Một Số Bệnh Hại Cây Khoai Tây Vụ Xuân
Bệnh héo xanh vi khuẩn:
Bệnh héo xanh hay còn gọi là héo rũ do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây nên. Đây là bệnh nguy hiểm và phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, trong đó có nước ta. Bệnh làm cây chết đột ngột và thối củ, lây lan nhanh, thường làm giảm năng suất rất nhiều, thậm chí mất trắng.
Bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh và lây lan nhanh trong điều kiện trời nắng nóng có mưa nhiều, đất ẩm ướt, mật độ trồng quá dày. Qua thực tế sản xuất ở nước ta cho thấy những vùng đất thấp có độ cao dưới 600m so với mực nước biển dễ xuất hiện bệnh héo xanh trong khi ở những vùng đất cao trên 1.500m thường ít xuất hiện.
Triệu chứng bệnh: Cây đang xanh bình thường thì thấy lá và thân héo rũ đột ngột. Khi bị nặng gốc cây thối nhũn. Cắt ngang thân hoặc ngang củ thấy có mủ trắng chảy ra vàng đục như sữa đó chính là dịch vi khuẩn. Bệnh lây lan rất nhanh qua nguồn nước. Bệnh có thể lây từ củ giống, đất trồng đã mang mầm bệnh từ vụ trước, từ nguồn nước mang nguồn bệnh từ các ruộng bị bệnh khác sang, từ nguồn phân chuồng tươi...
Bệnh khảm lá do virus: Tuy ít nghiêm trọng hơn bệnh xoăn lùn như bệnh khảm lá do virus gây nên trên khoai tây lại rất phổ biến ở nước ta. Triệu chứng điển hình của bệnh là: Trên phiến lá có những vết đốm màu vàng nhạt xen với các đốm màu xanh của lá tạo thành những vết khảm lốm đốm. Lá hơi biến dạng, nhỏ lại, mép hơi cong, mặt lá gồ ghề. Nếu bị nặng cây kém phát triển, hạn chế việc hình thành củ và làm giảm năng suất từ 10-15%.
Bệnh xoăn lùn do virus: Đây là một trong những bệnh hại nghiêm trọng nhất trên cây khoai tây. Virus được lây truyền từ cây bệnh sang cây khoẻ, từ cây này sang cây khác thông qua các con côn trùng chích hút như bọ phấn, rệp...Cây đã bị bệnh xoăn lùn thì tất cả các củ đều bị nhiễm bệnh và mang mầm bệnh nếu đem trồng cây sẽ bị bệnh và sẽ tiếp tục lây nhiễm sang các cây khác làm giảm năng suất tới 50%. Triệu chứng của bệnh xoăn lùn rất đặc trưng: Lá bị xoăn tít lại, cây còi cọc, lùn xuống. Cây bị nhẹ thì lá nhăn lại, phiến lá gồ ghề, không phẳng, màu lá có vết xanh đậm nhạt xen nhau không bình thường; củ nhỏ và ít củ.
Bệnh lở cổ rễ: Bệnh lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani gây nên. Tuy không xảy ra thành dịch nhưng tỷ lệ cây chết trong thời kỳ mới mọc hoặc cây còn nhỏ rất cao. Triệu chứng: Nấm phát triển và phá hại ở gốc cây, làm chết mầm khoai đang mọc, làm chết rễ và vỏ ở phần cổ rễ tiếp giáp với mặt đất. Cây bị thối gốc héo và chết. Nấm bám vào củ tạo thành những vết màu nâu. Bệnh thường phát sinh và gây hại trên những vùng đất thấp, đất ẩm ướt, đặc biệt trên những ruộng đã từng trồng đậu đỗ, ngô trước đó dễ bị lây nhiễm nấm của bệnh lở cổ rễ từ các cây này sang hoặc trên các ruộng đã từng trồng lúa mà bị bệnh khô vằn...
Cách phòng trừ:
- Với các bệnh do virus gây nên như xoăn lùn, bệnh khảm và héo xanh do vi khuẩn hiện chưa có loại thuốc hoá học nào khả dĩ có thể phòng trị được một cách hữu hiệu, do đó các biện pháp phòng bệnh là tốt nhất: Sử dụng các củ giống sạch bệnh để trồng, không sử dụng các củ giống từ các ruộng trước đó đã bị các bệnh nói trên để làm giống cho vụ sau. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phun thuốc diệt trừ các loại côn trùng chích hút như bọ cánh tơ, bọ phấn, rệp muội v.v... bằng các loại thuốc trừ sâu để tránh lây lan.
Khi phát hiện các triệu chứng bệnh trên đồng ruộng cần tập trung nhổ bỏ cây, nhặt sạch củ đem ra khỏi ruộng tiêu huỷ để tránh lây lan. Luân canh khoai tây với cây lúa nước nhằm hạn chế nguồn bệnh lưu lại trong đất. Khi làm đất phải dọn sạch rơm, rạ những ruộng vụ trước đã trồng lúa mà bị bệnh khô vằn; thân, lá các cây đậu, đỗ, ngô bị bệnh lở cổ rễ từ vụ trước vì đây là nguồn nấm gây nên bệnh lở cổ rễ trên khoai tây. Khi trồng không nên lấp đất quá dày, cây mọc chậm và yếu sẽ dễ bị bệnh lở cổ rễ.
Không trồng lại khoai tây ở những ruộng mà vụ trước đã trồng khoai tây, cà chua, thuốc lá, bầu bí mà bị các bệnh nói trên. Tuyệt đối không được sử dụng phân chuồng tươi để bón, tưới cho khoai tây. Đảm bảo độ ẩm đồng ruộng thích hợp, khi mưa to cần tháo kiệt nước không để ruộng khoai bị ngập úng.
- Đối với bệnh lở cổ rễ có thể sử dụng các loại thuốc trừ nấm như Copper B, Dithane M45, Benlat C50 WP, Anvil 5 SC, Rovral 50 WP, Appencarb Super 50 SL... để phun phòng với nồng độ 0,2 - 0,5% ngay sau khi cây mọc mầm và trong giai đoạn cây còn nhỏ.
Ngoài ra , cũng có thể sử dụng chế phẩm TRICHODERMA của Viện BVTV (là một chế phẩm sinh học có chứa nấm Trichoderma trừ được các loại nấm đất Rhizoctonia, Sclerotium, Fusarium... gây chết héo cây non trong vườn ươm, cây trưởng thành đối với các loại rau màu) bằng cách: Trộn đều chế phẩm với phân chuồng hoai mục để bón lót với lượng dùng từ 4 đến 5 kg/sào Bắc bộ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao