Lợi ích của chế phẩm sinh học đối với tôm nuôi
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động nuôi tôm đã kéo theo việc suy giảm sản lượng trên toàn thế giới mà nguyên nhân chính là việc bùng phát dịch bệnh, chủ yếu do vi khuẩn phát sáng Vibrio và vi khuẩn đốm trắng. Nguyên nhân khác là do nuôi tôm với mật độ quá cao, sử dụng kháng sinh và hóa chất liều cao…
Ngày nay, chế phẩm sinh học là một công cụ quản lý đã có được nền tảng vững chắc cho phần lớn hoạt động nuôi tôm trên thế giới. Chế phẩm sinh học đã được chấp thuận rộng rãi để khống chế các nguồn dịch bệnh trong tôm nuôi, tăng sức đề kháng, giúp chống lại bệnh dịch. Ngoài ra, còn giúp hạn chế việc sử dụng kháng sinh hay hóa chất đã bị EU và Mỹ cấm nhưng vẫn được sử dụng phổ biến tại một số quốc gia/khu vực. Ngược lại với các kháng sinh, chế phẩm sinh học cung cấp một phương thức an toàn và bền vững đối với người nuôi và người tiêu dùng.
Chế phẩm sinh học lần đầu tiên được Giáo sư Fuller R. (1989) định nghĩa như sau: thành phần thức ăn có cấu tạo từ những vi khuẩn sống và có tác động hữu ích lên vật chủ thông qua việc cải thiện sự cân bằng vi khuẩn đường ruột của vật chủ. Định nghĩa này có thể mở rộng thêm như sau: sự nuôi dưỡng các vi sinh vật hoàn toàn tự nhiên và có tác động tích cực khi được đưa vào điều kiện ao nuôi. Đồng thời, từ chế phẩm sinh học (probiotics) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "dành cho sự sống". Thay cho việc tiêu diệt các bào tử vi khuẩn, chế phẩm sinh học được sản xuất với mục đích kích thích sự gia tăng các loài vi khuẩn có lợi trong ao.
Các kháng sinh thường được sử dụng để điều trị bệnh, nhưng không diệt được tận gốc vấn đề. Ngoài ra, việc điều trị bằng kháng sinh và hóa chất (nhất là trong trường hợp dùng quá nhiều hóa chất) sẽ tiêu diệt phần lớn các vi khuẩn có lợi trong nước ao, làm suy giảm chất lượng nước và môi trường sinh thái. Ngược lại, có rất nhiều phương cách khác nhau tham dự vào quá trình sinh học trong ao nuôi. Nhiều lợi ích có thể đạt được khi sử dụng chế phẩm sinh học chất lượng tốt. Hiệu quả của một chế phẩm sinh học được đánh giá theo số lượng vi khuẩn có ích trong 1 gr; khả năng vi khuẩn sống lại và số lượng vi khuẩn sống lại và thời gian vi khuẩn tái hoạt động khi được đưa vào ao nuôi.
Bên cạnh đó, các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm có một vai trò cực kỳ quan trọng để phân hủy các chất hữu cơ và tác động làm giảm đáng kể lớp bùn và nhớt trong ao. Kết quả là cải thiện chất lượng nước, giảm lớp bùn đáy, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng số lượng vi sinh vật phù du, giảm mùi hôi và kết quả là tăng năng suất, sản lượng nuôi. Việc gia tăng sự phân hủy các chất hữu cơ, acids amino và glucose được giải phóng sẽ cung cấp nguồn thức ăn cho các vi sinh vật có ích, trong khi, thành phần vô cơ của nitrogennhư ammonia, nitrite và nitrate sẽ giảm thiểu. Khi chất lượng nước và hệ số chuyển đổi thức ăn được cải thiện, sức khỏe và hệ miễn dịch của tôm nuôi sẽ tăng lên đáng kể.
Các khuyến cáo đề xuất sử dụng chế phẩm sinh học phải được thực hiện cả trong ao nuôi, trong ao chứa và toàn bộ chu kỳ sản xuất tôm giống. Chế phẩm sinh học được sử dụng liên tục trong ao nuôi sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể về chất lượng nước và khống chế nguồn bệnh lây lan. Chế phẩm sinh học có tác dụng tốt trong một hệ thống kín, lượng nước thay đổi không vượt quá 20% đối với ao nuôi và không vượt quá 40% đối với bể giống (đặc biệt thích hợp trong giai đoạn sản xuất giống PL). Do đó, cần linh hoạt trong khi sử dụng chế phẩm sinh học. Khi thấy nguy cơ lây bệnh cao, cần tăng liều lượng sử dụng (nhiều hơn so với định kỳ).
Chế phẩm sinh học có tác dụng ngăn ngừa nguồn gây bệnh hơn là điều trị bệnh và bao gồm các lợi ích như: tăng sản lượng, tăng trọng lượng tôm nuôi, giảm các bệnh nguy hại và khả năng mắc bệnh, loại bỏ việc sử dụng kháng sinh, cải thiện tác động môi trường, cải thiện hệ số chuyển đổi thức ăn, giảm việc thay nước, phân hủy các chất hữu cơ, loại bỏ ammonia và các hợp chất của nitrogen và làm giảm mùi hôi. Trong quá trình phát triển kinh tế, cần thiết bảo vệ môi trường không chỉ ở từng vùng mà phải bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, hoạt động nuôi tôm cùng với việc tăng sản lượng và số vụ nuôi trong năm phải đảm bảo hạn chế tác động lên môi trường sinh thái.
Chế phẩm sinh học đã được công nhận rộng rãi như phương thức điều trị tốt hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn so với việc sử dụng kháng sinh. Các sản phẩm sinh học hoạt động như một phần trong tổng thể quản lý hoạt động nuôi tôm bền vững nhằm chống lại nguồn gây bệnh trong qui trình nuôi.
Sử dụng Probiotics trong sản xuất giống tôm sú
Trong thời gian qua, kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong các trại sản xuất tôm giống để phòng và trị một số bệnh do vi khuẩn gây ra. Việc sử dụng kháng sinh lâu ngày đã dẫn đến hiện tượng kháng thuốc ở một số loài vi khuẩn. Do đó, hạn chế sử dụng kháng sinh, tăng cường sử dụng Probiotics trong các trại ương giống là việc hết sức cần thiết. Đã có một số nghiên cứu khoa học về tác động của Probiotics trong quá trình ương ấu trùng tôm sú Penaeus monodon, so sánh với các bể ương không sử dụng Probiotics.
Kết quả cho thấy, hàm lượng NH3 ở các bể thí nghiệm là 1,25 mg/L, thấp hơn ½ so với các bể đối chứng, sự chênh lệch kích cỡ tôm ở bể đối chứng cao hơn so với bể có sử dụng Probiotics, tỉ lệ cơ ruột của PL15 là 85-92% đối với các bể có sử dụng Probiotic và 70-80% đối với bể đối chứng, độ dài trung bình của PL15 đạt kích cỡ lớn hơn ở tôm ương có sử dụng Probiotics và tỉ lệ sống (PL15) của bể đối chứng chỉ là 35%, trong khi đối với bể có sử dụng Probiotic thì con số này là 52%. Điều này chứng tỏ: Probiotics đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng, phát triển, tỉ lệ sống và tình trạng sức khỏe của ấu trùng tôm sú.
Nuôi tôm hùm P. ornatus
Để đối phó với tình trạng dịch bệnh trên tôm hùm nuôi ở Việt Nam và ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng/trị bệnh, Dự án về Quy trình nuôi tôm hùm khép kín đã được triển khai ở vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa). Nhóm nghiên cứu gồm trường Đại học Wageningen (Hà Lan), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 và Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia.
Thí nghiệm được tiến hành trong các lồng nuôi cá thể bố mẹ P. ornatus với 03 nghiệm thức, được lặp lại hai lần nhằm đánh giá hiệu quả của chế phẩm sinh học Probiotics. Nghiệm thức đầu là nghiệm thức đối chứng, không sử dụng Probiotics, hai nghiệm thức còn lại sử dụng Probiotics với liều lượng khác nhau. Việc đánh giá mức tăng trưởng của tôm hùm được tiến hành mỗi tháng thông qua việc cân và đo mẫu. Đồng thời, mẫu máu của tôm thí nghiệm cũng được đưa về Viện Kỹ thuật Sinh học tại Hà Nội để kiểm tra các bệnh thường gặp trên tôm hùm như bệnh do Vibrio, bệnh Taura, bệnh đốm trắng và bệnh Rickettsia (RLB).
Theo kết quả bước đầu, trong điều kiện phòng thí nghiệm, sản phẩm vi sinh có khả năng ngăn chặn sự phát triển của các chủng gây bệnh phân lập được trên tôm thí nghiệm. Dự án vẫn tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về khả năng ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh trong điều kiện nuôi thực tế.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao