Mô hình kinh tế Luật Thú Y Gỡ Khó Cho Chăn Nuôi

Luật Thú Y Gỡ Khó Cho Chăn Nuôi

Publish date Tuesday. November 4th, 2014

Luật Thú Y Gỡ Khó Cho Chăn Nuôi

Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã trình bày trước Quốc hội dự án Luật Thú y.

Luật ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm ATVSTP và sức khỏe con người…

Chủ tịch tỉnh mới có thẩm quyền công bố dịch

Tại các cuộc giải trình trước Ủy ban Thường vụ QH về dự án Luật Thú y còn nhiều ý kiến khác nhau về thẩm quyền công bố dịch.

Một số ý kiến cho rằng nên phân cấp thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật cho Chủ tịch UBND huyện, xã nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh bởi công tác chống dịch mà chờ đến hết “quy trình hành chính” để đến với Chủ tịch tỉnh là quá chậm, dịch có thể bùng phát nhanh gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.

Theo Ban soạn thảo luật thì thẩm quyền công bố dịch bệnh trên động vật của Chủ tịch UBND cấp xã, phù hợp với thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Vì thực tế hiện nay, khi công bố dịch và tổ chức chống dịch lực lượng cấp xã đóng vai trò chủ chốt trong việc phòng, chống dịch.

Về cơ chế, chính sách trong năng lực phòng, chống dịch thì việc đền bù, hỗ trợ sẽ có văn bản hướng dẫn chung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng một chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh để khi có dịch sẽ sử dụng được ngay. Nên trong dự thảo luật quy định thẩm quyền công bố dịch của UBND xã là phù hợp thực tiễn có tính khả thi cao khi thi hành.

Tuy nhiên, nội dung này không được sự đồng thuận của Ủy ban KH-CN&MT bởi theo ủy ban này thì cấp xã là địa bàn xảy ra dịch bệnh nhưng hiện thiếu cán bộ chuyên môn, lực lượng không ổn định, thiếu trang thiết bị cho công tác chẩn đoán, xác minh dịch bệnh nên khi dịch bệnh xảy ra, Trạm Thú y huyện thường phải lấy mẫu đưa lên tuyến trên để xét nghiệm; việc chống dịch, khắc phục hậu quả dịch bệnh phải theo sự chỉ đạo và nguồn lực của cấp huyện.

Hơn nữa, việc công bố dịch đồng thời phải xác lập cả vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Trên thực tế các vùng này không theo ranh giới hành chính của một xã, hầu hết các ổ dịch đều liên quan đến nhiều xã.

Chủ tịch UBND cấp xã chỉ ban hành quyết định công bố dịch trong phạm vi xã mình, không thể công bố vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm tại những xã lân cận. Do vậy, quy định giao Chủ tịch UBND cấp xã công bố dịch là không khả thi.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực thi Pháp lệnh Thú y thì công tác quản lý chất lượng thuốc thú y vẫn còn nhiều bất cập. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy tỷ lệ mẫu không đạt đối với thuốc lưu thông trên thị trường chiếm tới 13,3%; đối với mẫu hoạt chất tỷ lệ vi phạm chiếm 12,8% (đối với kháng sinh), chiếm tới 21% (đối với vitamin).

Để bảo đảm quản lý chất lượng thuốc thú y, bảo đảm an toàn cho sức khỏe động vật, kiểm soát tốt tồn dư hóa chất trong sản phẩm động vật, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị dự thảo Luật Thú y cần bổ sung một số quy định liên quan đến kiểm nghiệm, kiểm định thuốc thú y.

Ở cấp huyện có tổ chức và nhân lực chuyên môn về thú y, có cán bộ theo dõi dịch bệnh ở các xã; có mạng lưới thông tin phòng, chống dịch, có trang thiết bị kỹ thuật để xác minh dịch bệnh; có thực tiễn chỉ đạo chống dịch nhiều năm qua khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch.

Tuy nhiên, do nguồn lực cấp huyện còn hạn chế nên nếu quy định giao Chủ tịch UBND cấp huyện công bố dịch sẽ phát sinh nhiều bất cập khi dịch bệnh phải công bố bùng phát đồng thời tại nhiều xã trong huyện vì chỉ có Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền huy động, phân bổ các nguồn lực để phòng chống dịch vì vậy Ủy ban KH-CN&MT đề nghị giữ nguyên thẩm quyền công bố dịch của Chủ tịch tỉnh.

Xây dựng hệ thống thú y đến cấp xã

E ngại việc có thể tăng thêm biên chế nếu như Luật Thú y quy định hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y phân bổ đến tận cấp xã, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên có cơ quan thú y từ TƯ đến cấp huyện và ở cấp cơ sở sẽ sử dụng cán bộ kiêm nhiệm.

Nhưng theo Bộ NN-PTNT, nhân viên thú y xã có nhiệm vụ theo dõi, giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch; tham gia tiêm phòng vắc xin; lấy mẫu gửi xét nghiệm, xác minh, điều tra các ổ dịch khi nhận được thông báo của người dân; thống kê gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn; kiểm tra giám sát, hướng dẫn việc sử dụng thuốc của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và thực hiện kiểm soát giết mổ tại các điểm nhỏ lẻ trên địa bàn.

Trong những năm qua, vai trò của thú y xã được chứng minh qua một số trận dịch lớn như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... ở nơi nào có lực lượng thú y xã tổ chức hoạt động tốt thì dịch bệnh ít xảy ra hoặc xảy ra được phát hiện kịp thời sẽ tổ chức không chế, dập dịch nhanh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi và nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Hiện nay chế độ đãi ngộ cho các cán bộ thú y ở mỗi địa phương một khác, không phù hợp. Vì vậy việc xây dựng hệ thống cán bộ thú y cấp xã là cần thiết vì đây là lực lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đồng tình với quan điểm này, Ủy ban KH-CN&MT cũng cho rằng cần quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y có từ trung ương đến cấp huyện, cấp xã có nhân viên thú y nhằm tăng cường nhân lực cho thú y tuyến cơ sở để phát hiện, kiểm soát được dịch bệnh ngay khi mới phát sinh, đồng thời “luật hóa” vai trò, trách nhiệm của lực lượng thú y cơ sở.


Xã Ninh Phú Thua Lỗ Vì Tôm Xã Ninh Phú Thua Lỗ Vì Tôm Xuất Khẩu Thủy Sản Cầm Chắc 7 Tỷ USD Xuất Khẩu Thủy Sản Cầm Chắc 7 Tỷ…