Một số bệnh ở thỏ
Thỏ là loại gia súc yếu, rất dễ cảm nhiễm bệnh trong quá trình nuôi. Khi mắc bệnh, thỏ dễ chết và có thể chết hàng loạt. Vì vậy, áp dụng các phương pháp phòng và điều trị bệnh cho thỏ là những việc làm cần thiết.
Cầu trùng (cocidiosis)
Bệnh do đơn bào ký sinh Eimeria gây nên trong điều kiện chăn nuôi vệ sinh kém. Thỏ 6 - 18 tuần tuổi thường mắc bệnh này. Khi bị bệnh, thỏ kém ăn, bị xù lông, đôi khi bị ỉa chảy; nếu kết hợp với bệnh viêm ruột, phân có thể lẫn máu. Thân nhiệt cao hơn bình thường, chảy nước mũi, nước dãi. Thời gian mang mầm bệnh kéo dài, thỏ gầy dần rồi chết. Bệnh có thể gây chết 50% tổng đàn.
Phòng bệnh cho thỏ bằng cách giữ chuồng trại sạch sẽ. Ảnh: Minh Sáng
Phòng bệnh bằng cách giữ chuồng trại sạch sẽ. Tăng cường sức đề kháng cho thỏ bằng cách bổ sung viatamin, các loại thức ăn có chất lượng. Trị bệnh bằng thuốc Rabbipain hoặc ESB3 pha 10 g/10 lít nuớc hoặc trộn 10 g/5 kg thức ăn, dùng liên tục 3 - 5 ngày.
Ve, bọ ở tai
Đây là căn bệnh viêm nhiễm ký sinh trùng phổ biến ở thỏ nuôi trong gia đình. Khi bị nhiễm, thỏ thường lắc đầu, lắc tai, gãi tai tạo ra những vết xước lớn. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể làm cho thỏ co thắt các cơ mắt, tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt, giảm cân và gây nhiễm trùng thứ cấp tai.
Cách phòng tránh và điều trị: Massage dầu khoáng vào tai mỗi ngày 3 - 4 lần, có tác dụng làm giảm bọ ve sống trong tai thỏ. Sau khi các vết xước đã khỏi thì lặp lại điều trị một lần nữa kéo dài 6 - 10 ngày, giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và cách ly những thỏ bị bệnh để tránh lây lan sang các con khác.
Viêm kết mạc
Đây là căn bệnh dễ nhận biết bằng đặc trưng viêm mí mắt và chất tiết từ mắt ra. Thỏ bị bệnh thường dùng chân để dụi mắt làm cho mắt càng thêm nhiễm nặng.
Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn hoặc bởi các yếu tố khách quan như khói, bụi, thuốc xịt, hoặc khí nhiễm độc, trong đó những con thỏ non là nhóm dễ bị mắc bệnh nhất. Thỏ bị nhiễm khuẩn, dễ lây truyền bệnh sang các con khác vì vậy khi xuất hiện triệu chứng cần điều trị ngay. Trị bệnh bằng cách rửa sạch mắt thỏ bằng dịch rửa sulfathiazole 5%.
Viêm mũi
Do thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường chăn nuôi quá chật chội, ẩm ướt, hoặc chuồng nuôi bị gió lùa vào ban đêm. Khi bị bệnh, thỏ bị ngứa mũi, thường dùng chân trước dụi vào mũi làm trầy xướt. Thỏ bị hắt hơi, chảy nước mũi, kém ăn, lông xù, phản ứng chậm chạp; nếu không điều trị tích cực thường dẫn đến thỏ bị viêm mũi. Phòng bệnh cho thỏ bằng cách cải thiện môi trường chăn nuôi tốt hơn. Thường xuyên bổ sung Vitamin C cho thỏ uống để tăng cường sức đề kháng
Khi thỏ mới có biểu hiện chảy nuớc mũi, hắt hơi cần phải thay đổi môi truờng vệ sinh và nhỏ thuốc natriclohidric, tiêm thuốc đặc trị viêm mũi cho thỏ 1ml/2,5 kg trở lên.
Viêm vú
Nguyên nhân chủ yếu do sữa bị đọng lại trong tuyến vú gây viêm, hoặc do nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn. Khi bị bệnh, thỏ bị viêm ở một hay nhiều núm vú hoặc cả tuyến vú, vùng viêm sẽ sưng to, nóng, đỏ da và đau. Trong sữa lẫn các chất máu, mủ. Thỏ mẹ bị viêm vú thường mệt, ít hoạt động, không chịu cho con bú và kém ăn. Phòng bệnh bằng cách giữ môi trường nuôi sạch sẽ, thường xuyên bổ sung Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho thỏ.
Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh như Penicilin tiêm 5.000 UI/1 kg thể trọng/ngày, hoặc tiêm Streptomycin liều 0,01 g/1 kg thể trọng/ngày, liên tục trong 3 ngày.
>> Phương pháp phòng bệnh tích cực cho thỏ là sử dụng vaccin, thuốc kháng sinh để ngăn chặn sự xuất hiện và phát tán mầm bệnh. Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao