Lông gà và xương bò quý hơn chúng ta tưởng
Lông gà, lông vịt hiện đã được một nhà nghiên cứu ở Thái Lan chế thành nguồn protein mới, trong khi hơn một năm qua ngành dược Ấn Độ lao đao vì thiếu xương bò.
Biến lông gà thành nguồn dinh dưỡng mới
Trong khi Sorawut Kittibanthorn tìm kiếm các nguồn rác thải mới để tái chế, lúc ấy chàng sinh viên người Thái Lan đang du học ở vương quốc Anh mới nhận ra có hàng triệu tấn lông gà bị vứt bỏ mỗi năm.
Và giờ đây khi quay trở về quê hương Thái Lan, chàng trai 30 tuổi này lại đang tìm kiếm các nguồn tài trợ để tiếp tục nghiên cứu ra cách tốt nhất nhằm chuyển hóa thành phần dinh dưỡng có trong lông gia cầm thành dạng bột nạc, giàu protein và có thể ăn được.
Nhà nghiên cứu Sorawut nói: “Lông gà có chứa protein và nếu chúng ta có thể chuyển hóa được nguồn protein này cho những người còn đang thiếu dinh dưỡng trên thế giới thì đó là một điều tốt cho tất cả mọi người và sẽ giúp giảm thiểu chất thải”.
Theo các tính toán của Sorawut hiện nay (và tiềm năng sẽ còn rất lớn) mỗi năm ở châu Âu có khoảng 2,3 triệu tấn lông vũ gia cầm các loại đang bị đổ bỏ và gây khó khăn cho ngành môi trường. Và đặc biệt với mức tiêu thụ gia cầm ở châu Á đang có xu hướng ngày một tăng lên, ông Sorawut tin rằng, thời gian tới có thể có nhiều hơn 30% lượng chất thải lông vũ sẽ được khai thác trong khu vực.
Sorawut hiện đã tốt nghiệp Masters chuyên ngành Vật liệu của Tương lai tại London cho biết, ý tưởng này sẽ cần phải trải qua các giai đoạn nghiên cứu và phát triển khác nhau. Tuy nhiên, các mẫu nghiên cứu sản phẩm đầu tiên từ lông vũ chế biến bao gồm món gà chiên và món thay thế bít tết đã nhận được những phản hồi, đánh giá tích cực từ một số người.
Trong khi lông vũ tại nhiều nơi vẫn thường bị coi là rác thải thì ở nhiều quốc gia phát triển nó đã được coi là một phụ phẩm có giá trị của ngành chăn nuôi gia cầm. Dù nhẹ như lông vũ nhưng với số lượng gà rất lớn được sản xuất hàng năm ở Mỹ thì lượng lông được tạo ra là đáng kể. Cụ thể, với hơn 8 tỷ con gà thịt được sản xuất mỗi năm tại Mỹ đã tạo ra từ 2 đến 3 tỷ pound lông vũ.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất keratin (một loại protein) trong lông vũ có thể được sử dụng để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm giá trị như gối, tã giấy, vật liệu cách nhiệt, chất dẻo, bọc nệm,…
“Mọi người có thể thấy khâu chế biến nó rất phức tạp và đòi hỏi phương pháp sản xuất tiên tiến. Đó là điều mà bạn sẽ không tưởng tượng được rằng lông gà có thể ‘biến tấu’ thành món ăn như thế này”, blogger ẩm thực Cholrapee Asvinvichit lên tiếng sau khi thưởng thức món bít tết ăn kèm nước xốt, khoai tây nghiền và salad. “Tôi thực sự đã có thể tưởng tượng ra là tới một ngày nào đó món này (sẽ được phục vụ) ở những nơi sang trọng như nhà hàng có gắn sao Michelin để cho mọi người cùng được trải nghiệm”, cây viết Cholrapee nói với Reuters.
Hathairat Rimkeeree, giáo sư khoa học thực phẩm tại Đại học Kasesart, cũng rất ngạc nhiên trước kết quả nghiên cứu ban đầu này. “Tôi nghĩ nó có tiềm năng trở thành một nguồn thực phẩm thay thế trong tương lai”, ông Hathairat chia sẻ.
Theo các chuyên gia, hiện xu thế các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc từ thực vật đang trở nên phổ biến khi ngày càng có nhiều người chuyển sang chế độ ăn thuần chay hoặc ăn chay. Điều này xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều người lo ngại về các nguy cơ sức khỏe do ăn thịt động vật, vi phạm phúc lợi động vật và chăn nuôi thâm canh dẫn đến các hiểm họa về môi trường
Hiện tại cho dù thực phẩm làm từ lông vũ chưa được phân loại cụ thể là thuần chay hay chay, tuy nhiên theo cảm nhận của ông Sorawut thì chúng nên được coi là một xu hướng ăn uống có đạo đức.
“Tôi dự định sẽ tiếp cận đến các nhà hàng không chất thải trước cho dù những món ăn này được làm từ chất thải gia cầm- một nguồn phụ phẩm từ động vật mà chúng ta thường tiêu thụ”, ông Sorawut cho hay.
Ngành dược Ấn Độ lao đao vì thiếu xương bò
Các nhà máy sản xuất gelatin lấy nguyên liệu từ xương gia súc để sản xuất viên nang cho ngành dược phẩm hiện đang gặp khó khăn lớn vì thiếu nguyên liệu.
Nguyên nhân là nguồn cung cấp xương gia súc bị thiếu hụt trầm trọng đã khiến các nhà sản xuất gelatin của Ấn Độ rơi vào tình thế bấp bênh, phải vật lộn để bù lấp công suất thiết kế.
Các chuyên gia ngành dược cho biết, xương gia súc vốn là nguyên liệu chính để sản xuất gelatin, tuy nhiên đại dịch Covid-19 gây gián đoạn và đứt gãy nguồn cung thực phẩm trên quy mô toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất gelatin ở Ấn Độ.
Sajiv K Menon, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Ossein và Gelatine Ấn Độ cho biết, nhiều năm qua ngành công nghiệp gelatin của nước này là một ngành hàng xuất khẩu ròng với quy mô xuất khẩu vượt trội. Tuy nhiên với việc giảm công suất của các nhà máy, năm nay đã trở thành năm đầu tiên khiến Ấn Độ phải nhập khẩu mặt hàng này.
“Mối quan ngại nhất hiện nay là lượng nguyên liệu gelatin nhập khẩu đang tăng mạnh từ Trung Quốc, trong khi năm 2017 Ấn Độ chỉ nhập khẩu khoảng 530 tấn nhưng năm ngoái đã tăng gấp 4 lần lên 2.330 tấn”, ông Menon cho hay.
Theo tính toán, hiện nhu cầu của các nhà sản xuất gelatin trong nước là khoảng 18.000 tấn xương bò mỗi tháng, nhưng nguồn cung hiện tại chỉ đạt khoảng 13.000 tấn.
Sự thiếu hụt xương gia súc đã dẫn đến việc giá nguyên liệu thô tăng mạnh, lên gần 60% so với năm 2019. Giám đốc điều hành tập đoàn Nitta Gelatin Ấn Độ có trụ sở tại bang Kochi cho biết, ngành công nghiệp gelatin trong nước chỉ có thể trở nên cạnh tranh bằng cách cho phép nhập khẩu thêm nhiều xương bò từ tất cả các nước. Tuy nhiên hiện việc nhập khẩu bị giới hạn bởi bệnh bò điên (BSE). Các nhà sản xuất gelatin Ấn Độ cũng đã yêu cầu chính phủ cấp phép nhập khẩu xương bò từ các quốc gia ít có nguy cơ bệnh BSE...
“Sản xuất gelatin là một quy trình an toàn. Không giống như ở Ấn Độ, không có hạn chế nhập khẩu xương như vậy ngay cả ở các nước châu Âu và Nhật Bản và các công ty được phép nhập khẩu xương từ bất cứ đâu. Nếu việc nhập khẩu xương bò được tự do hóa, các công ty gelatin trong nước có thể hoạt động gần với công suất lắp đặt”, vị này nói thêm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao