Mô hình nuôi gà ta hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Mun ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ thành công với nghề nuôi gà ta, 3 năm liền đều đạt lợi nhuận kinh tế cao.
Ông Mun đã đầu tư xây dựng 4 trại gà bằng cây lá, mỗi trại nuôi trên 1.000 con, giống gà ta. Không chỉ tìm tòi trong sách vở mà ông còn đi đó đi đây, tham quan nhiều mô hình khác nhau, từ gà nuôi thả lan đến gà nuôi nhốt chuồng, từ gà công nghiệp nuôi lấy trứng đến gà ta nuôi lấy thịt. Ngoài ra, ông còn tham dự nhiều lớp tập huấn về nuôi gà nhốt chuồng do ngành chăn nuôi tổ chức nên ông đã quyết định chọn con gà ta vì theo ông, gà ta lai nòi là giống gà khỏe mạnh, thịt ngon, dễ tiêu thụ.
Sau khi nắm vững kỹ thuật, đặc biệt là tìm được nguồn con giống, ông bắt đầu thả nuôi vài trăm con, sau lên vài ngàn con, hiện trong trại thường xuyên có từ 4.000 - 6.000 con đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, chưa kể gà mới thả. Sau hơn 3 năm phát triển, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi cũng được nâng cao nên ông đã mở rộng diện tích chuồng trại, mỗi tháng xuất chuồng một lứa gà thịt, mỗi lứa vài trăm con, bình quân mỗi con nặng 2,2 kg, bán với giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg (thời gian nuôi từ 3,5 - 4 tháng). Sau mỗi lần xuất chuồng, ông lại thả thêm lứa mới, nhờ vậy mà trại gà lúc nào cũng đủ gà thương phẩm để cung cấp cho bạn hàng.
Ông Mun chia sẻ: “Gà ta, đặc biệt là gà nòi lai dễ nuôi, ít bệnh, thịt ngon, nhưng người nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, trong đó vệ sinh phòng dịch là yếu tố quyết định đối với việc thành bại, ngay cả việc tiêm phòng dịch cúm H5N1 cũng được đặc biệt chú ý. Kế đến là thức ăn phải đảm bảo chất lượng, nước uống cũng phải sạch”.
Để có được những đàn gà khỏe mạnh, mau lớn, đầu tiên ông đã nghĩ đến việc thiết kế chuồng trại sao cho đúng quy cách. Theo ông, chuồng trại phải chọn nơi cao ráo, đủ ánh sáng, thoáng khí, tránh xa những nơi ao tù nước đọng, rác rến làm ảnh hưởng đến môi trường sống của gà. Để cho đàn gà phát triển mạnh, giảm thiểu dịch bệnh, bên cạnh mỗi chuồng ông đều thiết kế thêm một sân rộng ngoài trời cho gà tắm nắng và tự do ra vào vận động giúp thịt săn chắc. Ngoài ra, ông còn bố trí trại gà cách xa nhà dân để không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Điều quan trọng hơn nữa là chuồng trại luôn đảm bảo nhiệt độ và đủ ánh sáng. Chính ánh sáng ban mai có khả năng hạn chế các mầm móng bệnh tật và tăng sức đề kháng cho gà. Ông rất quan tâm đến con giống, con giống phải tốt, sạch bệnh, chuồng trại thường xuyên được khử trùng.
Theo ông Mun, người nuôi gà phải chú ý đến thời tiết, do đó chuồng phải có màn che phủ, nhất là ban đêm hoặc vào những ngày mưa gió, đảm bảo ấm áp vì nơi ẩm thấp, gió lạnh, gà sẽ dễ bị cảm lạnh và lây nhiễm, nhất là bệnh hô hấp và tiêu chảy.
Về giống gà, ông đã chọn giống gà ta (Bến Tre) nhốt chung trống với mái, bình quân 5 con/m2 gà thịt, đủ chỗ cho gà vận động. Đối với gà con mới thả, ông cho vào chuồng úm, giữ nhiệt độ thích nghi trong suốt 3 tuần trước khi sang chuồng. Ngoài ra, đối với gà giò, ông còn thường xuyên cắt mỏ để gà không mổ lông lẫn nhau. Ông cho biết, gà ta khi trưởng thành chúng hay mổ lông con khác nên cần phải cắt mỏ để hạn chế việc cắn mổ gây thiệt hại cho đàn gà.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao