Mô hình kinh tế Mùa Sen Cạn

Mùa Sen Cạn

Publish date Monday. May 26th, 2014

Mùa Sen Cạn

Tận dụng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen ở xã Định Thành (Thoại Sơn) và Cô Tô (Tri Tôn)- An Giang phát triển gần chục năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những vụ gần đây, do dịch bệnh, giá cả bấp bênh, bà con không còn “mặn” với loại cây thủy sinh này.

Thất mùa, rớt giá

Chú Trần Văn Đại, nông dân ấp Hòa Tân (xã Định Thành), người đã từng thành công với cây sen trên đất ruộng, chia sẻ: “Năm 1998, gia đình tôi chuyển 5 công đất lúa sang trồng loại sen hồng, mua giống từ Cao Lãnh (Đồng Tháp). Thu hoạch vụ đầu thấy khả quan nên năm 2000, tôi mở rộng đến 3 héc-ta.

Vừa bán gương, vừa lấy ngó cộng với bán sen giống cho bà con lân cận, gia đình tôi có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng”. Từ lúc trồng sen, cuộc sống gia đình chú Đại không còn khó khăn như trước.

Chú vẫn giữ diện tích trồng sen trên đất ruộng, nhờ vào nguồn nước và giống chất lượng cao nên bội thu nhiều năm liền. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, tình trạng sen thúi ngó hàng loạt, năng suất thấp, giá sụt giảm liên tục nên chú Đại đã chuyển sang trồng lúa.

Theo những nông dân có kinh nghiệm, do thời tiết thất thường, giống sen bị thoái hóa nên kém phát triển, không có hoa và đài ít hạt. Cô Đoàn Thị Hồng, ngụ ấp Tô Bình (xã Cô Tô), mướn 30 công đất trồng sen, than: “Cứ 2 ngày là tôi bẻ một lần, mỗi lần chỉ từ 250 – 300kg.

Nếu như năm ngoái, giá sen bán cho thương lái từ 18.000 – 20.000đồng/kg, thì năm nay giảm xuống còn 10.000 đồng/kg nên không có lời, chắc mùa sau tôi trồng lúa”. Với giá sụt giảm gần một nửa, những hộ mướn đất trồng sen (giá hơn 2 triệu đồng/công) như gia đình cô Hồng thì trừ các chi phí, lợi nhuận còn lại rất thấp.

Anh Trần Trường Sa, cán bộ Khuyến nông xã Định Thành, cho biết, khoảng 5 năm trước, toàn xã có trên 60 héc-ta diện tích đất lúa kém hiệu quả được bà con tận dụng trồng sen để tăng thu nhập, hiện nay chỉ còn lại khoảng 10 héc-ta.

Tại xã Cô Tô, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Võ Văn Trung thông tin: “Từ năm 2011 - 2012, bà con xã Cô Tô đã tận dụng 50 héc-ta đất trũng vùng Huệ Đức, Tô Bình, Tô Phước để trồng sen, nhằm tận dụng đất phèn tăng thu nhập. Nhưng hiện nay, do giá cả không ổn định, một số hộ dân đã tự trục đất, cày ải xuống giống vụ hè thu.

Ngoài ra, trồng sen đòi hỏi nhân công thu hái hàng ngày, trong khi thanh niên trong xã đa số đi làm công nhân. Vì vậy, nông dân đành chuyển lại trồng lúa. Hiện, diện tích sen trong vùng cũng chỉ còn lại khoảng 15 héc-ta trong tổng số 161 héc-ta rau màu toàn xã”.

Tái tạo lại đồng sen

Dự định tái tạo lại cánh đồng sen trên đất lúa của mình, chú Trần Văn Đại cho biết: “Tôi sẽ chú trọng khâu chọn giống bằng hình thức gieo hạt khô cho nảy mầm để lấy giống nguyên chủng, sau đó sẽ nhân rộng ra. Có như thế, mình mới kiểm soát được tình hình mầm bệnh trên sen”.

Đối với vùng trũng xã Cô Tô, do đất bị nhiễm phèn nên chỉ trồng được sen hoặc lúa. “Địa phương đang khuyến khích người dân xen canh 2 màu - 1 lúa. Đối với vùng trũng, đất phèn thì trồng sen. Vùng cao hơn, đất pha cát thì trồng đậu phộng, đậu xanh, bắp thu trái non kết hợp nuôi bò vỗ béo” - ông Võ Văn Trung thông tin.

Để cây sen phát triển bền vững, các ngành chức năng cần quy hoạch, định hướng sản xuất, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp nguồn giống chất lượng cao để người dân yên tâm gắn bó với sen – loại cây trồng cho thu nhập quanh năm. Nếu cứ để người dân trồng tự phát thì lại sa vào vòng lẩn quẩn: Thấy sen rớt giá thì bỏ sen trồng lúa, khi sen có giá lại bỏ lúa trồng sen.

Cách đây vài năm, xã Định Thành và Cô Tô có gần 100 héc-ta đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng sen. Nhưng đến nay, do năng suất sen giảm mạnh, người dân lại bỏ sen quay về với cây lúa nên diện tích sen hiện nay chỉ còn khoảng 25 héc-ta.


Nông Dân Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) Không Mặn Mà Với Cây Mía Nông Dân Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) Không Mặn… Anh Phú Quốc Thắng Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Heo Rừng Anh Phú Quốc Thắng Làm Giàu Từ Mô…