Mắc màn cho cam, người dân Ngọc Sơn thu lãi lớn
"Mắc màn" cho cam là cách làm đặc biệt được anh Nguyễn Trí Đức ở xã Ngọc Sơn, Thạch Hà, (Hà Tĩnh) áp dụng hơn 2 năm qua. Đây đang là phương pháp bảo vệ cây trồng đem lại hiệu quả cao trong phòng tránh côn trùng, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp sạch tại địa phương này.
"Mắc màn" cho cam được anh Nguyễn Trí Đức ở xã Ngọc Sơn, áp dụng hơn 2 năm qua
Đến vườn cam của anh Nguyễn Trí Đức giữa mùa cây cam đang bắt đầu “chuyển màu”, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những hàng cam trên đồi được “mắc màn” từ ngọn đến gốc. Mỗi chiếc màn có chiều dài hàng chục mét, được may ghép từ nhiều mảng lưới xanh với nhau, phủ kín từng hàng cam.
Anh Đức cho biết: “Khi cam bước vào giai đoạn gần chín, tỏa mùi thơm, nhiều loại côn trùng sẽ bay về vườn để châm chích. Vì thế, người trồng cam buộc phải sử dụng nhiều phương pháp như phun thuốc, bắt sâu ban đêm, bọc túi… để bảo vệ cam. Tuy nhiên, các phương pháp trên cũng không phát huy hiệu quả là mấy, nhiều diện tích cam của anh và các vườn lân cận vẫn bị sâu bọ tấn công, ảnh hưởng lớn đến năng suất”.
Qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu, tham quan các mô hình cộng thêm kinh nghiệm của bản thân, anh đã quyết định làm những chiếc màn lớn để “mắc” cho cây cam, vừa giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại trang trại, vừa tránh việc sâu, bướm … bay vào châm chích làm hỏng quả.
Năm 2016, anh Đức cất công đi mua lưới xanh rồi thuê người may các tấm lưới lại với nhau tạo thành những chiếc màn lớn trùm lên từng hàng cam. Trong lần đầu tiên áp dụng cách làm đặc biệt này, anh Đức chỉ làm thí điểm một phần diện tích gồm 100 gốc cam để theo dõi, so sánh và rút kinh nghiệm với chi phí khoảng 120.000 - 150.000 đồng/cây.
Với biện pháp này, các loại sâu bướm phá hoại thường gặp đã không thể chui vào trong cây cam để châm chích quả.
"Sau gần 4 tháng, lứa cam “trong màn” đầu tiên đã cho thu hoạch gần 2,2 tấn quả. Chất lượng cam đồng đều, màu quả đẹp, đặc biệt là không bị rụng quá nhiều như những năm trước.” - anh Đức chia sẻ.
Anh Nguyễn Trí Đức (người bên trái) trao đổi với Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Sơn Phan Trần Hưng về phương pháp "mắc màn" cho cây cam.
Đến nay, gần 1.300 gốc cam trên diện tích gần 4,5 ha đất đồi đã được anh “mắc màn” từ gốc đến ngọn khoảng 4 tháng trước khi cam bắt đầu vào mùa chín rộ. Cam được phủ màn tránh bị sâu, bướm chích; giúp cho quả không bị cháy sém ảnh hưởng đến mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, phương pháp này giúp người trồng cam không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, tránh ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.
Cùng với việc "mắc màn", anh Đức tiến hành phun nước vôi lên toàn bộ cây cam để tránh sâu bọ, tăng năng suất.
“Từ khi áp dụng kỹ thuật này, tình trạng sâu, bướm châm chích giai đoạn quả bắt đầu chín làm quả rụng hàng loạt đã không còn là nỗi ám ảnh của tôi mỗi khi mùa cam đến. Năm 2017, với gần 1100 gốc cam đã cho quả, tôi thu hoạch gần 25 tấn, tăng hơn 6 tấn so với vụ cam 2016. Sau khi đã trừ các chi phí thì vụ cam 2017 tôi lãi gần 300 triệu đồng, mang lại niềm vui lớn cho cả gia đình” – anh Đức chia sẻ thêm.
Nhiều hộ trồng cam trên diện tích lớn tại xã Ngọc Sơn như anh Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Công Phụ, Trần Đình Phương, Nguyễn Trí Tuẫn… cũng đã tiến hành “mắc màn” cho cây cam.
Chủ tịch Hội nông dân xã Ngọc Sơn Phan Trần Hưng cho biết: “Hiện nay, nhiều hộ trồng cam trên diện tích lớn tại xã Ngọc Sơn như anh Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Công Phụ, Trần Đình Phương, Nguyễn Trí Tuẫn… đã tiến hành “mắc màn” cho cây cam để phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là giai đoạn quả bắt đầu chín, dễ gây thu hút đối với các loại sâu bướm; mang lại hiệu quả khá cao… Thời gian tới, xã Ngọc Sơn sẽ có thêm chính sách hỗ trợ để các hộ trồng cam sử dụng phương pháp này nhằm nâng cao năng suất, tránh việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao