Mô hình kinh tế Mía Ngọt Mà Cay, Đắng

Mía Ngọt Mà Cay, Đắng

Publish date Tuesday. April 1st, 2014

Mía Ngọt Mà Cay, Đắng

Người trồng mía ở ĐBSCL đang lâm vào cảnh khốn khó với những giải pháp cứu cây mía chưa có lời giải.

Đây là năm thứ ba liên tiếp người trồng mía ở ĐBSCL bị thua lỗ. Hiện nay, giá mía 10 chữ đường đang được thu mua tại nhà máy đường Sóc Trăng là 910 đồng/kg và thương lái thu mua tại ruộng chỉ dao động từ 600 - 650 đồng/kg.

Với mức giá này, sau gần 1 năm chăm sóc với năng suất bình quân 110 tấn/ha, người trồng mía sẽ bị lỗ từ 6 - 11 triệu đồng/ha. Mức lỗ còn cao hơn khi năng suất và chữ lượng đường giảm sâu khiến nhiều người chán nản, thu hoạch cả mía non và bán mía theo kiểu tính công hay ha. Thực tế này đã dẫn đến điều đáng buồn: Người nào càng có nhiều đất sản suất lại càng nghèo thêm.

Ông Hồ Văn Sinh, xã An Thanh 1, Cù Lao Dung - người vừa quyết định bán hơn 1 ha mía cho biết, cả vụ mía đầu tư vốn 7,5 triệu đồng/công, thêm công 2,5 triệu đồng, nhưng hiện tại giá mía chỉ được trả 7,5 triệu đồng/công, lỗ đã thấy rõ.

Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, tình hình cây mía cũng không sáng sủa hơn. Mía thu mua tại nhà máy hiện chỉ còn 900 đồng/kg đối với mía 10 chữ đường và nếu giảm 1 chữ đường sẽ bị trừ 70 đồng. Với mức giá này, chỉ có ruộng mía nào đạt năng suất từ 140 tấn/ha trở lên mới có lãi, nhưng trường hợp này rất ít.

Trước thực trạng bị thua lỗ nhiều năm liên tục, nhiều hộ trồng mía đã nghĩ đến việc chuyển sang cây trồng khác. Thế nhưng thực tế để cải tạo đất mía sang cây trồng khác cần rất nhiều vốn, trong khi cây trồng, vật nuôi mới cũng không đảm bảo đầu ra. Do vậy người trồng mía chỉ còn biết trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giảm bớt khó khăn.

Ông Thạch Khôi, ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú - người có gần 20 năm trồng mía cho biết, chưa bao giờ người trồng mía trở nên bế tắc như hiện nay; trồng mía thì bị lỗ, chuyển sang cây khác cũng không xong:

“Trồng mía thu hoạch không có lãi nhưng nếu bỏ cây mía người dân không biết trồng cây gì khác, trở lại làm ruộng cũng không có ăn. Một số hộ đã chuyển sang trồng khoai lang nhưng khi ít còn bán được, nhiều người thấy hiệu quả cùng trồng lại không có ai mua. Một số người đào ao nuôi cá lóc cũng thất bại khiến nông dân đang rất bí”, ông Khôi chia sẻ.

Ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng và huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là vùng trọng điểm mía nguyên liệu ở ĐBSCL. Hai địa phương này hiện có hơn 14.000 ha mía, tuy nhiên những năm gần đây diện tích ngày càng bị thu hẹp dần. Và theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng năm ngoái trên địa bàn có hơn 1.500 ha diện tích mía chuyển sang cây trồng khác.

Ông Phạm Hồng Văn, Phó chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Nếu như giá mía tiếp tục giảm trong tương lai huyện Cù Lao Dung sẽ chỉ ổn định diện tích từ 4.000 – 5.000 ha. Trước thực tế này, các công ty trong và ngoài tỉnh cần có chính sách chia sẻ với những khó khăn của bà con, để tăng được lợi nhuận.

Trong khi đó tại huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh, niên vụ 2014 – 2015, những hộ trồng mía trên địa bàn khi ký hợp đồng cung cấp mía nguyên liệu cho công ty sẽ được hỗ trợ giống mía mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền mặc 12 triệu đồng/ha. Đến kỳ thu hoạch, Công ty sẽ thu hồi lại vốn và cam kết mua hết mía nguyên liệu theo giá thị trường, đảm bảo không thấp hơn giá trong khu vực.

Trong khi UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa quyết định đầu tư xây dựng tuyến đê dài gần 20 km, tổng kinh phí hơn 223 tỷ đồng nhằm bảo vệ vùng mía nguyên liệu của tỉnh. Việc xây dựng tuyến đê bao kiên cố sẽ giúp cho các hộ sản xuất mía được an toàn hơn và giảm được một phần chi phí chăm sóc.

Tuy nhiên, nếu việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm tiếp tục vướng mắc và giá thành sản xuất mía của Trà Vinh nói riêng và ĐBSCL nói chung vẫn cao hơn 30% giá thành của các nước trong khu vực thì không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại và cuối cùng nông dân sẽ tiếp tục gặp khó.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, vấn đề mấu chốt vẫn là giống mía. Trên cùng một diện tích, nếu giống mía của Thái Lan, Lào sẽ cho sản lượng cao hơn, chữ đường trong mía cũng cao hơn giống mía hiện tại. Khi năng suất và chữ đường thấp, mía rất khó cạnh tranh với giá đường với các nước trong khu vực. Đồng thời, nếu không giải quyết được khâu giống mía, địa phương rất khó duy trì được diện tích mía hiện nay.

Từ nhiều năm nay cây mía không giữ được “vị ngọt” với nông dân, thêm vào đó là việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, khiến cây trồng khác lấn dần diện tích mía đường là chuyện tất yếu.

Do đó, để nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía, ổn định diện tích ngoài chính sách hỗ trợ, các cấp, các ngành nên chủ động đề nghị các nhà khoa học sớm nhập cuộc để cải thiện chất lượng cũng như năng suất mía như từng được làm đối với cây lúa trước đây.

Có như vậy mới mong giải bài toán phát triển bền vững cho cây mía và đời sống của người dân trồng mía nói chung.


Giá Củ Mì Giảm Mạnh Giá Củ Mì Giảm Mạnh Nghiên Cứu Quy Trình Sản Xuất Giống Và Nuôi Trồng Một Số Loại Nấm Nghiên Cứu Quy Trình Sản Xuất Giống Và…