Tin nông nghiệp Mô hình trồng củ đậu tại Tiền Hải – Thái Bình

Mô hình trồng củ đậu tại Tiền Hải – Thái Bình

Author KS. Phạm Thị Hiên, publish date Wednesday. June 5th, 2019

Mô hình trồng củ đậu tại Tiền Hải – Thái Bình

Với trên 160.000 ha lúa/năm, sản lượng đạt gần 1 triệu tấn, sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Thái bình đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định an ninh lương thực tại chỗ cũng như của Quốc gia. Tiềm năng, lợi thế sản xuất trồng trọt của tỉnh là rất lớn, trong khi hình thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa, chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp.

Chính vì vậy, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã đưa ra rất nhiều cơ chế hỗ trợ cho việc sản xuất nông nghiệp như: Tích tụ ruộng đất, hỗ trợ máy móc nông nghiệp, quy vùng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, … Từ mô hình trồng lúa chuyển sang trồng các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi thủy sản kết hợp với nuôi thả thủy cầm và trồng cây ăn quả, cây rau màu trên bờ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trở về vùng trồng củ đậu ở Xã An Ninh – Huyện Tiền Hải là mô hình điển hình cho việc tự sản xuất tự tiêu thụ. Bất kỳ ai khi đã đi trên Quốc lộ 39B đường Thái Bình đi Tiền Hải, chỉ cần nhắc đến vùng trồng củ đậu hay dưa hấu, dưa lê đều có thể biết đoạn đường này. 

Theo ông Bùi Xuân Bài P hó Giám đốc HTXSXKDDVNN xã An Ninh: “Với 60 ha vùng màu  của xã tập trung tại các thôn: Trung Tây, Trung Đông, Trình Nhì,… bà con làm 3-4 vụ một năm, sản phẩm chủ yếu là dưa hấu, dưa lê, củ đậu. Bà con tự sản xuất và tiêu thụ. Với củ đậu chỉ mất công bấm ngọn, bấm hoa, còn thuốc bảo vệ thực vật gần như không phải sử dụng, cây rất ít bị sâu bệnh gây hại. Vì vậy khi sử dụng củ đậu, người ăn không chỉ cảm nhận được tính mát của sản phẩm mà còn yên tâm về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Với năng suất đạt khoảng 1.500 kg/sào, giá đại trà trung bình cân tại ruộng 4.500 đồng/kg, trừ mọi chi phí bà con cũng thu được trên 5 triệu đồng/sào”. Cùng với gieo hạt củ đậu, bà con còn trồng xen rau củ cải hoặc cải ngồng, sau hơn một tháng, sẽ thu được lứa rau cải bán trước.

Như vậy, riêng vụ củ đậu trồng trong 4-5 tháng (từ cuối tháng 7 dương lịch, thu hoạch tháng 11 đến tháng 12) đã cho hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần vụ trồng lúa.

Bà Trần Thị Nhuần, thôn Trung Tây cho biết: “Nhà tôi có 01 mẫu ruộng (3600 m2), nhưng 1 năm có 3 vụ quay vòng Dưa hấu, dưa lê hè - Củ đậu - Khoai tây đông xuân, mùa nào thức nấy chúng tôi tự trồng và tự tiêu thụ. Chúng tôi bán ngay trên ruộng, có khi thương lái ở các nơi biết đến sản phẩm của vùng và đánh xe ô tô đến tận đây để mua. Cũng vất vả nhưng cũng thấy vui vì thu nhập từ vùng màu cao hơn hẳn so với trồng lúa”.

Còn nhà anh Bùi Văn Chung, thôn Trung Tây lại xác định theo cách riêng của nhà mình, anh chia sẻ: “Nhà không có nhân lực nên chỉ trồng diện tích ít (3,5 sào) như vậy mình có điều kiện chăm sóc một cách tỉ mỉ, khoa học và tranh thủ trồng vụ sớm để được giá, dễ bán. Tôi thường trồng dưa hấu, dưa lê vụ hè, tôi mua cả xe tải phân hữu cơ và tận dụng cả phân bò hoai mục để trồng. Dưa nhà tôi rất bền dây, vậy nên ngoài vụ thu quả chính, tôi còn chăm sóc để tận thu quả lần 2, như vậy vừa giảm chi phí, vừa tận dụng quay vòng quỹ đất. Có vụ dưa thắng lợi, tôi bán được trên 15 triệu đồng/sào. Đất luôn được cải tạo bằng phân hữu cơ nên đến vụ trồng củ đậu cũng đỡ tốn phân hóa học, tôi chỉ bổ sung khoảng 10 kg đạm, 10 kg kali mà năng suất đạt 2.500 kg/sào. Anh nói, mình trồng sớm, bán đầu vụ, bán đổ với giá 4.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí tôi vẫn thu được khoảng 8 triệu đồng/sào”. Còn vụ khoai tây cũng vậy, dễ trồng, dễ bán, tốn ít công, cho năng suất cao. Tuy nhiên, có những vụ thuận lợi nông dân mình lấy công làm lãi thì thu nhập cũng ổn, có ít tiền lo cho các cháu ăn học. Nhưng những vụ mưa gió bất thường thì cũng khó nói trước thậm chí còn bị mất trắng và phải trồng lại”.

Như vậy, mặc dù chưa phải sản xuất lớn và bà con còn tự tiêu thụ nhưng khi cơ chế tích tụ, liên kết sản xuất chuỗi,… còn chưa được nhân rộng thì ở những vùng nông thôn như thế này, mô hình tự tiêu thụ và tạo thương hiệu cho vùng là điều không phải dễ. Và khi quá trình sản xuất này có sự chung tay của Nhà Quản lý – Nhà Khoa học – Doanh nghiệp nữa thì chắc chắn mô hình sẽ đạt hiệu quả cao hơn.


Kỹ thuật trồng củ đậu bằng chậu tại nhà đơn giản, ăn giải nhiệt và bổ dưỡng Kỹ thuật trồng củ đậu bằng chậu tại… Sắp nở rộ ứng dụng robot trong nông nghiệp Sắp nở rộ ứng dụng robot trong nông…