Lối thoát cho nông sản Việt Nam
Mặc dù là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác... Điều này là bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Tại thị trường trong nước, có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.
Nông sản nhiều khi rất “bí” đầu ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại.
Nguyên nhân của tình trạng này là công nghệ trước và sau thu hoạch còn lạc hậu; Việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế...
Ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Công ty tư vấn thương hiệu quốc tế tại Việt Nam cho rằng, thực tế hàng nông sản Việt Nam chỉ xuất khẩu dưới dạng sản phẩm rời để các thương hiệu khác đóng gói và bán dưới thương hiệu khác của họ.
“Dường như có một vấn đề là nông sản Việt Nam chưa có một đơn vị cá nhân hay cơ quan chủ quản nào đứng ra để có thể xây dựng thương hiệu dưới 1 cái tên riêng nào đó của Việt Nam.
Hoặc nếu có thì điều đó là chưa đủ để quảng bá cho nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế cũng như chúng ta có những vùng nguyên liệu rất thơm ngon thì chúng ra sẽ xây dựng những thương hiệu riêng cho những vùng sản phẩm đó để đưa thương hiệu của sản phẩm đó ra thị trường nước ngoài quảng bá và giới thiệu,” ông mạnh nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, trường Đại học Thương mại, Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong hội nhập, các doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư, phát triển để các sản phẩm nông sản của Việt Nam khẳng định được uy tín, vị thế và thương hiệu của mình trên thương trường quốc tế.
TS Thịnh cho rằng, để nâng cao được giá trị cho nông sản Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì một trong những vấn đề quan trọng là chúng ta phải tạo dựng được thương hiệu tập thể.
“Chỉ có thương hiệu tập thể thì lúc này chúng ta mới giải quyết được và nâng cao được giá trị cho nông sản của Việt Nam, gắn với các chỉ dẫn địa lý, mang đặc trưng cho các đặc sản của Việt Nam. Thương hiệu riêng của từng doanh nghiệp sẽ không được thể hiện trong trường hợp này,” vị tiến sĩ này nhấn mạnh.
Hàng nông sản muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cần phải cải tiến từ khâu giống, thuốc bảo vệ thực vật, các quy trình phân bón từ khi gieo trồng cho đến khi thu hoạch.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng cũng như thiết kế bao bì bắt mắt, đồng thời, đáp ứng được yêu cầu bảo quản và giữ được chất lượng sản phẩm là hết sức quan trọng.
“Còn rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam mặc dù có những chuyển biến về nhận thức đối với vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nhưng tiềm lực, điều kiện kỹ thuật và năng lực còn hạn chế. Đây cũng là vấn đề trong quá trình chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp trực tiếp và thiết thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam,” ông Sơn lưu ý.
Việc tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu được xem là lối mở cho hàng nông sản trong thời gian tới. Do đó, cần đầu tư mạnh hơn cho nông nghiệp để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, hướng đến tăng trưởng bền vững, đồng thời hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng nông sản sạch, an toàn sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao