Tin thủy sản Mô hình nuôi tôm hiện đại ở Bà Rịa Vũng Tàu

Mô hình nuôi tôm hiện đại ở Bà Rịa Vũng Tàu

Author Xoan Anh, publish date Friday. January 11th, 2019

Mô hình nuôi tôm hiện đại ở Bà Rịa Vũng Tàu

Anh Phạm Thế Vịnh ở Ấp Bà Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là người đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng các thiết bị hiện đại vào mô hình nuôi tôm nhằm nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi.

Anh Phạm Thế Vịnh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí để thiết kế và xây dựng 2000 m2 diện tích mặt nước ao cũ thành các ao nuôi tôm thẻ theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài 2 ao sẵn sàng (nuôi tôm giai đoạn 2) được xây dựng thiết kế lót vải bạt xung quanh bờ và đáy ao, làm hố xi-phông đáy, sử dụng lưới lan để che, hệ thống cung cấp ô-xy được thiết kế bằng các giàn quạt nước và máy nén khí truyền qua hệ thống ống nhựa được lắp sẵn ở đáy ao, anh cải tạo và sửa chữa lại các ao xử lý, ao lắng để cấp và thay nước hàng ngày; một ao ương (nuôi tôm giai đoạn một) để nuôi tôm trong giai đoạn từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 30.

Theo anh Vịnh, nuôi tôm thẻ theo mô hình ứng dụng công nghệ cao mật độ nuôi có thể đạt từ 250 - 300 con/m2, năng suất lên đến 40 tấn/ha, một năm thả nuôi 3 - 4 vụ. Tuy nhiên việc đầu tư cho quy trình đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Nước trước khi đưa vào nuôi tôm được bơm vào các ao xử lý diệt khuẩn bằng các hóa chất nằm trong danh mục được Bộ Nông nghiệp cho phép, sau đó nước được bơm qua ao chứa và để lắng hoàn toàn các chất huyền phù kết tủa. Sau 7 - 10 ngày nước được chuyển qua ao ương. Tại ao ương nước được gây màu tảo bằng các chế phẩm sinh học. Khi nước có màu xanh của tảo lục, kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, NH3, H2S đạt tiêu chuẩn thì tiến hành thả tôm giống. Con giống cũng được tuyển chọn rất kỹ bằng phương pháp Test PCR để hạn chế bệnh lây nhiễm, nhất là hội chứng bệnh Taura và chết sớm. Sau thời gian 30 ngày, toàn bộ tôm nuôi tại ao ương được chuyển qua ao sẵn sàng (nuôi giai đoạn 2) bằng hệ thống ống dẫn tự chảy.

Do ao nuôi tôm giai đoạn một thiết kế với diện tích nhỏ bằng 1/4 ao sẵn sàng, thời gian nuôi ngắn nên dễ kiểm soát dịch bệnh, có thể nuôi với mật độ cao lên đến 1.000 con/m2, giảm rủi ro cao nếu có hiện tượng dịch bệnh chết sớm xảy ra. Cũng như việc chuyển tôm sang ao sẵn sàng thực hiện bằng đường ống dẫn tự chảy an toàn hơn nhiều so với việc sử dụng lưới vợt, hạn chế tối đa cá thể tôm bị xây xát.

Nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao việc quản lý môi trường ao nuôi hoàn toàn không dùng thuốc kháng sinh, chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học, theo dõi, điều chỉnh thức ăn qua nhá (sàng) bằng máy cho ăn tự động. Hiện cơ sở nuôi của anh việc quản lý môi trường và cho ăn đều thực hiện bằng quy trình bán tự động. “Trong tương lai chúng tôi sẽ đầu tư các thiết bị kiểm soát môi trường bằng hệ thống tự động, dữ liệu môi trường được tích hợp vào phần mềm máy tính, khi có hiện tượng biến động, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo kịp thời hoặc xử lý tự động khi các chỉ tiêu ô-xy hoặc pH biến động thất thường. Ngoài ra máy cho ăn tự động cũng được thiết kế tự động dựa theo tần số sinh học của tôm. Khi tôm đói chúng phát ra âm thanh máy cho ăn tự động có gắn đầu dò cảm biến thu thập tín hiệu báo về hệ thống và tự động cho ăn theo nhu cầu của tôm” - Anh Vịnh chia sẻ thêm.


Tín hiệu tích cực từ nuôi tôm hai giai đoạn Tín hiệu tích cực từ nuôi tôm hai… Mô hình nuôi sinh khối ấu trùng ruồi lính đen bằng bã dầu cọ Mô hình nuôi sinh khối ấu trùng ruồi…