Tin nông nghiệp Lưu ý gieo cấy lúa Xuân 2020

Lưu ý gieo cấy lúa Xuân 2020

Author KS.Phạm Thị Hiên, publish date Saturday. March 7th, 2020

Lưu ý gieo cấy lúa Xuân 2020

Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo năng suất, trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin lưu ý một số vấn đề khi gieo cấy lúa xuân như sau:

1. Cây mạ: Thời tiết trong những ngày tới vẫn còn rét, nhiệt độ từ 16-200C, bà con cần che phủ linon cho mạ vào ban đêm, tránh nhiệt độ thấp và sương giá. Trước khi đưa mạ ra ruộng cấy 2-3 ngày có thể mở linon để mạ quen với môi trường bên ngoài; phun trừ rầy nâu cho mạ.

2. Khâu nước tưới: Vụ Xuân cần lấy nước làm áo, ruộng cấy giữ mực nước nông 2-3 cm để giữ ấm chân cây lúa, giúp cây nhanh bén rễ hồi xanh và hạn chế cỏ dại.

3. Gieo cấy: Giai đoạn gieo cấy vẫn còn rét, tuy nhiên theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Ương, vụ xuân 2020 dự báo là vụ xuân ấm, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm nên:

Lưu ý bà con cấy mật độ vừa phải, không cấy quá to, quá dày. Mật độ cấy tùy thuộc vào giống lúa, chân đất và mức độ thâm canh. Với những giống đẻ khỏe, chịu thâm canh, chân đất tốt sâu màu, có thể áp dụng phương pháp cấy thưa hàng đều, mật độ khoảng 25-30 khóm/1 m2 (tương ứng cấy 5 hàng x 5-6 khóm/1 m dài), cấy 2-3 dảnh/khóm.

Với cấy máy: Cần lưu ý cây lúa cấy máy rất dễ bị vùi sâu nếu thao tác trong ruộng hẩu bùn và bùn còn chưa lắng. Do vậy, sau khi bừa cấy xong nên để lắng bùn vài ba ngày và giữ mực nông, săm sắp mặt ruộng khoảng 1-2 cm mới cấy.

4. Phân bón lót: Khâu bón lót sâu vẫn rất quan trọng đối với cây lúa, giúp đảm bảo dinh dưỡng cung cấp cho cây, cây lúa nhanh bén rễ, hồi xanh. Có thể bón trước bừa lần cuối 2-3 ngày hoặc trước lần san phẳng ruộng.

Cần tận dụng tối đa nguồn phân chuồng và phân hữu cơ nếu có hoặc có thể sử dụng phân vi sinh để thay thế. Bón khoảng 25 kg/1 sào đối với NPK có hàm lượng dinh dưỡng tỷ lệ 6:11:2 hoặc 5:10:3; hoặc 6-8 kg phân có tỷ lệ 16:16:8.

Lưu ý:

Không gieo cấy khi trời rét buốt, nhiệt độ dưới 15oC.

Không cấy các giống dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn trên chân đất trũng hẩu, chua mặn và vùng thường bị nhiễm bệnh để giảm rủi ro cuối vụ.


Kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn Châu phi Kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn Châu… Có thể xuất khẩu măng tây sang Úc ngay từ tháng 3 Có thể xuất khẩu măng tây sang Úc…