Mô hình kinh tế Mở hướng sản xuất cho nông dân

Mở hướng sản xuất cho nông dân

Publish date Saturday. September 19th, 2015

Mở hướng sản xuất cho nông dân

Trong đó có sự liên kết giữa 4 nhà, đã mở ra nhiều hướng sản xuất nông nghiệp mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Liên kết sản xuất nông nghiệp

Một trong những khó khăn hiện nay trong sản xuất nông nghiệp chính là chưa có sự liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Do đó, để sản xuất phát triển bền vững, thời gian qua, HTX Tịnh Trà đã đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng thời HTX không ngừng tìm kiếm, liên kết với nhiều doanh nghiệp, đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, mô hình hỗ trợ xã viên sản xuất lúa giống đã trở thành chuỗi giá trị sản xuất lúa giống hoàn chỉnh, thông qua sự liên kết giữa "4 nhà". Theo đó, năng suất lúa cũng như giá cả luôn được HTX bình ổn và có giá thu mua cao hơn 300 đồng/kg so với thị trường, đã đem lại lợi nhuận cho người nông dân.

Bên cạnh đó, việc HTX Tịnh Trà bán lúa giống đúng giá khiến cho nhiều doanh nghiệp phải hạ giá lúa giống từ 15 – 17 nghìn đồng/kg (2013) xuống còn 13 – 14 nghìn đồng/kg như hiện nay. Như vậy, HTX Tịnh Trà đã tham gia bình ổn giá trên địa bàn và làm lợi hàng tỷ đồng/vụ cho bà con nông dân khi mua giống cấp xác nhận.

Chính nhờ uy tín và chất lượng của lúa giống Tịnh Trà mà đã có 10 công ty đến liên kết với HTX trong việc sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ, cây cà gai leo, bắp lấy thân.

Nông dân tham quan mô hình lúa hữu cơ của HTX Tịnh Trà.

Bên cạnh đó, thông qua các mô hình dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp như:

Tổ dịch vụ làm đất và cấy lúa, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, chế biến hạt giống của HTX... đã góp phần giảm chi phí đầu tư cho nông dân và nâng cao giá trị sản phẩm.

Mặt khác, đội máy gặt của HTX không chỉ hoạt động trong huyện, trong tỉnh mà còn hoạt động ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Bắc Ninh… đã giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con xã viên.

Thạc sĩ Phan Văn Hiếu – Chủ nhiệm dự án HTX dịch vụ nông nghiệp nông thôn Tịnh Trà cho biết: “Việc hợp nhất 4 HTX thôn thành HTX Tịnh Trà đến nay đã thành công. Qua đó có thể khẳng định rằng, HTX Tịnh Trà là một trong hai mô hình thành công của tỉnh trong 3 năm qua.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, HTX đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng với sự tâm huyết của các thành viên trong HTX và sự hỗ trợ của Sở KH&CN, của dự án và chính quyền địa phương, HTX Tịnh Trà đã trở thành HTX kiểu mẫu hoạt động theo Luật HTX năm 2012”.

Còn ông Phan Duy Khánh – Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Trà khẳng định: “Nếu không có HTX Tịnh Trà thì xã Tịnh Trà sẽ không được lọt vào danh sách 4 xã được huyện Sơn Tịnh chọn làm xã điểm trong xây dựng nông thôn mới. Và nếu không có HTX Tịnh Trà, thì xã Tịnh Trà khó mà đạt tiêu chí nông thôn mới”.

Hướng đến sản phẩm mới, an toàn

Trước áp lực về ô nhiễm môi trường, sản phẩm tồn dư quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học… thì mục tiêu hướng đến sản phẩm sạch, an toàn cho cả môi trường, người nông dân và cả người tiêu dùng là đều cần thiết.

Và cũng chính từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ của HTX Tịnh Trà mà trong vụ đông xuân tới, Công ty TNHH Nông sản hữu cơ Quế Lâm đã có hướng tiếp tục triển khai một số mô hình tương tự ở các địa phương trong tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Công ty TNHH Nông sản hữu cơ Quế Lâm cho biết: “Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTX Tịnh Trà đã thành công. Vì vậy trong thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ ký hợp đồng duy trì và mở rộng dần từ 5 – 15ha trên địa bàn Quảng Ngãi”.

Mục tiêu của mô hình trồng lúa hữu cơ không phải là năng suất mà là đem đến một sản phẩm sạch, an toàn, đồng thời gia tăng lợi nhuận trên đồng ruộng cho người nông dân. Vì thế, sản phẩm lúa hữu cơ được Công ty Quế Lâm thu mua cao hơn các loại lúa khác, với giá 7.300 – 7.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, để đánh giá được sản phẩm lúa hữu cơ có thật sự sạch hay không thì các nhà doanh nghiệp thường kết hợp trồng lúa và nuôi cá rô đồng. “Nếu như cá sống và phát triển thì chứng tỏ ruộng đó sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học”, ông Nguyễn Thành Trung khẳng định.

Không chỉ liên kết trong sản xuất lúa giống và lúa hữu cơ, HTX Tịnh Trà còn liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất nhiều mô hình nông nghiệp mới đem lại hiệu quả cao. Trong đó có mô hình trồng cây cà gai leo với diện tích 11ha được HTX ký kết với Công ty TNHH Tuệ Linh thực hiện trong 10 năm cũng đã được triển khai. Mô hình này đã giải quyết cho 15 lao động thường xuyên tại địa phương với mức lương từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Hùng Cường – Phó Chủ nhiệm HTX Tịnh Trà cho biết: “Hiện tại HTX đã trồng được hơn 1ha cây cà gai leo và đến cuối năm sẽ trồng khoảng 10ha. Mặt khác trong hợp đồng đã ký 10 năm với Công ty TNHH Tuệ Linh thì HTX sẽ linh động trồng thêm nhiều loại cây dược liệu khác.

Đây là hướng đi mới trong liên kết và trong sản xuất nông nghiệp của HTX và nông dân Tịnh Trà, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương”.


Chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, mở rộng đối tượng, tăng mức vay Chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn,… Chạy đua thu hoạch mì tránh ngập úng Chạy đua thu hoạch mì tránh ngập úng