Tin nông nghiệp Một số lưu ý chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cuối vụ

Một số lưu ý chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cuối vụ

Author KS.Phạm Thị Hiên, publish date Monday. May 20th, 2019

Một số lưu ý chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cuối vụ

Từ đầu vụ Xuân năm 2019 đến nay thời tiết ấm, lúa sinh trưởng phát triển nhanh và tương đối đồng đều. Đến thời điểm này lúa xuân đại trà đang giai đoạn phân hóa đòng, có diện tích nhỏ lúa xuân sinh trưởng chậm do ảnh hưởng của chua, mặn và chăm bón muộn

1. Bổ khuyết chăm sóc cuối vụ 

- Bà con thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, không để ruộng khô hạn, giữ nước hợp lý để lúa làm đòng thuận lợi và tăng hiệu quả của việc phòng trừ. Tuyệt đối không bón đạm đơn, phun phân qua lá và các loại thuốc kích thích sinh trưởng khi ruộng lúa đang bị bệnh.

- Với những diện tích sinh trưởng chậm, khi lúa phân hóa đòng (cứt gián): Nếu cây lúa có biểu hiện đói ăn, cây thấp còi cọc, lá vàng. Bà con nên tranh thủ thời tiết thuận lợi để bón khoảng 3 - 4 kg NPK nuôi đòng, nuôi hạt (hoặc bón 1 - 2 kg đạm urê + 2 - 2,5 kg Kaly/sào). 

2. Phòng trừ sâu bệnh

* Căn cứ vào tình hình cụ thể của các địa phương để tiến hành phun phòng trừ sâu bệnh đợt từ ngày 18/4-22/4/2019 (lịch của Chi cục Trồng trọt và BVTV).

+ Đối với các huyện phía Bắc tỉnh (huyện Hưng Hà và Đông Hưng) có diện tích lúa trỗ bông trước ngày 30/4 phải tổ chức phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, rầy các loại; Đồng thời trên diện tích lúa trỗ bông sau ngày 30/4 phải phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho những vùng có mật độ 20 con/m2 trở lên, rầy các loại nơi có mật độ 800 con/m2.

+ Đối với các huyện phía Nam tỉnh lúa trỗ bông muộn hơn, do đó tập trung phòng trừ rầy các loại tại những vùng có mật độ 800 con/m2 và sâu cuốn lá nhỏ có mật độ 20 con/m2 trở lên.

- Với diện tích lúa trỗ bông sau ngày 5/5/2019 cần bám sát lịch của ngành chuyên môn.

- Nên sử dụng các loại thuốc theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, các sản phẩm có uy tín, các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

* Bệnh đạo ôn

- Tiếp tục gây hại phát sinh và gây hại trên các giống nhiễm, chân ruộng trũng, hẩu, bón thừa đạm… 

- Với bệnh đạo ôn cổ bông: Khi lúa trỗ bông gặp ẩm độ không khí cao, trời có mưa, nhiệt độ phù hợp cho bệnh phát sinh… cần tiến hành phun kép khi lúa trỗ thấp tho và khi kết thúc trỗ. 

* Sâu cuốn lá, Sâu đục thân 2 chấm

Giai đoạn này sâu cuốn lá nhỏ gây hại lá đòng và lá công năng sẽ làm giảm năng suất nên cần lưu ý phòng trừ cho trà lúa trỗ sau ngày 30/4 của các huyện phía Bắc tỉnh và gây hại ở những vùng lúa xanh non, ven biển, ven các triền sông, chân quẩn ven làng, vùng có mật độ sâu cao của các năm trước tại các huyện phía nam tỉnh.

Một số vùng trong tỉnh có nguồn sâu đục thân 2 chấm cao như một số xã ở huyện Vũ Thư, huyện Quỳnh Phụ, huyện Hưng Hà, Thành phố Thái Bình. Ngoài ra, những diện tích trỗ muộn sau 15/5 cũng dễ bị dồn mật độ cuối vụ.

* Rầy các loại, Bệnh Lùn sọc đen 

Đến thời điểm này bệnh lùn sọc đen xuất hiện rải rác trên từng dảnh lúa, khóm lúa ở huyện ven biển. Song bệnh lùn sọc đen vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đặc biệt trên trà lúa trỗ bông muộn sau ngày 20/5.

Cần chủ động phòng trừ rầy kịp thời để hạn chế nguồn môi giới truyền bệnh Lùn sọc đen và hiện tượng cháy rầy.

* Các đối tượng gây hại khác

Ngoài các đối tượng sâu bệnh hại chính nêu trên còn có bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh lem lép hạt, chuột… gây hại cục bộ, bà con cần kiểm tra để có biện pháp phòng trừ kịp thời./.


Phòng bệnh cho gia súc - gia cầm trong mùa hè Phòng bệnh cho gia súc - gia cầm… Một số lưu ý trong chăn nuôi gia súc gia cầm mùa nắng nóng Một số lưu ý trong chăn nuôi gia…