Mô Hình Thâm Canh Sắn Bền Vững Mũi Tên Trúng Hai Đích
Hiện nay, diện tích cây sắn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt trên 9.000 ha, năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha. Sắn đang là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân vùng cao, vùng nông thôn. Vì vậy, việc canh tác sắn theo phương thức bền vững, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên đang trở thành vấn đề đáng quan tâm.
Yêu cầu lớn nhất hiện nay là cần phổ biến các giống sắn mới, năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh như: Bón phân hữu cơ, trồng xen canh cây họ đậu (có các nốt sùi ở rễ, tác dụng cải tạo đất), trồng bổ sung các hàng cây xanh tạo thành vành đai theo bình độ để chống xói mòn đất.
Dự án phát triển sắn bền vững của ngành nông nghiệp triển khai là bước đi cụ thể hóa chủ trương này, với việc xây dựng các mô hình thâm canh sắn cho năng suất cao tại xã Sơn Hải, Phong Niên (Bảo Thắng), xã Tả Phời (thành phố Lào Cai).
Hiệu quả đã có trong vụ sản xuất sắn năm 2013, với năng suất củ sắn tươi tại mô hình đạt bình quân 33,8 tấn/ha, tăng hơn giống sắn trồng đại trà gần 40%. Bên cạnh đó, cây đậu tương, đậu xanh, đậu đen trồng xen canh với sắn cũng cho năng suất 5 - 7 tạ/ha.
Về lý thuyết, giống sắn mới KM 94 cho năng suất cao khi trồng xen với cây họ đậu còn giữ độ ẩm cho đất sản xuất và hạn chế cỏ dại phát triển. Thân, rễ và lá cây họ đậu sau thu hoạch sẽ tự phân hủy và tăng cường chất mùn hữu cơ, tăng độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ nguồn nước ngầm.
Gia đình ông Bàn Văn Anh, thôn Làng Trưng, xã Sơn Hải (Bảo Thắng) là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình thâm canh sắn bền vững trong năm 2013. Ông Văn Anh cho biết: Chúng tôi đã nắm bắt được phương thức canh tác tốt hơn để cây sắn cho năng suất cao.
Nhờ mô hình mà vụ sắn năm 2013 đã cho gia đình ông Văn Anh thu nhập gần 40 triệu đồng. Theo ông Văn Anh, củ sắn giống mới dài hơn giống truyền thống khoảng 2 lần và đây cũng là lý do để năm 2014 gia đình tiếp tục trồng lại giống này.
Sắn là cây nông nghiệp dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nhưng lâu dài cây sắn khiến đất bạc màu nhanh, năng suất cây trồng cũng giảm đi trong các vụ sau. Những năm trước đây, người dân Làng Trưng vẫn trồng sắn theo thói quen cũ, nay tham gia Dự án phát triển sắn bền vững của Trung tâm Khuyến nông là cơ hội để người dân thiết lập phương pháp thâm canh hiệu quả hơn nhiều. Cũng giống như ông Văn Anh, hộ ông Lý Văn Phong, Ly Văn Lực, Trần Văn Hùng… tại thôn Làng Trưng khi tham gia Dự án đã có những kết quả tốt hơn.
Anh Nguyễn Văn Duy, cán bộ khuyến nông xã Sơn Hải cho biết, toàn xã có trên 30 ha cây sắn, 45 hộ dân thôn Làng Trưng và thôn Cánh Địa đã được tiếp xúc với mô hình trồng sắn bền vững.
Đánh giá mô hình, bà Nguyễn Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Canh tác sắn bền vững tại các mô hình trình diễn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây sắn truyền thống khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha. Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông sẽ mở rộng Dự án tới huyện Bảo Yên và Bát Xát.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao