Lợn giống dự án chỉ về nhà cán bộ và người thân?
Trong đơn kiến nghị của ông Trần Văn Sáu, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi thôn Phúc Thịnh, xã Đông Lợi, cho biết, tháng 9/2015, xã Đông Lợi được Phòng NN-PTNT huyện Sơn Dương cấp cho 52 con lợn giống tốt từ trại giống Trung ương, nhằm hỗ trợ các tổ hợp tác phát triển chăn nuôi trong xã, giúp các gia đình xã viên xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, số lợn này chỉ được cấp cho một vài hộ gia đình là cán bộ xã và người nhà của cán bộ xã Đông Lợi. Ví dụ, ông Trần Văn Mùi, Bí thư Đảng ủy xã Đông Lợi được cấp 8 con lợn nái hậu bị; ông Phạm Quang Trung, thường trực Đảng ủy xã Đông Lợi được cấp 7 con lợn nái hậu bị; ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Công an xã, Phó Chủ tịch xã Đông Lợi được cấp 4 con lợn nái hậu bị; anh Lê Mạnh Hà, con trai ông Lê Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Đông Lợi được cấp 7 con lợn nái hậu bị và 1 con lợn đực giống; ông Phạm Vũ Trọng, Trưởng thôn An Thịnh, được cấp 6 con lợn nái hậu bị; ông Đinh Văn Huy, thủ quỹ HTX Đông Lợi (thông gia với ông Lê Văn Thu - Chủ tịch xã) được cấp 7 con lợn nái hậu bị và 1 con lợn đực giống; ông Nguyễn Đình Cẩm, anh trai ông Nguyễn Đình Viện, Trưởng ban Địa chính xã Đông Lợi, được cấp 7 con lợn nái hậu bị và 1 con lợn đực giống.
Cũng theo ông Sáu, đã có tới 49 con lợn giống đã được “chia” đều cho lãnh đạo và người nhà lãnh đạo xã Đông Lợi, chỉ còn 3 con lợn giống đang không biết nó ở đâu?
Để làm rõ đơn kiến nghị của ông Trần Văn Sáu, chúng tôi đã làm việc với anh Lê Mạnh Hà - tổ trưởng tổ chăn nuôi lợn siêu nạc thôn An Thịnh (con ông Lê Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Đông Lợi). Theo anh Hà, hiện nay tổ hợp tác chăn nuôi thôn An Thịnh có 18 thành viên.
Dự án Hỗ trợ lợn giống tại thôn An Thịnh, xã Đông Lợi được tài trợ bởi nguồn vốn vay của Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD), được triển khai tại 64 xã của 6 huyện trong tỉnh Tuyên Quang, nhằm mục tiêu chung nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đặc biệt tại các khu vực khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang.
Mục tiêu phát triển của dự án là khuyến khích sự tham gia của các hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế sinh lời bền vững, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia vào các chuỗi giá trị vì người nghèo.
Vì thôn An Thịnh có tổ hợp tác chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn toàn xã Đông Lợi nên được tỉnh Tuyên Quang chọn là tổ thí điểm nhận dự án này. Điều kiện để nhận hỗ trợ là các hộ gia đình phải nằm trong tổ chăn nuôi thôn An Thịnh.
Khi triển khai, có 12 hộ gia đình đăng ký nhận hỗ trợ nhưng sau khi thẩm định thì chỉ có 9 hộ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về chuồng trại được nhận hỗ trợ. Do đó, 52 con lợn giống đã được chia đều cho 9 hộ gia đình trong tổ chăn nuôi. 52 con lợn giống này có tổng trị giá 376 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 60%, người dân đóng góp 40%.
Cũng theo Hà, về danh sách các hộ được cấp lợn do Ban quản lý dự án của Sở NN-PTNT Tuyên Quang duyệt, anh Hà chỉ là người hưởng lợi.
Ông Phạm Quang Thiện, thành viên của tổ chăn nuôi thôn An Thịnh, thắc mắc, lợn dự án chỉ được cấp cho các hộ trong tổ hợp tác chăn nuôi thôn An Thịnh, nhưng có 2 hộ là gia đình bà Diêu Thị Chi, thôn Phúc Kiện là vợ của ông Bí thư Đảng ủy xã Đông Lợi và gia đình ông Nguyễn Đình Cẩm, thôn Đồng Nương là anh trai của Trưởng ban Địa chính xã, cả 2 hộ trên không phải thành viên tổ hợp tác chăn nuôi thôn An Thịnh, nhưng chẳng hiểu vì sao họ vẫn được cấp lợn dự án?
Để làm rõ việc 2 hộ thôn ở thôn khác được nhận hỗ trợ lợn dự án thôn An Thịnh, chúng tôi làm việc với ông Trần Văn Mùi, Bí thư Đảng ủy xã Đông Lợi.
Ông Mùi cho biết, gia đình ông được dự án hỗ trợ 8 con lợn nái hậu bị. Tháng 4/2015, gia đình ông làm đơn xin tham gia tổ hợp tác chăn nuôi thôn An Thịnh và đã được chấp thuận. Nhưng khi chúng tôi hỏi từ khi tham gia tổ hợp tác chăn nuôi thôn An Thịnh, ông đã tham gia họp lần nào chưa và thời gian họp khi nào?
Ông Mùi khẳng định ông đã tham gia họp tổ nhưng khi nào thì ông không rõ. Điều khó hiểu hơn, ngoài việc không nhớ thời gian mình tham gia họp tổ khi nào, ngay cả số thành viên trong tổ ông Mùi cũng đưa ra con số khác với thực tế. Theo ông Mùi, tổ hợp tác chăn nuôi thôn An Thịnh chỉ có 9 thành viên (không phải 18 thành viên như anh Hà, tổ trưởng tổ chăn nuôi thôn An Thịnh cho chúng tôi biết).
Khi đặt câu hỏi vì sao lợn dự án chỉ được cấp cho cán bộ xã và người thân của cán bộ xã, ông Bí thư Đảng ủy xã cho hay: Dự án này không có văn bản nào nói là cán bộ không được tham gia chăn nuôi lợn.
Dư luận và người dân xã Đông Lợi đang mong đợi các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang sớm làm rõ, vì sao lợn giống của dự án lại chỉ “ưu tiên” hỗ trợ cho cán bộ xã và người thân của họ?
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao