Tin nông nghiệp Lợi ích của phân bón Lâm Thao với cây chè

Lợi ích của phân bón Lâm Thao với cây chè

Author Hồng Vũ, publish date Friday. July 8th, 2016

Lợi ích của phân bón Lâm Thao với cây chè

Tiếp tục đồng hành cùng nông dân sản xuất chè, mới đây, Công ty CP Supe  Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phối hợp Kênh truyền hình VTC16 (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Chương trình  “Hỏi biết trên đồng” với chủ đề “Chăm sóc chè giai đoạn thu hoạch”. Buổi hỏi biết thú vị này diễn ra tại xóm Đồng Tâm, xã Đức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh

Chương trình “Hỏi biết trên đồng” lần này có sự tham gia của các chuyên gia, kỹ sư đầu ngành am hiểu về cây chè, cùng sự góp mặt của hơn 300 hộ nông dân đến từ vùng chè  Thái Nguyên, Phú Thọ. Tại đây, các hộ được giải đáp mọi thắc mắc trong quá trình trồng và chăm sóc cây chè, từ bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cho đến thu hoạch. Với tiêu chí cầm tay chỉ việc, các chuyên gia đã có mặt tại vườn chè để xem xét và cung cấp cho người dân những thông tin cụ thể nhất, đáp ứng những nhu cầu thiết thực và cấp bách nhất, giúp người trồng chè Thái Nguyên và cả nước nói chung để nâng cao chất lượng cây chè.

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn thứ hai cả nước (sau Lâm Đồng). Với hơn 21.000ha, sản lượng đạt trên dưới 200.000 tấn/năm, cây chè đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, dù diện tích, sản lượng lớn nhưng nhiều hộ đầu tư phân bón cho cây chè chưa cân đối, việc kiểm soát chất lượng cũng chưa được chú trọng khiến sản phẩm sản xuất ra chất lượng không đồng đều, giá trị kinh tế không cao.

Hiện nay, dòng sản phẩm của Công ty CP Supe  Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chuyên dùng cho chăm sóc cây chè giai đoạn thu hoạch là NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5.

Chia sẻ với bà con nông dân, PGS-TS Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho hay, người có kinh nghiệm trồng chè đến 20 năm nhiều khi cũng sẽ lúng túng trước những dấu hiệu dịch bệnh. Yếu tố quan trọng bậc nhất trong thâm canh cây chè để phát huy tiềm năng giống và chất lượng sản phẩm là sử dụng phân bón hợp lý. Đặc biệt, khi thời tiết thay đổi, việc bón phân không đúng cách sẽ làm cho cây phát triển không như ý muốn, năng suất, chất lượng thấp, phát sinh dịch bệnh.

Tại vườn chè gia đình, bà Lê Thị Thủy (ở xóm Đồng Tâm) chia sẻ: “Vườn chè của gia đình tôi đã có hơn 10 năm, thời gian gần đây thường xuất hiện những dấu hiệu đầu búp, lá non bị cháy, dọc 2 bên gân và mép lá có màu nâu. Tôi đã dùng nhiều loại thuốc phun trị bệnh nhưng dấu hiệu vẫn không giảm. Những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt, vườn chè càng có dấu hiệu bệnh nặng, thu hoạch không được hiệu quả như mong muốn. Vậy vườn chè của gia đình tôi phải bón phân và phu thuốc như thế nào?”.

Trả lời vấn đề này, ông Đinh Văn Đức (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT) cho biết: “Đây là hiện tượng cháy lá, xuất hiện nấm nâu, bọ trĩ gây hại. Để phòng trị bệnh, sau khi thu hái, bà con cần tiến hành phun thuốc để chuẩn bị cho lứa lộc mới. Để phòng tận gốc chính là việc bón phân cân đối liều lượng, tránh bón đạm quá cao, kali quá thấp. Hàng năm nên bón thêm 1 lần phân bón hữu cơ và sử dụng thêm phân bón lá cho cây chè để bổ sung vi lượng. Ví như trên 1 sào trồng chè 1 tuổi cần sử dụng phân NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5 Lâm Thao với liều lượng 12 - 14kg/năm và được bón 2 lần vào tháng 3 và tháng 7, mỗi lần chỉ bón 6 - 7kg”.

Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Supe  Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: “Chương trình tổ chức tại vườn chè Thái Nguyên với ý nghĩa là để 3 nhà cùng ngồi lại giải đáp những vướng mắc trong sản xuất chè. Hiện mỗi năm công ty cung cấp trên 2.000 tấn phân bón cho tỉnh Thái Nguyên. Công ty đã thực hiện chương trình phân bón trả chậm cho nông dân để hỗ trợ bà con vật tư nông nghiệp. Mục đích của chúng tôi là mang tới sản phẩm phân bón tốt nhất với chi phí thấp nhất, đảm bảo nông sản chè tốt hơn”.

Dùng phân bón chuyên cho cây chè

Kỹ sư Phạm Đức Thành - Phó phòng Kinh doanh Công ty CP Supe  Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay, để bón phân cho cây chè bà con cần quan tâm đến dinh dưỡng của cây. Chè là cây ưa chua, độ pH tốt nhất là 5,0 - 5,5, pH > 6 không nên trồng chè vì khi đó, chè có thể bị chết, ngược lại nếu độ pH < 4, chè sẽ phát triển rất kém. Trên diện tích chè kinh doanh, nếu bón phân “4 đúng”, chè hoàn toàn đủ dinh dưỡng, năng suất búp tươi cũng tăng.

“Thường bà con chúng ta chỉ quen bón phân 2 lần nhưng chúng tôi khuyến cáo bà con nên bón phân 3 lần/năm vào tháng 3 hoặc 4, tháng 5 hoặc 6 và tháng 8 hoặc 9. Nếu bón NPK theo tỷ lệ và sử dụng phân bón Lâm Thao NPK liều lượng bón cho 1 sào như sau: Bón lần 1 từ 22 - 27kg, lần 2 tương tự từ 22 - 27kg, lần 3 từ 18 - 24kg. Trong giai đoạn thu hoạch chè dùng loại phân bón NPK chuyên cho cây chè có đầy đủ đạm và kali thì bà con không cần phải bón thêm bất kỳ loại phân bón nào khác”- kỹ sư Phạm Đức Thành giải thích thêm.

Nông dân Nguyễn Văn Ba ở xã Đức Tranh cũng cho hay, ông đã quen dùng phân bón Lâm Thao trên cây chè từ nhiều năm nay. Tuy nhiên vấn đề ông thắc mắc là khi bón phân Lâm Thao có hiện tượng vón cục nên ông cũng lo lắng không biết chất lượng phân bón có ảnh hưởng đến năng suất cây trồng?

Trả lời vấn đề này, kỹ sư Phạm Đức Thành cho biết: “Được sản xuất trên nền, supe lân Lâm Thao có thành phần canxi và lưu huỳnh là tác nhân gây hiện tượng vón cục. Ngoài ra, phía công ty sản xuất phân bón liên tục trong năm, khi chưa vào vụ bón phân, lượng phân bón sản xuất phải xếp lưu kho, các bao phân xếp chồng lên nhau cũng gây ra tình trạng vón cục. Phía công ty cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục như supe lân sản xuất ủ trong kho đủ 21 ngày và tiến hành đảo trộn 3 lần mới cung cấp cho thị trường. Chúng tôi cam kết về chất lượng sản phẩm đúng, đủ hàm lượng dinh dưỡng nên bà con hoàn toàn có thể yên tâm tin dùng”.

Xuất phát lúc 3 giờ sáng từ huyện Thanh Ba (Phú Thọ) để kịp tới tham dự chương trình, ông Trần Văn Bình chia sẻ: “Hiện tôi có 3ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP. Xin hỏi các chuyên gia, nên bón phân cho cây chè vào thời điểm nào trong năm để đảm bảo hiệu quả cao nhất?”.

Về vấn đề này, ông Đinh Văn Đức (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: “Trong năm, vào khoảng tháng 11 đến tháng 12 bà con phải bón được 1 lần phân hữu cơ và phân lân. Trong những đợt bón khác cần phải cung cấp đủ đạm, lân, kali. Nếu năng suất của chè chỉ đạt dưới 8 tạ/ha thì cần phải bón phân thành 4 đợt. Cách bón phân đúng là dưới độ sâu 8cm, chỉ bón vào mùa mưa hoặc sau mưa, nếu là mùa khô cần tưới nước sau khi bón phân để đạt hiệu quả”.

Cũng theo chuyên gia khuyến cáo, bà con nông dân nên chọn sản phẩm phân bón của Lâm Thao đã có thương hiệu trên thị trường để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng. Chỉ dùng một sản phẩm phân bón chuyên cho cây chè sẽ giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo cho phân bón phát huy tác dụng hiệu quả tối đa trên cây chè.


Bị gọi là điên vì phá rừng keo trồng sim dại Bị gọi là điên vì phá rừng keo… Vải thiều vừa qua biên giới Trung Quốc đã tăng giá gấp đôi Vải thiều vừa qua biên giới Trung Quốc…