Lúa mùa nổi - giải pháp nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu
Đông Nam Á là khu vực đối mặt với nguy cơ rủi ro cao nhất do biến đổi khí hậu. Lúa mùa nổi có điểm đặc biệt, thân lúa rất dài so với lúa thường nên thích nghi với nước nổi ở một số nước lưu vực sông Mê Kông và được xem là giải pháp bền vững cho sản xuất thực phẩm thân thiện môi trường trong bối cảnh mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
Nông dân cày đất rồi sạ thẳng hạt lúa xuống mặt ruộng khô cho cây lúa tự đâm chồi, bén rễ.
Lúa mùa nổi có thể sinh trưởng tốt trong mùa lũ. Dù nước có dâng cao tới đâu, thân lúa có bị ngập sâu đến mức nào, nó vẫn phát triển. Cứ nước cao tới đâu thân lúa vươn ngọn dài tới đó, do vậy mới sinh ra cái tên lúa nổi - tức nổi trong biển nước.
Một cây lúa có thể vươn dài đến 1-6m, có khi cao hơn đầu người lớn và thường chín rộ trên mặt nước.
Trồng lúa mùa nổi không cần chăm sóc nhiều. Cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh trong nước lũ mà không cần phải bón phân nhờ thấm hút chất phù sa từ trong nước lũ. Loại "phân bón tự nhiên" này giúp người nông dân hạn chế việc sử dụng các loại phân bón hóa chất. Ngoài ra, đặc điểm "ẩn" mình dưới nước cũng giúp cây lúa tránh được các loại sâu bệnh gây hại.
Kỹ thuật canh tác truyền thống này đang được xem là phương pháp sản xuất lúa gạo bền vững và thân thiện môi trường đối với các nước ở Hạ lưu vực sông Mê Kông, trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Tại làng Tnot của Campuchia, các mối đe dọa như bão, lũ không làm cho người nông dân ở đây lo ngại. Cây lúa mùa nổi vẫn sinh trưởng tốt trong nước lũ và cung cấp đủ gạo ăn cho người dân địa phương. Người trồng lúa ở đây cũng nhàn nhạ hơn so với các nơi khác vì đỡ tốn thời gian chăm sóc cây lúa.
Khi đồng đất ngập sâu hơn đầu người, cây lúa nổi vẫn cứ nổi giữa biển nước mênh mông.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Campuchia, diện tích trồng lúa mùa nổi tại các vùng đồng bằng nước này đang ngày càng thu hẹp.
Lúa mùa nổi mỗi năm trồng được chỉ một vụ khi nước lên và có giá trị thấp hơn so với các giống lúa khác. Các giống lúa có năng suất cao hơn vẫn được sản xuất một cách rộng rãi để thúc đẩy sản xuất lúa gạo.
Nhiều diện tích đất canh tác đang được thay thế bằng các giống lúa mùa khô có thể thu hoạch 2-3 mùa vụ mỗi năm, mỗi mùa chỉ kéo dài khoảng 3 tháng.
Tại Việt Nam, lúa mùa nổi được trồng chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm nhiều giống như: Nàng Pha, Nàng Tây, Tây Đùm, Tàu Binh, Chệch Cụt, Bông Sen... với đặc điểm chung là có thể thích nghi trong điều kiện ngập sâu đến vài mét.
Mặc dù lúa mùa nổi cho năng suất thấp nhưng lợi nhuận lại cao bởi nông dân hầu như không phải bón phân, phun thuốc hay cực công chăm sóc. Vào mùa khô, một số cây màu trồng trên nền rạ lúa mùa nổi cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Lúa mùa nổi được xem là giải pháp bền vững cho sản xuất thực phẩm thân thiện môi trường.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, lúa mùa nổi còn giúp tạo không gian để chứa nước lũ, giảm nguy cơ vỡ đê ở vùng lân cận, giúp ứng phó tốt với lũ lụt, đặc biệt là lũ lớn.
Lúa mùa nổi được trồng phố biến ở ĐBSCL nhưng từ 30 năm trở lại đây diện tích hẹp dần và có nguy cơ biến mất.
Tháng 11.2017, một hội thảo quốc tế "Phát triển nền nông nghiệp bền vững hướng đến an ninh lương thực vùng Mê Kông - Bảo tồn hệ thống canh tác nông nghiệp sinh thái trên nền lúa mùa nổi tại ĐBSCL" đã được tổ chức ở tỉnh An Giang.
Hội thảo thu hút sự tham dự của các chuyên gia đến từ các nước Philippine, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Mỹ, và Việt Nam.
Hội thảo nhằm chia sẻ các hoạt động bảo tồn và vận động chính sách về bảo tồn lúa mùa nổi, đồng thời tăng cường mở rộng mạng lưới nghiên cứu bảo tồn hệ thống canh tác nông nghiệp sinh thái dựa trên mô hình lúa mùa nổi tại ĐBSCL với các bên liên quan.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao