Tin thủy sản Một số nội dung trọng điểm của luật FSMA

Một số nội dung trọng điểm của luật FSMA

Author Anh Vũ, publish date Wednesday. September 20th, 2017

Một số nội dung trọng điểm của luật FSMA

Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA) của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam; Đây là nhận định từ phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Tuy nhiên, VASEP cũng lưu ý, để tránh gián đoạn, các doanh nghiệp chú ý gia hạn đăng ký.

Chế biến cá tra xuất khẩu   Ảnh: LHV

Luật FSMA

Theo thông tin từ VASEP, Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA) của Mỹ được ban hành ngày 4/1/2011; mục tiêu đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân Mỹ bằng cách chuyển từ cơ chế phản ứng với rủi ro sang cơ chế giám sát các biện pháp phòng ngừa rủi ro do doanh nghiệp sản xuất buộc phải tự thiết lập; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký cơ sở sản xuất và đăng ký người đại diện tại Mỹ của doanh nghiệp với Cục Quản lý Thực phẩm Dược phẩm Mỹ (FDA).

Các chiến lược bảo vệ thực phẩm khỏi bị làm giả cố ý; Vận chuyển thực phẩm cho người và động vật hợp vệ sinh; Quy tắc sản xuất an toàn cuối cùng và báo cáo tác động môi trường; Các chương trình xác nhận nhà cung cấp nước ngoài (FSVP); Chứng nhận bên thứ ba tin cậy; Giám sát ngăn ngừa đối với Quy tắc cuối cùng thực phẩm cho người; Kiểm soát ngăn ngừa đối với Quy tắc cuối cùng thực phẩm cho động vật.

Trong đó, nội dung mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên quan tâm nhất là Chương trình xác nhận nhà cung cấp nước ngoài của FDA. Nhà nhập khẩu tại Mỹ phải lập các chương trình để xác nhận sự an toàn của tất cả các chuyến hàng nhập vào Mỹ, bằng các chứng nhận an toàn cho mỗi chuyến hàng, theo các quy định mới về các lô hàng đến cảng Mỹ từ 30/5/2017.

Luật cũng nhằm nâng cao trách nhiệm và các hành động mà nhà nhập khẩu Mỹ chịu trách nhiệm. Cùng đó, cho phép FDA ngăn chặn việc đưa vào thị trường Mỹ các thực phẩm bị pha trộn hoặc bị nhầm lẫn, bao gồm các thực phẩm có nguy cơ gây hại.

Thủy sản không gặp khó

Theo luật FSMA, các cơ sở sản xuất chế biến, đóng gói hoặc nơi lưu trữ thực phẩm bao gồm thức uống và thực phẩm chức năng phải làm thủ tục đăng ký với FDA để được cấp mã số. Việc đăng ký này có thể làm trực tuyến và không tốn kém chi phí của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cứ 2 năm/lần vào năm chẵn (từ ngày 1/10 đến ngày 31/12 của năm đó) phải thực hiện gia hạn đăng ký và phải đồng ý để FDA đến thanh, kiểm tra. Riêng với các cơ sở sản xuất nước ngoài còn phải chỉ định một đại diện tại Mỹ với FDA.

Người đại diện tại Mỹ có thể là một người, một công ty hoặc một cơ quan có trụ sở tại Mỹ đóng vai trò là người liên lạc tại chỗ, duy trì liên lạc thông suốt với FDA 24/24 giờ; đồng thời là người phải trả lời các câu hỏi của FDA liên quan đến cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu và mặt hàng xuất khẩu trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của FDA. Cùng đó, sẽ thay mặt cho cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu chịu trách nhiệm thanh toán cho FDA toàn bộ các chi phí liên quan đến việc thanh tra các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu do FDA thực hiện.

Luật FSMA cũng yêu cầu trường hợp doanh nghiệp không gia hạn thì mã số do FDA cấp sẽ mất hiệu lực và hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đó không thể xuất khẩu được vào thị trường Mỹ.

Thủy sản nhập khẩu chiếm một tỷ trọng lớn trong các thực phẩm tiêu thụ ở Mỹ, cũng là một trong những thực phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các quy định mới của luật FSMA.

Tuy nhiên, thực chất các yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển từ cơ chế phản ứng sang cơ chế phòng ngừa của luật FSMA chỉ là một phần của các yêu cầu trong hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP, hệ thống mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đã áp dụng bắt buộc từ nhiều năm nay. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam không gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu này.

Đối với các yêu cầu về đăng ký cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ, những trường hợp bị mất mã số đăng ký của FDA đa phần là do doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không biết quy định mới này nên đã không gia hạn đăng ký định kỳ 2 năm/lần, hoặc không có đơn vị đại diện hoặc là bên thứ 3 được ủy quyền tại Mỹ, hoặc có nhưng đơn vị đại diện tại Mỹ không thể hàng ngày kiểm soát thông tin dẫn đến việc không trả lời FDA đúng hạn.

Với việc Mỹ là một trong 3 thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam nhiều năm qua, các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam đều đã nắm rõ thủ tục đăng ký cơ sở sản xuất và cử đại diện tại Mỹ với FDA. Đa số các trường hợp doanh nghiệp bị mất mã số đăng ký của FDA đều là các doanh nghiệp ngoài ngành thủy sản.

Việc luật FSMA đi vào hiệu lực trong thực tế không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam do xuất khẩu thủy sản vào Mỹ từ rất lâu; đồng thời. hệ thống quản lý chất lượng của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã đi tiên phong trong việc áp dụng HACCP và được nhiều thị trường tiên tiến trên thế giới như EU, Hàn Quốc, Mỹ, Australia… chấp nhận.


Năm 2016: Ấn Độ là nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới Năm 2016: Ấn Độ là nước xuất khẩu… Xuất khẩu tôm vào Mỹ giảm kể từ thời Tổng thống Donald Trump Xuất khẩu tôm vào Mỹ giảm kể từ…