Lưu ý nuôi tôm ao lót bạt
Lót bạt ao nuôi tôm hiện đang trở thành phương pháp nuôi tôm mới, hiện đại với nhiều ưu điểm nổi bật hơn hẳn so cách nuôi tôm truyền thống. Điển hình như giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng nước ao, chất thải và ngăn ngừa dịch bệnh.
Ưu điểm
Ngày nay mô hình nuôi tôm trong ao lót bạt đang khá phổ biến, với những ưu điểm nổi bật, như:
– Hạn chế được dịch bệnh do nước trong hồ được cách ly triệt để với môi trường đất bên ngoài nên ngăn ngừa được sự phát triển của ký sinh trùng hay sinh vật mang mầm bệnh khác.
– Nhờ bề mặt trơn cứng của đáy và bờ ao nên công tác thu hoạch dễ dàng và không bị thất thoát do tôm lẫn trong bùn hoặc ẩn nấp trong các hang lỗ. Thời gian thu hoạch nhanh hơn, sức khỏe và vệ sinh tốt hơn, do đó chất lượng sản phẩm khi đưa đến nhà máy chế biến đảm bảo tốt hơn.
– Rút ngắn thời gian làm vệ sinh và phơi ao diệt khuẩn, thường chỉ trong vòng 7 đến 10 ngày trong khi ao đất phải mất gần 1 tháng nên quay vòng thời vụ nhanh.
– Sử dụng bạt HDPE có độ bền rất cao, trơ lỳ dưới tác động của ánh sáng mặt trời, sử dụng lâu dài. Giảm chi phí bảo dưỡng như công tác bồi đắp bờ ao, sửa chữa đáy ao. Giảm chi phí trong công tác thu hoạch, làm vệ sinh, diệt khuẩn, khử phèn. Giảm chi phí thức ăn và chi phí bơm nước, sục khí, bơm ôxy.
Thi công
Mặt bằng ao nuôi cần được làm phẳng, đầm chặt, nén kỹ bờ, dọn sạch các vật cản, sỏi đá, vật nhọn có thể làm rách bạt. Đảm bảo mặt bằng có độ nghiêng nhất định hướng về rãnh thoát nước. Đào rãnh neo để cố định bạt theo yêu cầu trong thiết kế. Tiến hành đào xiphong đáy ao có độ sâu khoảng 1 m và bán kính từ 60 – 80 cm, tùy vào kích thước của ao.
Bạt được sử dụng nuôi tôm có nhiều mức độ dày khác nhau, dao động từ 0,3 – 1 mm. Cần lựa chọn loại bạt phù hợp với điều kiện thi công, cơ sở vật chất và tính chất đất nền đáy ao.
Với các ao tôm lớn, lượng bạt sử dụng nhiều, cộng thêm trọng lượng bạt khá nặng, với sức người khó có thể đảm bảo nên cần sự hỗ trợ của máy móc. Ngoài ra, còn cần chuẩn bị máy hàn để phục vụ cho công tác hàn bạt.
Tiến hành trải bạt lên bề mặt ao. Trong quá trình trải bạt phải đảm bảo bạt nằm sát với nền đáy để giảm hiện tượng bạt bị phồng lên. Cần lắp thêm ống thoát khí lên bờ ao để khi bơm nước vào ao sẽ không gặp phải vấn đề bạt bị phồng từ dưới lên. Lót bạt hố xiphong.
Trải bạt quanh mép ao, ở đáy ao các mép bạt được cuốn vào các thanh tre, chôn sâu khoảng 10 – 20 cm.
Sau khi lót bạt thì tiến hành lấp rãnh neo để cố định bạt.
Các tấm bạt HDPE được nối lại với nhau bằng máy hàn kép theo phương pháp hàn gia nhiệt; những vị trí trong góc, những điểm hư hỏng sẽ được hàn lại bằng máy hàn đùn tạo thành một lớp chống thấm đồng nhất.
Người nuôi cần dọn dẹp sạch bờ ao, tránh để đá, cây, que, các vật nhọn sắc, dễ cháy ở gần ao vì có thể gây thủng, rách bạt.
Cách vệ sinh ao bạt
Trước vụ nuôi: Đối với ao bạt sử dụng từ vụ trước, cần tiến hành chà rửa sạch, phơi khô 2 – 3 ngày sau đó dùng vôi CaO hòa vào nước phun đều mặt bạt để khô phơi nắng tối thiểu 5 ngày rồi vệ sinh lại mới bắt đầu vào vụ mới.
Nếu ao có mái che thì người nuôi vệ sinh sạch sẽ rồi để khô. Sau đó dùng dung dịch acid HCl xịt rửa khắp mặt bạt lót sau đó để khô 1 – 2 ngày vệ sinh lại bằng nước sạch và thả vụ nuôi mới. Tỷ lệ 1 lít HCl pha 8 lít nước.
Trong quá trình nuôi, bạt thường bị nhớt do nhiều nguyên nhân như: Ô nhiễm hữu cơ, mùn đáy nhiều, thức ăn dư thừa lắng xuống đáy; Nước ao nuôi quá trong, ánh sáng xuyên tới đáy làm cho nhớt đáy phát triển; Ao nuôi nhiễm phèn, kim loại nặng lắng tụ. Nhớt đáy là tác nhân gây các bệnh về đường ruột và gan cho tôm. Vì vậy, người nuôi cần định kỳ sử dụng AOcare Control hoặc các chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật có lợi để xử lý nước, cải thiện môi trường một cách lâu dài, hỗ trợ sự cân bằng sinh học. Giúp ao đáy ao sạch nhớt, giảm tảo.
Yêu cầu
Chi phí vốn của các ao lót bạt là vấn đề quan trọng với người nuôi, vì vậy, cần phân tích tính khả thi toàn diện được khuyến nghị khi xem xét công cụ sản xuất này. Với những người nuôi muốn giảm thiểu chi phí sản xuất có thể lựa chọn chỉ lót bạt ở vùng giữa của khu vực xiphong chất thải.
Việc lựa chọn ao lót bạt ngoài sự cân nhắc các yếu tố tài chính còn phải lựa chọn đúng loại bạt lót cho từng mô hình nuôi. Cần lựa chọn nhà cung cấp thiết bị bạt lót uy tín và cẩn thận trong thi công để đảm bảo hiệu quả của công trình.
Sau khi lắp đặt ao lót bạt, cần phải rửa sạch bạt hoàn toàn trước khi đưa vào sử dụng. Yêu cầu khi lót bạt, bạt phải phẳng, được giữ chặt xuống đáy ao và trên bờ ao với phần nối ráp chắc chắn. Phải hết sức lưu ý khi có gió sẽ làm dập, rách bạt, cần dùng túi cát, vật dụng mềm để đè lên.
Khi lắp đặt bạt cần lưu ý không để các tác nhân bên ngoài làm thủng, rách bạt. Đặc biệt là khi công nhân hút thuốc, tàn thuốc sẽ là một tác nhân nguy hiểm. Hoặc với những ao nuôi chỉ dùng bạt mỏng khoảng 0,3 mm, việc đi giày đế cứng để thi công sẽ dễ làm rách bạt.
Đối với ao bạt, trong quá trình nuôi, lượng phốt pho sẽ tích lũy trong ao và các loại thực vật phù du sẽ gia tăng nhiều, làm hàm lượng ôxy hòa tan giảm mạnh vào ban đêm gây ra hiện tượng tảo bị tàn, thiếu ôxy cho tôm sinh trưởng. Vì vậy, người nuôi cần đảm bảo thiết bị sục khí nhiều hơn ao đất, nhằm đảm bảo đủ ôxy, cũng như tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ và thu gom chất thải vào khu vực xiphong.
Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần chú ý đến các yếu tố khác như chất lượng nước, tôm giống và quản lý chăm sóc trong quá trình nuôi. Nước được sử dụng cho ao nuôi cần được xử lý trước khi đưa vào sử dụng. Vì vậy, cấp thiết phải có thêm các công trình phụ để hỗ trợ ao tôm vận hành tốt, như: Xây dựng ao lắng để xử lý nước. Nước được bơm vào ao lắng có độ sâu lớn hơn 1,4 m, và được xử lý Chlorine 5% với liều lượng 30 ppm, qua 10 ngày mới bắt đầu bơm vào ao nuôi thông qua túi lọc. Quá trình nuôi, cần xiphong đáy thường xuyên để loại bỏ phần chất thải trong ao nuôi, duy trì chất lượng nước.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao