Lợi ích của việc xử lý môi trường trong các hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản
Trong khi hoạt động chế biến thủy sản cũng có thể gây ô nhiễm môi trường bằng nguồn nước thải từ dây chuyền chế biến. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây, việc xử lý môi trường trong các hoạt động này sẽ đem lại lợi ích thiết thực: Tái chế nguồn gây ô nhiễm thành phân bón hữu cơ (phục vụ sản xuất nông nghiệp)
Ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản
Trong hoạt động nuôi tôm, phần lớn chất thải tích tụ dưới đáy ao sẽ gây tổn hại đến sức khỏe tôm, làm ảnh hưởng hiệu quả của nghề nuôi. Lớp bùn ở đáy ao khiến môi trường nước bị thiếu ôxy trầm trọng và từ đó còn sản sinh ra nhiều chất độc như amoniac, nitrite, hydrogen sulfide…khiến tôm di chuyển đến một số khu vực nước sạch. Việc tập trung tại cùng một chỗ làm tăng tính cạnh tranh khi ăn, sẽ có những con bị ăn thiếu. Trường hợp môi trường bị ô nhiễm nặng, tôm sẽ bỏ ăn, sức tăng trưởng giảm, dễ mắc bệnh, tỷ lệ chết cao (thậm chí bị chết hàng loạt). Đối với nguồn chất thải từ hoạt động nuôi tôm, nếu không được xử lý tốt, sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven biển, tác động xấu đến các hoạt động khác ở vùng ven biển.
Đồng bằng Sông Cửu long - một trong những vùng nuôi trọng điểm của Việt Nam hiện đang xảy ra tình trạng suy giảm chất lượng nước, ô nhiễm môi trường do việc bùng phát nuôi thâm canh thủy sản. Số liệu quan trắc tại các ao, đầm nuôi cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm đã vượt quá mức cho phép của tiêu chuẩn Việt Nam. Cứ 01 ha nuôi tôm sau khi thu hoạch sẽ thải ra môi trường nước 133 kg nitơ, 43 kg phốt pho. Hai chất này khiến nước có màu và mùi rất khó chịu, đặc biệt là lượng ôxy hòa tan trong nước bị giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của hệ thủy sinh. Nước ô nhiễm không chỉ làm gia tăng nguồn bệnh cho thủy sản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, việc xử lý nước trong quá trình nuôi trồng thủy sản được coi là việc làm bắt buộc và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Ô nhiễm từ chế biến thủy sản
Ngành chế biến thủy sản tác động đến môi trường với những đặc trưng cơ bản như: Khí thải - gây ô nhiễm môi trường bởi những mùi hôi phát sinh từ nguồn phế thải được lưu trữ trong quá trình sản xuất và nguồn khí ô nhiễm từ các máy phát điện dự phòng; Chất thải rắn từ các dây chuyền chế biến thủy sản, gồm đầu tôm, vỏ tôm, nội tạng mực và cá; Nước thải trong sản xuất chế biến (chiếm 85-90% tổng lượng nước thải) từ hoạt động rửa nguyên liệu, chế biến, vệ sinh dụng cụ, thiết bị và nhà xưởng... Theo kết quả điều tra thì các nhà máy chế biến đông lạnh có lượng nước thải lớn hơn các nhà máy chế biến thủy sản khô, nước mắm và đồ hộp.
Trong các nguồn phát sinh ô nhiễm thì nước thải là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất vì đổ vào môi trường lượng nước thải lớn với nồng độ ô nhiễm cao do tiếp nhận nguồn protein và lipit từ mực, tôm, cá... Khi thải vào sông ngòi, kênh rạch, sẽ phá hủy hệ sinh thái, ảnh hưởng đến cộng đồng. Tuy nhiên, các thành phần ô nhiễm hữu cơ từ nước thải sẽ phân hủy mạnh khi tiếp xúc với các vi sinh vật (có khả năng xử lí sinh học cao). Vì vậy, biện pháp phù hợp nhất là ứng dụng công nghệ xử lí vi sinh đối với nước thải từ hoạt động chế biến thủy sản.
Nhìn chung, chất thải của các nhà máy chế biến (gồm: nước thải, máu, mỡ, vây, ruột cá và các phụ phẩm khác) gây ô nhiễm môi trường theo những mức độ ảnh hưởng khác nhau, tùy thuộc vào loại hình chế biến, quy mô sản xuất, chủng loại sản phẩm, nguyên liệu đầu vào, mùa vụ, trình độ công nghệ, trình độ quản lý… Trong đó, yếu tố kỹ thuật và trình độ tổ chức sản xuất sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng đến môi trường, quyết định năng lực bảo vệ môi trường của từng doanh nghiệp.
Tái chế nguồn gây ô nhiễm thành phân bón hữu cơ chất lượng cao
Đây chính là lợi ích tuyệt vời của việc xử lý môi trường - biến nguồn gây ô nhiễm thành phân bón hữu cơ dạng bùn hoặc dạng nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc tái chế không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế. Vì với lượng lớn chất thải hữu cơ (từ hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản) sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh - loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp bán các sản phẩm tái chế và nông dân được mua nguồn phân bón giá rẻ sẽ giúp doanh nghiệp và nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, để việc tái chế đạt hiệu quả cao thì công tác quản lí phải được thực hiện tốt ngay từ giai đoạn đầu, tại nguồn phát sinh chất thải. Dựa vào thành phần, tính chất của chất thải, tiến hành phân loại và đựng trong các bao, thùng khác nhau. Đầu tư thiết bị thu gom chuyên dụng để vận chuyển từng loại đến nơi có thể tái chế. Đồng thời, các cơ quan qaunr lý môi trường cần hướng dẫn các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản tự phân loại chất thải hữu cơ; Khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm làm từ nguồn nguyên liệu tái chế…
Tại các nhà máy tái chế rác thải, tất cả rác có nguồn gốc hữu cơ sẽ được dùng để chế biến phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một lợi ích khác nữa của việc tái chế chất thải thủy sản là sẽ tiết kiệm được chi phí xử lí rác. Nhìn chung, việc xử lí môi trường trong hoạt động sản xuất thủy sản sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, các bên tham gia - Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đều được hưởng lợi trong chuỗi giá trị này.
Vấn đề trước mắt, cần áp dụng hệ thống quản lí đồng bộ - từ quản lí Nhà nước, quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ chuyên trách, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thống nhất các quy chuẩn, tiêu chuẩn đặc thù cho hai ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản, có các chính sách khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tags: xu ly moi truong thuy san, che bien thuy san, nuoi thuy san, ky thuat nuoi tom
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao