Mía số 1 - Dabaco và sự trỗi dậy của giống gà thuần Việt
Mía số 1-Dabaco ra đời như hệ quả tất yếu, bởi sau thập niên bùng nổ về quy mô, sản lượng, các giống gà lai nay bắt đầu bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.
Mía số 1-Dabaco minh chứng, nếu được chọn tạo, cải tiến bài bản, khoa học, kết hợp công nghệ mới, chất lượng, năng suất các giống gà thuần Việt không hề thua kém gà ngoại. Ảnh: NNP.
Gà lai giảm dần sứ mệnh
Không thể phủ nhận vai trò giống gà lai trong lịch sử ngành gia cầm Việt Nam, đặc biệt những đóng góp về tổng đàn, sản lượng, quy mô. Nhưng xã hội luôn vận động và trong lĩnh vực di truyền giống có được sự phát triển vượt bậc về công nghệ trong 5 năm trở lại đây.
Tại Việt Nam, thường có một số tổ hợp, cách thức lai tạo gà lông màu phổ biến. Đầu tiên, lai giữa bố Đông Tảo và mẹ Lương Phượng. Sản phẩm F1 của tổ hợp lai này thường to con, độ đồng đều thấp, khả năng kháng bệnh, thích nghi không cao, lông không ôm gọn, thịt không ngon, thị trường tiêu thụ hẹp, giá bán thấp.
Tổ hợp tiếp theo là bố Mía hoặc bố Chọi lai với mẹ Lương Phượng. F1 của tổ hợp này độ đồng đều thấp, khả năng kháng bệnh, thích nghi không cao, lông không ôm gọn, thịt kém ngon, giá bán thấp.
Tổ hợp lai thứ ba, bố Mía lai mẹ nhập nội. Tổ hợp này ưu điểm độ đồng đều cao, mào cờ, lông ôm, thị trường tiêu thụ rộng, nhưng đang bị cạnh tranh mạnh bởi một số doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn.
Sở dĩ các giống gà lai có sự phát triển bùng nổ bởi suốt thời gian dài các giống gà nội không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người chăn nuôi về năng suất, sản lượng.
Mặc dù các giống gà nội thịt đều ngon, đầu ra tốt, gà thịt giá cao, khả năng kháng bệnh khỏe, nhưng lại có nhược điểm mang tính di truyền về năng suất trong quá khứ tưởng chừng không giải quyết được.
Trong đó, gà Hồ, Đông Tảo, Lạc Thủy, Mía… do thoái hóa nên độ thuần, độ đồng đều thấp, FCR cao, hay mắc bệnh Leucosis (chưa có vacxin và thuốc đặc trị), thời gian nuôi dài. Nguyên nhân do các cơ sở giống chọn lọc không bài bản và lai cận huyết. Bên cạnh đó, gà Mía, gà Lạc Thủy còn nhược điểm không được cân khi xuất bán.
Khởi đầu xu hướng chăn nuôi gà lông màu mới
Với mục tiêu tăng chất lượng thịt, giảm FCR, tăng năng suất, giảm thời gian nuôi, tối ưu hiệu quả cho người chăn nuôi, Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) mất 5 năm nghiên cứu, chọn tạo, nhân thuần và cho ra đời thành công sản phẩm Mía số 1-Dabaco.
Ông Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco cho biết, Mía số 1-Dabaco có ưu điểm 2 tăng, 2 giảm nổi trội mà các giống Mía khác không có được ở thời điểm hiện tại.
Hai tăng ở đây là tăng năng suất và tăng chất lượng thịt. Trong khi các dòng Mía khác năng suất bình quân 1,8 - 1,9kg/con, Mía số 1-Dabaco lên tới 2,3 - 2,45kg/con. Do giữ được nguyên tính trạng của giống nội nên Mía số 1-Dabaco kế thừa chất lượng thịt của gà Mía truyền thống, nhưng nhờ kết hợp thêm công nghệ chọn tạo tiên tiến nên thịt thơm ngon hơn.
Còn 2 giảm với Mía số 1-Dabaco là giảm FCR và thời gian nuôi. Mía số 1-Dabaco FCR đạt 3.15kg/kg tăng trọng, tiệm cận FCR gà lai, trong khi giống Mía khác FCR là 3,75kg. Thời gian nuôi của giống Mía khác lên tới 135 - 145 ngày, Mía số 1-Dabaco rút ngắn chỉ còn 105 - 115 ngày.
Từ những đột phá về năng suất, tăng trưởng đó, Mía số 1-Dabaco đang trở thành giống gà lông màu tối ưu hiệu quả cho người chăn nuôi nước nhà, khởi đầu một xu hướng chăn nuôi gà lông màu mới trên nền tảng của những giống gà bản địa năng suất tốt, chất lượng cao.
Quá trình nuôi Mía số 1-Dabaco cho thấy độ đồng đều rất cao, gà loại, gà vét đàn không đáng kể. Gà không kén thức ăn, chỉ sau 30 ngày tuổi có thể cho ăn cám hàm lượng dinh dưỡng không cao. Do Mía số 1-Dabaco mang gen giống gà nội nên sức sống mãnh liệt, khả năng thích nghi, kháng bệnh vượt trội, giúp giảm lượng kháng sinh trong chăn nuôi. Đặc biệt, Mía số 1-Dabaco đều được xét nghiệm máu để loại bỏ bệnh Leucosis, được tiêm vacxin Marek, viêm khớp MS, hen suyễn MG và cúm gia cầm chủng mới đầy đủ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao