Minh oan cho trái hồng DRan
Tuy nhiên trên thực tế, trái hồng trồng ở vùng này hoàn toàn sạch.
Ruột D’Ran, giấy gói Trung Quốc
Hồng đang vào chính vụ thu hoạch.
Khắp vùng D’Ran tất bật người thu hái, đóng gói trái hồng đặc sản để kịp chuyển đi các nơi tiêu thụ.
Vựa hồng của gia đình ông Bùi Văn Quý nằm gần cuối thị trấn D’Ran.
Bên trong nhiều nhân công tất bật đóng gói, phân loại.
Trong kho chứa, hàng loạt vỏ thùng giấy có chữ Trung Quốc, Đài Loan được chất cao hơn đầu người.
Riêng một nhân công có nhiệm vụ xếp thùng, lót giấy báo bên trong để chuẩn bị cho người khác đóng gói.
“Những thùng giấy này chất lượng rất tốt, vỏ dày và có thể sử dụng hai, ba lần mà không bị hư hỏng và đặc biệt rẻ hơn thùng cùng loại của Việt Nam từ 4 – 5 ngàn đồng nên chúng tôi mua về để đóng hồng rồi chuyển đi các nơi tiêu thụ” – ông Quý giải thích.
Nhân công tại vựa hồng ông Bùi Văn Quý đóng gói trái hồng vào thùng giấy để chuyển đi tiêu thụ
Tại hầu hết các vựa hồng khác, thương lái cũng tận dụng vỏ thùng có chữ Trung Quốc để đóng hồng chuyển đi khắp nơi trong cả nước.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến trái hồng D’Ran bị hiểu lầm là hồng xuất xứ từ Trung Quốc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà vườn.
Tương tự, nhiều tin đồn ác ý cho rằng hồng Trung Quốc mới có trái to, vỏ trơn láng, sáng bóng do được ngâm tẩm nhiều loại hoá chất khác nhau rất độc hại.
Tuy nhiên trên thực tế, các vựa hồng tại D’Ran đều chuẩn bị máy tự chế để làm sạch trái hồng trước khi xuất đi thị trường.
Máy này hoàn toàn tự động, sử dụng lớp vải dày quét qua bề mặt trái hồng nhiều lần giúp vỏ sạch bụi bẩn, bóng láng trông rất đẹp mắt.
Cầm hai trái hồng có kích cỡ khác nhau, ông Bùi Văn Quý phân tích, trái hồng to hơn nắm tay là hồng vuông (hình dạng gần giống trái ớt tây Đà Lạt) còn trái hồng nhỏ hơn là hồng trứng.
“Nhiều người cứ nghĩ hồng Trung Quốc mới có trái to nhưng thực tế không phải, hồng trồng ở D’Ran cũng có rất nhiều trái có kích cỡ lớn nếu trồng trên vùng đất tốt” – ông Quý nói.
Ông Đinh Việt Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran (Đơn Dương) cũng khẳng định: “Những tin đồn như trên hoàn toàn không có cơ sở bởi trái hồng trồng tại D’Ran không hề sử dụng phân hoá học, phun thuốc bảo vệ thực vật hay ngâm hoá chất cho sáng bóng như đồn đoán.
Đây là những thông tin chúng tôi rất muốn phổ biến rộng rãi đến người tiêu dùng”.
Thiệt hại nặng vì tin đồn
Có thể nói D’Ran là vùng đầu tiên tại Lâm Đồng được người Pháp đưa giống cây hồng về trồng.
Từ đây cây hồng bắt đầu được nhân rộng ra nhiều vùng khác nhau như Đà Lạt, Lạc Dương.
Trái hồng tại D’Ran có 5 loại khác nhau gồm hồng trứng láng, hồng trứng lóc, hồng chén, hồng vuông đồng và hồng vuông xả.
Từ lâu, hồng D’Ran đã vươn ra các thị trường trong khắp cả nước từ miền Nam đến miền Bắc.
Chất lượng trái hồng tại vùng này ngon hơn hẳn so với nơi khác nên được thị trường rất ưa chuộng.
Một nhân công chuẩn bị thùng giấy có chữ Trung Quốc trong kho trước khi đưa ra ngoài đóng gói.
Hầu hết các vựa hồng tại D’Ran đều sử dụng loại thùng giấy này do chất lượng thùng rất tốt
Được xem là cây trồng chủ lực, toàn thị trấn D’Ran hiện có hơn 1.000 ha cây hồng trồng xen với những loại cây khác.
Sản lượng bình quân mỗi vụ vào khoảng 5.000 tấn với doanh thu khoảng 40 – 50 tỷ đồng/vụ (tính theo mức giá 10.000 đồng/kg).
Đầu vụ hồng năm nay, giá bán trung bình mỗi kg vào khoảng 12.000 – 14.000 đồng.
Tuy nhiên từ khi xuất hiện các tin đồn thất thiệt, giá hồng loại ngon chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg.
So với cùng thời điểm năm ngoái, mức giá này đã thấp hơn khoảng 50%.
Trái hồng thu hoạch về rất khó bán hoặc bị thương lái ép giá, sức mua cũng giảm chỉ còn 2/3 so với trước đây.
Trước thực trạng trên, một số chủ vựa hồng và nhà vườn bắt đầu liên kết với nhau để xây dựng thương hiệu độc quyền cho trái hồng D’Ran, đồng thời tìm nguồn cung cấp thùng giấy phù hợp để đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ.
Ông Đào Duy Quang (chủ vựa hồng tại thị trấn D’Ran, Đơn Dương) bộc bạch:
“Tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng sẽ bảo hộ pháp lý để cùng xây dựng thương hiệu cho trái hồng D’Ran cũng như hồng Đà Lạt, đồng thời sẽ vận động bà con cùng chung tay xây dựng thương hiệu tập thể cho loại trái cây đặc sản này”.
Trong khi đó, ông Đinh Việt Dũng cho biết, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tìm kinh phí cho bà con sản xuất thùng mới thay thế cho các thùng ngoại như hiện nay.
Đồng thời sẽ liên hệ với cơ quan chuyên môn tiến hành đăng ký nhãn hiệu trái hồng D’Ran với đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng trong cả nước để tránh gây hiểu lầm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao