Mía chết khô, lúa non chết cháy, đồng khô trơ trọi vì hạn mặn
Dự báo, tình hình khô hạn, nhiễm mặn sẽ còn kéo dài trong 2 – 3 tháng tới, ảnh hưởng nặng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nông dân.
“Chết đứng” vì thiếu nước
Từ TP.HCM qua phà Cát Lái, về hướng các xã Phú Hữu, Đại Phước, Phước Khánh… (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), những cánh đồng mía bát ngát đang quắt queo vì nắng hạn. Dù đã tới thời điểm thu hoạch, nhưng do nước tại các kênh, rạch khô cạn, ghe thuyền không thể vào chở mía nên việc thu hoạch bị đình trệ.
Ông Trần Văn Hổ (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch), cho biết gia đình ông có hơn 4ha trồng mía và cả ruộng mía đang “chết đứng” vì khô hạn. Ông Hổ lo ngại do thiếu nước, mía khô lá đến tận ngọn, nếu sơ ý rơi một tia lửa nhỏ, cả ruộng mía sẽ chìm trong lửa.
Kiến nghị xây đập trữ nước ngọt
Để hạn chế tình trạng khô hạn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất do biến đổi khí hậu, Sawaco đã kiến nghị UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp này thực hiện nghiên cứu xây dựng hồ trữ nước thô cho nguồn nước sông Sài Gòn. Hồ điều tiết này dự kiến có quy mô khoảng trên 400ha với khả năng chứa trên 20 triệu m3 nước, vị trí xây dựng nằm ở khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn. Ngành thủy lợi và Sawaco kỳ vọng hồ chứa nước có thể được xây dựng trong 5 năm tới.
Sợ mía bị khô hạn lâu sẽ ảnh hưởng tới chữ đường hoặc những rủi ro khác, ông Hổ gọi thương lái tới bán đứng ruộng mía với giá 920.000 đồng/tấn, chưa trừ tạp chất. Nhưng tới nay, thương lái mua mía vẫn chưa thể cho ghe thuyền tới được.
Theo ông Nguyễn Hoàng Lượm – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 2 (xã Phước Khánh, Nhơn Trạch), để đưa được mía từ ruộng ra đường lớn giao cho xe chở về nhà máy, nông dân trong vùng phải dùng ghe, xuồng nhỏ, với trọng tải từ 3 – 5 tấn chạy dọc theo các con kênh, rạch như rạch Ông Mai, rạch Vàm Mương…
Thế nhưng, từ đầu năm nay, do xâm nhập mặn tăng cao nên chính quyền địa phương đã cho đóng cửa dẫn nước của hệ thống đập Ông Kèo, ảnh hưởng tới luồng chảy của các kênh, rạch nhỏ trong vùng.
Không chỉ những ruộng mía ở Đồng Nai, cánh đồng lúa đông xuân ở các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập… (tỉnh Bình Phước) hiện cũng chỉ còn trơ trọi những gốc mạ non đã khô quéo vì nắng hạn.
Ông Nguyễn Minh Nhật (ngụ xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) kể, gia đình xuống giống 5 công lúa đông xuân, nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, tình hình thiếu nước bắt đầu gay gắt, lúa non dần dần chết khô trên đồng. Tiếc của, hồi trước tết ông Nhật đành thả trâu bò xuống gặm đám lúa non trên ruộng.
Oằn mình chống hạn, mặn
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều vùng hạ lưu các sông trong vùng đang ở mức thấp hơn báo động I khoảng 0,05–0,1m, riêng trạm Phú An trên sông Sài Gòn ở mức xấp xỉ báo động III. Tình trạng khô hạn sẽ còn tiếp diễn trong vài tháng tới, mực nước trên các sông, đập đang tụt nhanh, ảnh hưởng tới vùng hạ lưu.
Cụ thể, qua đo đạc, lượng nước tích trữ của hồ Dầu Tiếng trên thượng nguồn sông Sài Gòn hiện khoảng 928 triệu m³, chỉ đạt khoảng 76% trung bình hàng năm và lượng nước tích trữ của hồ Trị An trên sông Đồng Nai hiện cũng chỉ ở mức khoảng 80% so với trung bình hàng năm. Do lượng nước xuống thấp, nhiều ý kiến cho rằng các hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An hiện đã không còn đủ sức để đẩy mặn khiến tình trạng xâm nhập mặn càng tăng cao, lấn sâu vào thượng nguồn sông Sài Gòn.
Còn theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, từ đầu tháng 1.2016, xâm nhập mặn ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai cao hơn nhiều so với năm trước. Cụ thể, tại phà Cát Lái đầu tháng 1.2016, độ mặn đo được gần 5/1.000, đến cuối tháng 1 đã tăng lên gần 6,5/1.000. Tại Rạch Đông, độ mặn đầu tháng 1.2016 chỉ hơn 3/1.000 nhưng đến cuối tháng lên xấp xỉ 6/1.000. Nguy cơ mất trắng đang đe dọa những cây trồng và vật nuôi chỉ có khả năng chịu mặn dưới 4/1.000.
Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP.HCM (Sở NNPTNT TP.HCM) cũng cho biết, độ mặn tại huyện Nhà Bè trong tháng đầu năm đã tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước và tăng 80% so với trung bình nhiều năm gần đây.
Để hạn chế thiệt hại do hạn, mặn, UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn cảnh báo tình trạng xâm nhập mặn vùng hạ du Sài Gòn - Đồng Nai phục vụ sản xuất và sinh hoạt mùa khô 2016. Sở NNPTNT cũng yêu cầu UBND các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ… và các đơn vị có liên quan báo cáo gấp tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình chống hạn hán năm 2015-2016 về Sở, qua đó tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo kịp thời, đảm bảo công tác chống hạn 2016.
Trong khi đó, tại Đồng Nai, hồi đầu mùa khô, chính quyền địa phương đã vận động nông dân thực hiện xuống giống sản xuất và thu hoạch sớm, hạn chế thiệt hại do hạn mặn. Tỉnh này cũng yêu cầu đóng đập Ông Kèo để hạn chế xâm nhập mặn, đồng thời canh mặn từng ngày, nếu thấy độ mặn giảm xuống 4/1.000 thì xả nước vào, phục vụ sản xuất, thu hoạch mía của bà con trong vùng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao