Mô Hình Trồng Bồn Bồn
Người Cà Mau và các tỉnh ở miền Tây không xa lạ gì với cây bồn bồn, một loài thực vật giống như cỏ mọc trên các đồng ruộng vào mùa mưa. Trước đây, bồn bồn không cần phải trồng mà chúng tự mọc và người dân chỉ cần ra ruộng nhổ vào rồi tùy sở thích mà có thể chế biến thành các món: dưa chua, lẩu, xào hay nấu canh… Và với những người con Cà Mau xa quê, vị chua của dưa bồn bồn chấm với cá rô kho luôn làm nỗi nhớ quê thêm da diết.
Trước đây, khi làm ruộng người nông dân rất sợ bồn bồn, bởi đây là loài sinh sôi rất nhanh và khó diệt, tuy nhiên, có một nghịch lý thú vị là giờ nhiều nơi đã trồng bồn bồn để làm kinh tế. Sáng sớm, mặt trời mới qua khỏi ngọn cây, cùng hai người con đã tranh thủ có mặt trên cánh đồng sau nhà nhổ bồn bồn, chị Nguyễn Thị Lài phấn khởi kể: “Đặc điểm của khu vực khoảng trên 30 hộ của ấp Đông Hưng là trồng lúa hay nuôi tôm đều không hiệu quả, bởi không có đường tháo nước.
Bồn bồn đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước.Một thời gian dài mọi người gặp rất nhiều khó khăn, không thể tìm ra mô hình kinh tế nào hiệu quả. Thời may, có người xin giống bồn bồn nơi khác về trồng thử. Ban đầu là để ăn, không ngờ do điều kiện thích hợp cây bồn bồn phát triển rất tốt, dùng không hết nên đem bán và có thêm thu nhập. Thấy vậy, nhiều người làm theo, từ từ hình thành cả một khu vực người dân chỉ chuyên trồng bồn bồn nổi tiếng mấy năm nay ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước.
Bồn bồn trồng rất đơn giản, không cần phải tốn công chăm sóc, chỉ khi qua nhiều đợt khai thác thì bón kèm một ít phân, cho nên chi phí đầu tư gần như không đáng kể. Anh Lê Hiền Đệ cho biết: "Bồn bồn mỗi năm thu hoạch 7-8 lần, cách 1 tháng là có thể thu hoạch 1 lần. Nhà tôi có 3 công đất trồng bồn bồn, mỗi tháng thu nhập từ 2-3 triệu đồng".
Sản phẩm làm ra từ bồn bồn rất đa dạng, sau khi nhổ bồn bồn ở ruộng về thì lột lấy ngó bán tươi hoặc làm dưa để bán. Chị Nguyễn Thị Lài cho biết: Mỗi ký bồn bồn tươi có thể bán được từ 17.000-25.000 đồng, tùy thời điểm, bồn bồn sau khi làm dưa thì bán được 30.000 đồng/kg. Mỗi ngày chị Lài có thể bán trung bình trên 10 kg dưa bồn bồn. Khách hàng của chị gồm nhiều thành phần: người trong tỉnh, khách du lịch, người mua làm quà tặng… Hầu hết các quán ăn, nhà hàng trong tỉnh đều đặt hàng nguồn bồn bồn từ ấp Đông Hưng nên theo chị đầu ra sản phẩm này rất ổn định.
Hơn nữa, chất lượng sản phẩm dưa bồn bồn của ấp Đông Hưng rất ngon và bảo đảm an toàn do đều làm bằng phương pháp truyền thống, không sử dụng hóa chất tạo mùi hoặc chất tẩy trắng. Chị Trần Phương Anh, phường 5, TP Cà Mau, cho biết: "Tôi làm việc tại huyện Cái Nước nên thỉnh thoảng khi về nhà vẫn mua bồn bồn ở đây về ăn và biếu bà con. Dưa bồn bồn mua tại đây rất ngon, hơn nữa, không sợ bị pha hóa chất tẩy trắng như bồn bồn mua ở chợ".
Để phát triển mô hình trồng bồn bồn cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ dân đã bắt đầu kết hợp trồng bồn bồn với nuôi cá đồng, đồng thời thành lập tổ hợp tác giúp nhau phát triển.
Ông Trần Hoàng Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, cho biết: "Khu vực trồng bồn bồn của ấp Đông Hưng là vùng ngọt hóa, rất thích hợp với việc nuôi cá đồng, do đó xã đã có hướng kết hợp cho bà con vừa trồng bồn bồn vừa nuôi cá đồng. Hiện xã đã đề nghị với UBND huyện và được hứa là sẽ hỗ trợ nguồn con giống cho bà con, chủ yếu là cá thác lác cườm, cá rô… nếu được triển khai sẽ tăng cao thu nhập cho bà con".
Hiện vùng quy hoạch trồng bồn bồn và nuôi cá nước ngọt của ấp Đông Hưng có 32 hộ với tổng diện tích 177 ha.
Tâm huyết các thành viên trong tổ hợp tác là sau khi thành lập được hợp tác xã thì có thể tiến hành xây dựng thương hiệu sản phẩm bồn bồn Đông Hưng. Biết đâu trong tương lai, người dân Cà Mau sẽ có thêm một đặc sản mới để giới thiệu với bạn bè gần xa, thương hiệu bồn bồn Đông Hưng./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao