Mừng, Lo Cho Lúa Đông Xuân
Đông xuân được xem là vụ lúa chính trong năm, trước tình hình thời tiết có nhiều bất lợi, dịch bệnh phát triển mạnh trong thời gian gần đây nên công tác chăm sóc, bảo vệ lúa đang được nông dân trong tỉnh quan tâm từng ngày.
Chủ động phòng, chống dịch bệnhTheo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, thời tiết lạnh, nhiều sương mù vào sáng sớm và chiều tối trong thời gian qua là điều kiện thuận lợi cho một số dịch hại phát triển trên lúa, nhất là bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông. Trong tổng số gần 3.000ha lúa đang bị nhiễm các loại dịch hại trên địa bàn tỉnh, thì hiện có hơn 1.100ha bị nhiễm đạo ôn lá và cổ bông. Do đó, hiện hầu hết nông dân canh tác lúa ở các địa phương đều tập trung ra đồng để phun thuốc bảo vệ lúa.
Đang phun thuốc cho 1,3ha lúa của gia đình, ông Lê Văn Lên, nông dân ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Không phải đến thời điểm này mới phun thuốc phòng bệnh cho lúa, mà ngay từ khi lúa hơn 20 ngày tuổi là nông dân chúng tôi đã chủ động trong vấn đề này.
Bởi, thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, ban ngày thì nắng nóng, sáng sớm có sương mù nên nông dân ai cũng lo cho mảnh ruộng của mình vì sợ lúa bị bệnh, nhất là đạo ôn. Tính đến thời điểm này, đây là lần phun thuốc thứ 7 mà tôi đã thực hiện và khả năng sẽ còn phun một đợt nữa khi lúa đỏ đuôi”.
Giống như ông Lên, ông Chung Văn Còn, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A cũng thường xuyên thăm đồng nhằm kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng trừ đạt hiệu quả. Mặc dù trời mới tờ mờ sáng, nhưng ông Còn đã có mặt bên ruộng lúa của mình.
Gặp chúng tôi, ông Còn chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, vào thời điểm gần tết thì thời tiết có sự thay đổi nhiều và đây cũng là giai đoạn cao điểm bà con phòng trừ các loại dịch hại nguy hiểm trên lúa. Điều quan trọng hơn, Đông xuân là vụ lúa quyết định rất lớn đến hiệu quả sản xuất của cả năm, nên nông dân chúng tôi không thể lơ là”. Hiện tại, không riêng ông Còn, mà có nhiều nông dân khác cũng đang tranh thủ ra đồng để phun thuốc phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ cây lúa để có vụ Đông xuân thắng lợi.
Khác hẳn với các nông dân trên, hiện bà con ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phước Trung, ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A cảm thấy an tâm hơn khi tất cả diện tích lúa ở đây đều phát triển tốt và hứa hẹn cho mùa bội thu.
Ông Hà Minh Triều, Chủ nhiệm HTX, thông tin: “Hiện tại, toàn HTX có 100ha lúa, trong đó có 90ha sạ giống Jasmine. Do giống Jasmine là lúa thơm nên những năm trước thường xuyên bị sâu bệnh tấn công, nhất là rầy nâu, từ đó làm giảm năng suất lúa. Rút kinh nghiệm, ngay từ đầu vụ năm nay, bà con xã viên đã có sự chủ động về việc chọn giống, cũng như áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ dịch bệnh, từ đó các diện tích lúa đều phát triển tốt”.
Nhiều diện tích lúa thu hoạch sớm
Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm vụ lúa Đông xuân 2014-2015, với diện tích hơn 79.665ha, đạt hơn 100% kế hoạch. Đặc biệt, trong số diện tích đã gieo sạ sẽ có hơn 3.000ha lúa Đông xuân chính vụ được bà con thu hoạch trước Tết Nguyên đán, nhiều nhất là ở huyện Châu Thành A (hơn 2.000ha) và huyện Vị Thủy (hơn 800ha). Việc có nhiều diện tích lúa thu hoạch trước tết đã tạo không khí phấn khởi cho bà con.
Bà Phạm Thị Bằng, ở ấp Trường Phước, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Năm nay, do nhuần 2 tháng 9 âm lịch, nên người dân nơi đây sạ sớm hơn mọi năm gần một tháng. Chính vì vậy, những hộ làm giống ngắn ngày như IR 50404 sẽ thu hoạch trước tết (khoảng 15 tháng chạp là bắt đầu cắt lúa).
Từ chỗ có lúa thu hoạch sớm, nên bà con ai nấy đều cảm thấy vui vì có tiền trang trải trong những ngày tết”. Cùng niềm háo hức trên, ông Lê Văn Lên, ở ấp 11, xã Vị Trung, cho biết thêm: “Năm nay, nhiều nông dân nơi đây sẽ ăn tết lớn và sung túc hơn mọi năm, bởi có lúa thu hoạch sớm. Riêng 1,3ha lúa của tôi sẽ được thu hoạch vào 25 tháng chạp và khi cắt lúa xong cũng là thời điểm sửa soạn nhà cửa để đón mừng năm mới”.
Theo nhận định của nhiều nông dân, vụ Đông xuân năm nay tuy có gặp bất lợi về thời tiết, dịch bệnh khá nhiều, nhưng với sự chăm sóc kỹ lưỡng ngay từ đầu vụ, nên các diện tích lúa đều có khả năng cho năng suất ở mức cao, không dưới 1,2 tấn/công (công 1.300m2). Tuy nhiên, điều lo lắng của bà con trong lúc này là tình hình thu mua và giá cả của vụ lúa năm nay sẽ ra sao, bởi thị trường lúc này không mấy sôi động, mặc dù mùa thu hoạch sắp bắt đầu.
Ông Nguyễn Văn Thâu, ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, than: “Mọi năm, khi lúa vừa cong trái me là có thương lái đến ngã giá và đặt tiền cọc, nhưng năm nay, lúa hiện đã đỏ đuôi mà không thấy thương lái nào, chỉ có mấy chủ máy cắt đến đặt cọc. Với tình hình này, không biết giá cả năm nay sẽ ra sao và bà con đang lo nếu giá lúa đầu vụ thấp thì không có lời, vì chi phí đầu tư vụ này nhiều do dịch bệnh, tăng khoảng vài trăm ngàn đồng/công.
Với những lo lắng của người dân, mới đây, Bộ Tài chính đã công bố giá mua lúa định hướng vụ Đông xuân 2014-2015 tại các tỉnh ĐBSCL. Theo đó, giá thành sản xuất lúa bình quân vụ Đông xuân 2014-2015 tại các tỉnh ĐBSCL là 3.417 đồng/kg. Hậu Giang là 1 trong 3 địa phương có giá thành sản xuất lúa thấp cùng với Kiên Giang, Cà Mau ở mức 2.979 đồng/kg.
Theo Bộ Tài chính, giá mua lúa định hướng căn cứ vào mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ Đông xuân, các cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp, cá nhân mua lúa với giá định hướng phải đảm bảo mức lãi tối thiểu (30%) cho người sản xuất. Như vậy, căn cứ theo giá thành sản xuất của tỉnh do Bộ Tài chính đưa ra, thì giá thu mua lúa cho người dân trong vụ Đông xuân này sẽ không dưới 4.000 đồng/kg.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Ngọc Thể lưu ý: Hiện toàn tỉnh có hơn 40.000ha lúa Đông xuân đang bước vào giai đoạn quyết định đến năng suất và chất lượng lúa.
Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo cán bộ khuyến nông và bà con nông dân cần tăng cường thăm đồng, kịp thời phun xịt thuốc đặc trị các loại dịch hại khi vừa chớm xuất hiện bệnh, đặc biệt là đối với những trà lúa trong giai đoạn trổ bông đến chín.
Sương mù và thời tiết lạnh trong những ngày qua là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn cổ bông tấn công đến cây lúa, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Chính vì vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh trên lúa phải được đặt lên hàng đầu trong lúc này, để đảm bảo vụ lúa Đông xuân 2014-2015 của tỉnh đạt năng suất và chất lượng cao...
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao