tăng hiệu quả nuôi, Tập đoàn Minh Phú đề xuất quy trình công nghệ với tên gọi: 234.
Theo lý giải của Minh Phú: “Số 2 nghĩa là nuôi tôm 2 giai đoạn, số 3 là thu tỉa 3 lần và số 4 là tiêu chí 4 sạch trong nuôi tôm”. Theo đó, ở giai đoạn đầu, người nuôi nên dèo tôm thời gian 25 - 30 ngày trong ao dèo đường kính 17,2 m (ao tròn); sau đó đưa sang ao nuôi đường kính 32 m để nuôi thêm khoảng 70 - 80 ngày nữa là kết thúc. Khi tôm nuôi được 60 - 65 ngày (kể cả thời gian dèo), cỡ khoảng 65 - 70 con/kg nên tiến hành thu tỉa 50% lượng tôm trong ao nuôi. Đến khi tôm vô cỡ 40 - 45 con/kg, tức khoảng 80 - 85 ngày tiếp tục thu tỉa 50% lượng tôm trong ao. Số tôm còn lại trong ao sẽ được nuôi tiếp đến khi đạt cỡ 15 - 20 con/kg (khoảng 110 - 115 ngày nuôi) thì tiến hành thu toàn bộ. Còn về tiêu chí 4 sạch, theo quy trình Minh Phú sẽ gồm: con giống sạch bệnh, nguồn nước nuôi sạch, sạch kháng sinh và môi trường sạch.
>> Nhờ đầu tư hệ thống lưới điện 3 pha tương đối hoàn chỉnh, nên Sóc Trăng có điều kiện phát triển mô hình nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh sớm và lớn nhất cả nước, góp phần đưa sản lượng tôm nuôi của tỉnh lên 150.000 tấn mỗi năm dù diện tích nuôi chỉ 45.000 - 50.000 ha/năm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao