Mô hình kinh tế Lỏng Lẻo Trong Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống

Lỏng Lẻo Trong Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống

Publish date Friday. March 22nd, 2013

Lỏng Lẻo Trong Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống

Cần quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống là vấn đề đặt ra khi trải qua nhiều biến cố của vụ mùa năm 2012: dịch bệnh hoành hành, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, biến đổi khí hậu,… gây thất thu cho người nuôi tôm. Nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng tôm giống không bảo đảm. 
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, nhìn nhận, vấn đề quản lý chất lượng tôm giống hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, trong khi giống lại là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của vụ nuôi. Tình trạng thất thu vừa qua không thể bỏ qua nguyên do từ chất lượng con giống. 
Chưa quản lý chặt

Dù đã được cảnh báo, hướng dẫn kỹ cách nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh từ trước nhưng người nuôi tôm vẫn không tránh khỏi rủi ro tôm chết. 
Theo Anh Lữ Văn Tặng, chủ Trại sản xuất tôm cua giống Tấn Lộc, khóm 1, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, các trại giống ở đây hầu hết sản xuất bán cho người nuôi tôm quảng canh, chứ hộ nuôi tôm công nghiệp rất hiếm, đa số họ mua giống nhập từ các tỉnh khác về. 
Ông Nguyễn Văn Biểu, khóm 7, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, thú thật, nuôi tôm công nghiệp đã nhiều năm nay, nhưng gia đình chủ yếu mua giống từ miền Trung nhập vào, vì con giống khoẻ hơn, phát triển mạnh hơn. 
Theo đánh giá của các chuyên gia về thuỷ sản, tuỳ từng vùng đất khác nhau mà khả năng thích nghi của con tôm cũng khác nhau. Do đó, với điều kiện vùng nước như Cà Mau thì việc thích nghi của con giống ở tỉnh khác là rất khó. 
Vậy mà thực tế, năm 2012 vừa qua, toàn tỉnh chỉ sản xuất 8,35 tỷ con giống, giảm 1,4 tỷ con so với 2011, trong khi đó số lượng tôm giống nhập tỉnh gần 10 tỷ, tăng 2 tỷ con so với 2011. Ông Bằng trần tình: “Hằng năm, Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra giống nhập tỉnh và xử lý nghiêm nhiều trường hợp sai phạm nhưng quá khó để quản lý chặt chẽ”. 
Hướng đi nào cho vụ nuôi mới?

Đã qua, Sở NN&PTNT đã có dự án về xây dựng trại tôm giống chất lượng tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được tiến hành. Giải thích điều này, ông Bằng cho biết, đến nay sở vẫn đang kêu gọi nhà đầu tư nên chưa thể tiến hành theo dự toán được”. 
Xuống tận địa bàn của từng địa phương mới thấy rõ sự lỏng lẻo trong cách quản lý tôm giống. 
Ông Trần Minh Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, cho biết: “Toàn huyện có hơn 50 trại giống nhưng chỉ có khoảng 30% đang hoạt động. Việc kiểm tra không thuộc thẩm quyền của tuyến huyện”. 
Huyện Đầm Dơi là địa bàn phát triển mạnh về nuôi tôm công nghiệp cũng không tránh khỏi tình trạng trên. 
Theo anh Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT Đầm Dơi, với hơn 2.219 ha nuôi tôm công nghiệp đã có gần phân nửa số người nuôi tôm sử dụng giống nhập tỉnh, trong khi địa phương có tới 127 trại giống”. Đây cũng là điều đáng báo động cho vấn đề kiểm tra chất lượng tôm giống của tỉnh. 
Hiện toàn tỉnh có hơn 266.000 ha nuôi tôm (gần 5.000 ha nuôi tôm công nghiệp) nhưng chỉ có 1 trung tâm và 3 trạm kiểm dịch giống chỉ ở mức phối hợp trạm liên huyện và tiến hành kiểm tra định kỳ mà thôi, nên khó kiểm soát hết được. Trong khi địa phương là người nắm rõ nhất tình hình nhưng họ không “với” tới, không đủ chức năng để kiểm tra. 
Vụ nuôi mới đang sắp bắt đầu, người nuôi tôm đang e dè, lo ngại khi bắt tay vào vụ. 
Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, tôm giống chất lượng của tỉnh chỉ chiếm khoảng 60% theo tiêu chuẩn của ngành. Với giá từ 15 - 20 đồng/con thì người nuôi tôm mất khoảng hàng chục tỷ đồng khi sử dụng giống kém chất lượng. Đó là chưa kể chi phí cải tạo lại ao sau khi bị nhiễm bệnh.


Cân Đối Diện Tích Nuôi Cá Tra Nguyên Liệu Và Cá Tra Giống Ở Cần Thơ Cân Đối Diện Tích Nuôi Cá Tra Nguyên… Sản Xuất Cá Giống Trong Tỉnh Cung Chưa Đủ Cầu Ở Dak Lak Sản Xuất Cá Giống Trong Tỉnh Cung Chưa…