Một Số Định Hướng Về Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Sau đó, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện đề án này của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố ban hành chương trình hành động thực hiện. Hiện nay, ngành Nông nghiệp cũng đã có một số định hướng để tiến hành tái cơ cấu.
Khắc phục những điểm yếu
Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT thì trước hết, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ hướng đến khắc phục những điểm yếu cụ thể. Điểm yếu của ngành Nông nghiệp hiện nay, đó là sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết mang tính lâu dài, rồi vấn đề về giống.
Mô hình trồng bơ Booth chất lượng cao của gia đình chị Nguyễn Thị Mộng Vân, thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh (Đắk Mil)
Những năm gần đây, khoa học kỹ thuật đã bước đầu được ứng dụng cho hiệu quả khả quan, tuy nhiên, vẫn chưa tạo được bước chuyển thật sự cho ngành, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân. Hướng tới việc tỉnh có thể sản xuất được giống cây trồng, vật nuôi, cùng với sản xuất thì tăng cường công tác quản lý giống, các giống đưa vào sản xuất phải có năng suất, phẩm chất tốt, sạch bệnh.
Trong trồng trọt, việc tổ chức lại sản xuất cũng sẽ gắn với việc đẩy mạnh cơ giới hóa, quy hoạch lại đất đai, khu vực dân cư, khu vực sản xuất tập trung.Việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo tính bền vững từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ cũng sẽ được nhà nước tính đến.
Toàn tỉnh vẫn chưa có nhiều những cơ sở chế biến nông sản với qui mô lớn, có công nghệ hiện đại để nâng tầm cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng như cà phê, tiêu, cao su, khoai lang… Chính vì thế, nông dân vẫn bán hàng xô là chính, đây là một thiệt thòi lớn cho bà con, bởi chế biến là một trong những khâu đem lại thu nhập cao.
Cùng với đó, tuy có nhiều tiềm năng nhưng chăn nuôi, thủy sản vẫn chưa phát triển tương xứng. Việc quản lý, sử dụng, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, hàng năm, diện tích rừng bị chặt phá trái phép vẫn còn cao, trong khi đó rừng trồng còn ít, kinh tế rừng chưa thật sự tạo được sức hút đối với hộ cá thể, doanh nghiệp.
Quan hệ sản xuất trong ngành Nông nghiệp tỉnh cũng chưa phù hợp, chưa thật sự biết phát huy hiệu quả các hình thức liên kết như nhóm cùng sở thích, nhóm cùng ngành nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã, chưa tạo được sự liên kết được các nhà “nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học”.
Một số hướng ở các lĩnh vực cụ thể
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì đối với ngành trồng trọt, việc thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực quy mô lớn. Ngành chức năng sẽ tập trung vào việc giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất tốt, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Việc chuyển đổi cây trồng theo hướng ưu tiên sản phẩm chủ lực, khai thác hợp lý điều kiện tự nhiên và hạ tầng nông nghiệp, đảm bảo sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cụ thể như đối với cây lúa thì việc tăng vụ trên cơ sở chuyển diện tích đất 1 vụ lúa lên 2 vụ và thâm canh tăng năng suất; giữ sản xuất lúa trên diện tích đất lúa ở những nơi có điều kiện và hiệu quả; chuyển đổi một phần diện tích lúa hiệu quả thấp sang trồng cây khác như ngô lai, đậu đỗ, rau thực phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Những ruộng trũng thấp thì chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Kế hoạch đến năm 2015, diện tích gieo trồng lúa 12.361 ha, sản lượng 69.715 tấn và định hướng đến năm 2020, ổn định diện tích gieo trồng lúa 12.300 ha, sản lượng 72.400 tấn. Tỉnh cần tập trung đầu tư thâm canh, xây dựng vùng trọng điểm lương thực, lúa cao sản thuộc địa bàn các huyện Krông Nô, Đắk Glong.
Cùng với lúa thì ngô cũng là cây màu chính góp phần tăng sản lượng lương thực và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Kế hoạch đến năm 2015, diện tích gieo trồng 51.498 ha, sản lượng 314.287 tấn và định hướng đến năm 2020, diện tích gieo trồng 54.000 ha, sản lượng 327.600 tấn. Cây ngô được trồng ở tất cả các huyện, chủ yếu ở Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Chư Jút…
Đối với cây cà phê, ngành sẽ từng bước chuyển đổi giống mới, tăng cường kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao chất lượng vườn cây, trẻ hóa vườn cà phê để tăng năng suất và chất lượng cà phê; chuyển đổi diện tích cà phê do đất đai ít thích hợp và thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang cây trồng khác như cây công nghiệp ngắn ngày hoặc cây ăn quả…
Kế hoạch đến năm 2015, diện tích là 118.970 ha, sản lượng đạt 288.090 tấn, ổn định 120.000 ha diện tích cà phê vào năm 2020 và sản lượng đạt 350.000 tấn. Ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện chương trình trồng mới 100.000 ha cao su ở Tây Nguyên theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện có, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Kế hoạch đến năm 2015 diện tích là 32.770 ha, sản lượng đạt 24.220 tấn, định hướng đến năm 2020 diện tích là 36.295 ha, sản lượng đạt 44.146 tấn.
Tiêu là cây trồng tạo hàng hóa xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu của tỉnh. Kế hoạch đến 2015, diện tích trồng tiêu là 10.070 ha, sản lượng đạt 19.860 tấn, định hướng đến năm 2020 ổn định diện tích trồng tiêu là 10.000 ha, sản lượng đạt 19.000 tấn; Tiêu bố trí nhiều ở huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song.
Đối với ngành chăn nuôi thì việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững trên cơ sở áp dụng các công nghệ chăn nuôi tiên tiến, vừa tăng qui mô đàn, vừa đầu tư chiều sâu. Song song, khuyến khích sự hợp tác nhằm lai tạo giống, liên kết giữa khâu sản xuất trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng.
Việc gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với hệ thống giết mổ, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ cũng sẽ được chú trọng nhằm đảm bảo sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản an toàn, vệ sinh dịch bệnh. Toàn tỉnh phấn đấu đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp lên 8 - 9% vào năm 2015 và tăng lên 10 - 11% năm 2020.
Đối với ngành lâm nghiệp thì hoạt động phát triển nhằm tăng giá trị kinh tế ngành và tăng năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học rừng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong đó, làm sao để kinh tế rừng thật sự góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện kinh kế cho người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là nhóm dân tộc ít người.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao