Mặt Hàng Nông Sản Xuất Khẩu Của Lâm Đồng Không Bị Nhiễm Dư Lượng Dioxin
* Hàng nông sản xuất khẩu đã khẳng định chỗ đứng trên các “thị trường khó tính”
Trong tháng 9/2014, trên một số phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin về hàng nông sản Việt Nam bị nhiễm dioxin (chất độc Màu da cam) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản nước ta, nhất là thị trường xuất khẩu trà.
Điều đó gây ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất kinh doanh của 65.000 hộ nông dân trồng chè tỉnh Lâm Đồng; tới sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu trà sang Đài Loan nói riêng và sang các nước trên thế giới nói chung. Lượng trà xuất khẩu của Lâm Đồng vào thị trường Đài Loan đã giảm 50%, 70 container với 200 tấn trà Oolong trị giá 140 tỷ đồng bị ách lại tại các cảng của Đài Loan.
Qua đó, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp vì các đơn hàng bị chậm, bị hủy, giảm lợi nhuận, tăng chi phí kiểm nghiệm, các chi phí kho bãi phát sinh… hoặc nếu có được thông quan cũng không thể tiêu thụ được.
Trước thực trạng này, ngày 6/11/2014, Chi hội Thương mại Đài Loan tại Lâm Đồng có Công văn số: LD141106-01 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng của tỉnh với nội dung: “Căn cứ vào sự việc gần đây, báo chí, Đài Truyền thanh, Truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng ở Đài Loan có đăng bài phản ánh các nông sản như chè, cà phê nhập khẩu từ Việt Nam về Đài Loan có chứa hàm lượng lớn các thành phần của chất độc dioxin (do hậu quả chiến tranh để lại).
Điều này đã gây tâm lý lo ngại cho người sử dụng ở Đài Loan, hơn nữa đã ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu của các công ty Đài Loan đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm chè, cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…
Chúng tôi xin thay mặt các nhà doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp kính mong Quý lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, Quý Sở cùng các ban, ngành liên quan xác nhận thông tin trên địa bàn vùng đất của tỉnh Lâm Đồng không nằm trong vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin, để chứng minh các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn của tỉnh là an toàn không nằm trong vùng bị nhiễm độc, từ đó bác bỏ thông tin không đúng sự thật và người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng”…
Ngày 17/11/2014, Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam cũng có Công văn số 086 gửi: Ủy ban công tác Đài Loan, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội và UBND tỉnh Lâm Đồng với nội dung tương tự và yêu cầu Chính phủ Việt Nam đính chính, giải thích với phương tiện truyền thông Đài Loan nhằm duy trì ưu thế xuất khẩu của nông sản Việt Nam.
Để làm sáng tỏ sự thật, ngày 19/11/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 6251/UBND-NV trả lời Chi hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng và khẳng định vùng nguyên liệu nông nghiệp của tỉnh hoàn toàn không ảnh hưởng, không nằm trong vùng nhiễm độc Dioxin. Đồng thời, ngày 27/11/2014, UBND tỉnh có Báo cáo số 198/UBND-BC gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phản ánh việc các phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan đưa tin hàng nông sản Việt Nam bị nhiễm dioxin, trong đó có nội dung liên quan đến Lâm Đồng.
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là cà phê và chè. Lâm Đồng từ lâu đã chủ động tập trung phát triển 2 loại cây công nghiệp này để tạo thế mạnh kinh tế cho tỉnh nhà, là tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất chè với khoảng 23.500ha và đứng thứ hai (sau Đắk Lắc) về sản xuất cà phê với gần 152.000ha.
Là vùng trọng điểm chè của cả nước; mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của Lâm Đồng đạt 233.000 tấn; chế biến sản lượng chè khô 40.000 tấn và xuất khẩu gần 17.000 tấn/năm. Trong đó, năng lực chế biến chè Oolong của các doanh nghiệp đạt từ 50 - 200 tấn… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc, các nước EU, Nhật Bản, Indonesia, châu Mỹ, Malaysia, Singapore… Sản lượng cà phê hàng năm của tỉnh khoảng 390.000 tấn cà phê nhân, trong đó xuất khẩu hơn 70.000 tấn…
Bên cạnh hai sản phẩm nông sản chủ lực trên, Lâm Đồng còn nổi tiếng về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản khác như: hạt điều (hơn 1.000 tấn/năm) xuất sang các nước: Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Mỹ, Úc…; rau các loại (hơn 13.000 tấn/năm), xuất sang châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia; hoa các loại (220 triệu cành/năm), xuất sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, một số nước EU, Mỹ, Úc…
Các thị trường trên đều nổi tiếng là “thị trường khó tính” trên thế giới về tiêu chuẩn kiểm định và đánh giá khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường nội địa.
Tuy nhiên, trong 30 năm qua, các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản của Lâm Đồng đã thâm nhập và khẳng định chỗ đứng bằng chất lượng, thương hiệu, uy tín trên các thị trường này và đang ngày càng mở rộng ra nhiều thị trường khác trên thế giới.
Hiện có gần 50 doanh nghiệp có chủ đầu tư hoặc thành viên góp vốn người Đài Loan (Trung Quốc) đang đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn Lâm Đồng với tổng vốn đầu tư khoảng 97 triệu USD, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng, chế biến, xuất khẩu rau, hoa, trà, cà phê…
Trong đó có gần 20 doanh nghiệp có chủ đầu tư Đài Loan sản xuất chè Oolong xuất khẩu sang Đài Loan, hàng năm xuất khẩu khoảng 3.000 tấn chè Oolong trực tiếp sang thị trường này.
Trước thông tin chưa khách quan của phương tiện truyền thông Đài Loan, qua kiểm tra và xác minh, UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định tại địa phương chỉ có 2 vùng diện tích rất nhỏ trước đây Mỹ có rải chất độc dioxin. Đó là vùng nằm giáp ranh giữa huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và tỉnh Bình Phước, vùng nằm ở xã Gia Bắc (huyện Di Linh, Lâm Đồng) giáp ranh với tỉnh Bình Thuận.
Diện tích này từ trước đến nay là vùng rừng núi, không sản xuất kinh doanh nông nghiệp và cách xa các vùng nguyên liệu nông nghiệp của tỉnh như trà, cà phê, rau, hoa... hàng trăm km nên không ảnh hưởng đến các vùng nguyên liệu…
Như vậy đủ cơ sở khẳng định rằng: Hàng hóa xuất khẩu của Lâm Đồng, đặc biệt là mặt hàng nông sản không bị nhiễm dư lượng của chất dioxin trong chiến tranh!
Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201412/mat-hang-nong-san-xuat-khau-cua-lam-dong-khong-bi-nhiem-du-luong-dioxin-2380274/
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao