Mô hình kinh tế Mùa Con Ong Về Tràm

Mùa Con Ong Về Tràm

Publish date Monday. June 30th, 2014

Mùa Con Ong Về Tràm

Tháng 4, khi những cơn mưa rào xuất hiện, rừng tràm nhuốm một màu xanh sáng của lá non. Những nách lá non ấy, hàng ngày tiết ra bao nhiêu giọt mật ngọt sóng sánh. Thời điểm này, những người làm nghề nuôi ong dạo bắt đầu chở ong về những cánh rừng tràm, chắt lọc nguồn mật ong quý do thiên nhiên ban tặng…

Một chiều cuối tháng 6, chúng tôi theo huyện lộ 22, nối từ Thị tứ Tuần của huyện Quỳnh Lưu đến Thị trấn Yên Thành, dài 43 km. Hai bên đường là những rừng tràm bạt ngàn.

Đến khu rừng tràm chừng 3 năm tuổi, thuộc khu vực xóm Trại của xã Tân Thành, chúng tôi nhìn thấy cái lều tạm, được căng bằng tấm bạt sọc trắng, cạnh bên là những dãy tổ ong mật được kê đặt ngay ngắn, dưới tán rừng che mát mặt đất. Chủ của những tổ ong ấy là một thanh niên nói đặc giọng miền trong. Anh là Viên Đình Tuấn, sinh năm 1989, quê ở Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc.

Dưới tán rừng tràm gió đưa nhẹ, xung quanh tiếng ong bay rì rào nói về nghề nuôi ong dạo, Viên Đình Tuấn cởi mở: Làm cái nghề nuôi ong dạo này là xa gia đình hoài. Ăn Tết xong, chuyển ong đến Lâm Đồng lấy mật hoa cà phê, sang tháng 2, chuyển ra Bắc Giang lấy mật hoa vải. Đến đầu tháng 4 chuyển vào Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị lấy mật tràm cho đến hết tháng 9, chuyển về Đắc Lắc dưỡng ong trong 2 tháng.

Mùa này, cây tràm có ra hoa đâu? Tuấn cười hiền: Mỗi cây có một kiểu tiết mật khác nhau, riêng cây tràm tiết mật ở nách lá non. Mùa này có mưa rào, cây tràm phát triển bộ lá, trên mỗi chiếc lá non, hàng ngày tiết ra những giọt mật quý giá, mà chỉ có con ong mới lấy được. Cái quý của mật lá tràm là ngọt và trong, nên chất lượng tốt hơn so với các loài hoa khác.

Bởi vậy, giá mật ong lấy từ rừng tràm bao giờ cũng cao hơn giá mật ong lấy từ hoa vải, hoa cà phê... Nói xong, Tuấn dẫn tôi tới một cây tràm, nhẹ tay kéo một cành xuống. Quan sát kỹ, chúng tôi nhìn thấy những giọt mật đọng lại dưới nách lá non.

Lấy ngón tay quệt nhẹ, những giọt mật ấy đặc quánh, nếm có vị ngọt thanh khiết. Tuấn nói, lá tràm thường tiết mật vào sáng sớm và chiều tối, do vậy vào thời điểm đó, số lượng con ong thợ bay đi lấy mật mới nhiều. Tốt nhất là cứ 7 đến 10 ngày có một trận mưa rào, thì lượng mật tiết ra càng nhiều.

Nhưng không phải vì thế mà ngày nào con ong cũng lấy được nhiều mật, lúc mưa to, gió mạnh, những giọt mật trên lá rơi xuống đất, con ong không có cơ hội lấy mật, coi như ngày đó lượng mật về tổ rất ít. Những ngày thuận trời, hàng vạn con ong thợ mang về mỗi tổ từ 3 - 4 lạng mật. Do đó, cứ 10 ngày có thể quay mật 1 lần. Với xấp xỉ 200 tổ ong, mỗi lần quay, anh Tuấn có trên dưới 5 tạ mật.

Giá bán tại chỗ, thời điểm bây giờ 37 nghìn đồng/kg, cao hơn năm trước 5 nghìn đồng/kg. Mật quay được, Công ty ong mật Đồng Nai đến thu mua ngay tại chỗ, về chế biến thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Mỗi tháng quay 3 lần, được 1,5 tấn mật ong, bán được gần 60 triệu đồng. Nói như thế, ai cũng bảo nghề nuôi ong dạo nhanh giàu. Thế nhưng, trừ mọi chi phí chẳng còn được bao nhiêu.

Quanh năm, di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc, rồi từ Bắc vào Nam, riêng tiền thuê xe vận chuyển đã mất trên dưới 50 triệu đồng. Đặc thù của con ong khó tính, nên việc vận chuyển tổ ong không như các mặt hàng khác. Tốc độ xe chạy trên đường phải chậm, những lúc nghỉ dọc đường không được quá 1 tiếng đồng hồ, nếu nghỉ lâu, nhiệt độ trong tổ ong lên cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con ong.

Trong quá trình nuôi ong dạo, mình phải đầu tư bổ sung thức ăn bằng bột đậu nành, thuốc phòng trừ dịch bệnh, rồi tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, tiền “ngoại giao” với địa phương... Nghề này là chấp nhận “làm dâu trăm họ”. Năm thời tiết thuận lợi, trừ mọi chi phí, anh Tuấn còn lãi trên dưới 100 triệu đồng.

Nghề nuôi ong dạo, khi bước vào nghề cũng đầu tư lớn lắm. Đối với anh Tuấn, lên 15 tuổi, anh đã theo người thân đi nuôi ong dạo khắp nơi, nên niềm đam mê với nghề nuôi ong dạo đã ngấm vào máu thịt.

Nói ngấm vào máu thịt bởi lẽ, mỗi khi quay mật là bị hàng trăm con ong cắn vào cơ thể. Quanh năm bị ong cắn, thành quen. Đến 19 tuổi, anh quyết định tách riêng, nhưng cha mẹ phản đối, vì Tuấn tuổi đời đang trẻ, lại chưa có gia đình, chưa có vốn và kinh nghiệm, sợ thất bại.

Do mê cái nghề này, nên được cha mẹ đầu tư cho 100 tổ ong, hết 150 triệu đồng, cùng với 100 triệu đồng làm vốn lưu động. Trong quá trình nuôi, anh tách đàn, có lúc lên tới 300 tổ, nhưng một mình anh không thể đảm bảo, nên anh bán đi bớt, còn 200 tổ.

Để ong luôn được khỏe, người nuôi phải nắm chắc các triệu chứng bệnh của chúng. Giống ong Ý của anh Tuấn nuôi thường mắc các bệnh: chấy (con chấy bâu vào cuống cánh), thối ấu trùng, đau bụng... Do đó, trong quá trình nuôi ong, người nuôi phải thường xuyên theo dõi, nếu thấy con ong có biểu hiện bất thường là đoán biết được bệnh của nó để chữa trị kịp thời.

Trong hành lý mang đi kèm, lúc nào cũng có thuốc chữa các loại bệnh mà ong thường gặp. Bên cạnh đó, còn phải biết đề phòng ong bốc bay. Đối với giống ong Ý, nguyên nhân dẫn đến ong bốc bay thường là do thiếu phấn, thiếu mật và bị ong vẽ tấn công.

Kinh nghiệm của anh Tuấn cho rằng, nếu thiếu phấn thì người nuôi phải kịp thời cho ong ăn bột đậu nành; nếu ong thiếu mật thì cho ăn phấn hoa, hoặc đường. Ngay việc chọn đặt tổ ong cũng phải biết cách. Thứ nhất, con ong rất nhạy cảm với môi trường, do vậy phải đặt cách xa nơi sản xuất hoa màu.

Vì trong quá trình sản xuất hoa màu, khi con người phun thuốc trừ sâu, con ong tiếp xúc lấy mật sẽ bị nhiễm thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng mật ong. Thứ hai, chọn rừng keo 3 - 5 tuổi để đặt. Vì cây keo bắt đầu 2 năm tuổi mới tiết mật, đến 5 - 6 năm tuổi, lượng mật tiết ra ít dần.

Cuộc sống của những người làm nghề nuôi ong di động rất đơn sơ, tạm bợ. Trong những cái lều bạt là chiếc giường, cùng với cái tráp bằng gỗ để đựng quần áo, mấy cái nồi nhôm méo móp, can nhựa đựng nước, bát đĩa...

Nhưng tài sản của họ mang theo là rất lớn, đó là hàng trăm tổ ong mật, trị giá mỗi tổ hàng triệu đồng. Trước một tài sản lớn như thế, lại sống ở đất khách quê người, không nhà cửa, không anh em họ hàng, lấy gì để giữ an toàn cho tài sản và con người. Để đảm bảo không bị mất mát hay bị những kẻ xấu lợi dụng, là một điều không phải dễ chút nào.

“Đất có thổ công, sông có hà bá”, trước khi đến vùng đất nào là mình đã có mối quan hệ thân thiết với ít nhất là một người ở đó. Với chính quyền địa phương, mình phải xin tạm trú và nộp một số thứ tiền theo yêu cầu, đồng thời mình viết giấy cam kết không làm mất an ninh trật tự, không để xẩy ra cháy rừng...

Với người dân, mình phải hài hòa, cởi mở và hiểu được phong tục tập quán của người ta. Thậm chí, mình sẵn sàng giúp đỡ người dân một việc gì đó có thể. Đó là những việc làm đầu tiên trước khi đặt ong xuống vùng đất đó.

Con ong không làm hại gì đến cây trồng, nó còn giúp ích cho các loài hoa của cây trồng dễ dàng thụ phấn. Nhận biết được lợi ích của con ong, chính quyền địa phương nào và người dân cũng giúp đỡ, tạo điều kiện rất thuận lợi. Những người làm nghề nuôi ong di động được ví như “làm dâu trăm họ”.

Ngược lại, có những địa phương, sau khi mình đến đặt ong được thời gian ngắn, người dân kéo đến yêu cầu chuyển đi nơi khác. Họ nói rằng, con ong của các ông phá hoại hoa màu, làm cho ngô không thụ phấn được, bông lúa trổ ra rơi hết mao.

Khi đó, mình bình tĩnh phân tích cho người ta hiểu về tác dụng của loài ong với cây trồng, thì người ta mới để yên. Tìm hiểu mới biết, trong quá trình nuôi ong, mình có bán lẻ mật cho người dân trong vùng với giá rẻ, khiến những hộ dân nuôi ong trên địa bàn không bán được mật, nên họ tìm cách gây khó. Từ đó, chúng tôi không bao giờ bán lẻ mật ong cho người dân nữa.

Nói về bí quyết để nghề nuôi ong dạo thành công, anh Tuấn bộc bạch: Ngoài vốn ra, điều quan trọng nhất là mình phải mê nó, coi những con ong là người bạn thân thiết.

Còn kinh nghiệm nuôi ong, sách vỡ, tài liệu để tham khảo, kinh nghiệm thực tế là quyết định. Trong quá trình nuôi ong, mỗi người có một kinh nghiệm riêng, nên những người nuôi ong với nhau không bao giờ giấu giếm bí quyết, kinh nghiệm, sẵn sàng truyền cho nhau kinh nghiệm của mình.

Do vậy, phải nắm chắc quy trình sinh trưởng của con ong. Từ khi ấu trùng đến lúc phát triển thành con ong trưởng thành là trong vòng 20 ngày và sau 1 tuần mới thành con ong thợ hoàn hảo. Tuổi thọ của con ong rất ngắn, từ 30 đến 40 ngày, trong quá trình đi lấy mật, con nào già, nó tự rơi xuống đất kết liễu đời mình.

Nghệ An là vùng đất có nhiều diện tích rừng tràm, hàng năm cây tràm tiết ra một lượng mật tự nhiên quý giá. Nhiều người làm nghề nuôi ong di động từ Đắc Lắc, Lâm Đồng... vận chuyển hàng ngàn đàn ong về đây lấy mật.

Mỗi người một quê, họ đều chung một hoàn cảnh “làm dâu trăm họ”, nên luôn cố gắng tạo được môi trường sống hòa đồng. Họ thức ngủ cùng với con ong, để rồi chúng mang về cho họ nguồn mật ong quý từ thiên nhiên ban tặng.


Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Sầu Riêng Xen Canh Trong Vườn Cà Phê Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Sầu Riêng… Đắk Lắk Sử Dụng Nước Thải Biogas Tưới Tiêu Cho Vườn Hồ Tiêu Đắk Lắk Sử Dụng Nước Thải Biogas Tưới…