Tin thủy sản Năm 2025 ngành tôm đạt 10 tỷ USD?

Năm 2025 ngành tôm đạt 10 tỷ USD?

Author Chúc Ly, publish date Thursday. February 9th, 2017

Năm 2025 ngành tôm đạt 10 tỷ USD?

“Riêng Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã quyết tâm đến 2021 xuất khẩu tôm đạt 2 tỷ USD. Vậy còn 8 tỷ USD nữa với 28 tỉnh có biển và nhiều doanh nghiệp lớn, tại sao không đạt 10 tỷ USD sớm?... Tôi đặt vấn đề với các đồng chí đến năm 2025 phải đạt 10 tỷ USD” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong ảnh: Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: Chúc Ly

Chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam (ngày 6.2 ở Cà Mau), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mục tiêu mà Bộ NNPTNT đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp.

Nhiều lợi thế phát triển con tôm

Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch hơn 3,1 USD, tăng 6,7% so với năm 2015, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm hơn 62%, tôm sú chiếm gần 30%, tôm biển khác chiếm 8,3%. Định hướng phát triển ngành tôm, phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỷ USD; phấn đấu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu đạt 8-10 tỷ USD; phấn đấu đến năm 2020 chủ động được trên 50% tôm bố mẹ sản xuất trong nước. (nguồn: Bộ NNPTNT)

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 28 tỉnh ven biển, đặc biệt là 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm vùng ĐBSCL cùng 50 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm, đại diện nông dân.

Báo cáo của Bộ NNPTNT, năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn với ngành nông nghiệp và nuôi tôm do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang) tổng diện tích thiệt hại khoảng trên 188.000ha. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ NNPTNT và các địa phương, sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, người nuôi với các giải pháp phù hợp, ngành tôm đã đạt được những kết quả ngoạn mục.

Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, sản phẩm tôm vẫn là mặt hàng được ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị rớt giá hoặc khủng hoảng về giá. Điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu (đặc biệt là vùng ĐBSCL) rất phù hợp để nuôi tôm. Diện tích nuôi và sản lượng tôm sú (loài bản địa) nước ta vẫn đang chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới (30-38%). Nhiều mô hình nuôi hiệu quả, có triển vọng đã xuất hiện như nuôi tôm rừng, tôm lúa, tôm sinh thái...

Đồng thời, tình hình xâm nhập mặn và kịch bản nước dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm hoặc nhiều diện tích cần phải chuyển đổi sang nuôi tôm để thích ứng. Diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000-1.000.000ha (chủ yếu ở ĐBSCL).

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, cho rằng: Trong chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, một vấn đề nổi lên là chúng ta phải lựa chọn được những mặt hàng sản xuất mà Việt Nam có lợi thế trong phân công chuỗi giá trị toàn cầu. Và con tôm là đối tượng được xác định hàng đầu vì không gian phát triển rất lớn. Chính điều kiện thiên nhiên ưu đãi cho chúng ta con tôm đặc sản là con tôm sú, một trong rất ít quốc gia có đối tượng con tôm này.

“Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỷ USD, 700.000ha nuôi như hiện nay mà còn cao hơn nhiều miễn là chúng ta có khát vọng, có quyết tâm” - Bộ trưởng Cường bày tỏ.

Về thị trường, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh, cho đến nay và các năm tới khẳng định chưa có giới hạn về đầu ra của con tôm, miễn là chúng ta phải làm tốt. Cho đến hiện nay, không có một con gì nuôi mà tốc độ sinh khối, giá trị thu nhập cao như con tôm, nếu làm đúng. Qua 20 năm phát triển ngành hàng, chúng ta đã tạo dựng được những yếu tố rất căn bản ban đầu cho hình thành ngành tôm Việt Nam.

Chia sẻ với quyết tâm của Bộ trưởng Cường, ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin: Năm 2016, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi của thị trường, giá cả nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau vẫn đạt gần 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết việc làm cho trên 300.000 người.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế phát triển ngành tôm, thông tin từ Bộ NNPTNT, hiện nay giá thành sản xuất tôm còn cao; tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra; phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo; công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh hiện đang rất hạn chế; nền sản xuất manh mún, chưa tạo thanh vùng sản xuất hàng hóa tập trung...

Một vấn đề lớn của ngành tôm Việt Nam là vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm vẫn đang phải nhập khẩu khoảng 90% giống tôm trắng chân trắng bố mẹ, với số lượng từ 180.000-260.000 con. Trong khi đó, tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên

Theo đại diện các doanh nghiệp, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao là do giá thức ăn (chiếm 65%) và chi phí con giống luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện...

Thứ tưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng cảnh báo: Trong những năm tới, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của đập thủy điện ở thượng lưu sông Mekong, khả năng điều tiết nước ngọt sẽ tiếp tục gặp khó khăn... Dự báo sản lượng tôm của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan có thể phục hồi tăng trưởng vào các năm 2017 và 2018 sau thời kỳ sụt giảm sản lượng do dịch bệnh. Một số thị tường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản dự báo sẽ gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh, thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật khiến cho xuất khẩu khó duy trì tăng trưởng mạnh.

“Riêng thị trường Trung Quốc, mặc dù là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro, nhưng đây vẫn là sự lựa chọn thay thế và cân đối thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc ngày càng tăng” – Thứ trưởng Tám thông tin.

Các đại biểu dự hội nghị cũng đề xuất sớm phê duyệt và triển khai đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030; đưa con tôm vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia và có chương trình khoa học công nghệ dành riêng cho con tôm; rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó quy hoạch lại diện tích có khả năng chuyển đổi sang nuôi tôm; rà soát, ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích nuôi tôm công nghệ cao...

Đi nhanh và đi xa

“Tôi đặt vấn đề với các đồng chí đến năm 2025 phải đạt 10 tỷ USD”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu này về sự phát triển ngành tôm. Theo Thủ tướng, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Mục tiêu đưa ra là ngành tôm phải phát triển bền vững, phấn đấu đạt khoảng 10% GDP quốc gia.

Dẫn lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận về các giải pháp phát triển ngành tôm để đạt mục tiêu 10 tỷ USD sớm hơn: “Chúng ta có thể chủ động giống không? Thức ăn tốt và giá thành phù hợp có làm được không? Quy trình, kỹ thuật canh tác tôm nhân rộng thế nào để có năng suất cao, không bị dịch bệnh. Chế biến, thương hiệu thế nào, bao bì làm sao?”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, Việt Nam, trước hết là ĐBSCL là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như: Sản xuất con giống, nguồn thức ăn, các công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi, chế biến tôm. Việt Nam phấn đấu trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

“Chính phủ, Bộ NNPTNT, cũng như các địa phương cần hiểu rõ sự lo ngại về việc phụ thuộc quá lớn vào con giống, thức ăn của ngành nuôi tôm Việt Nam vào các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi đề nghị phải kiểm soát các độc quyền nhóm trong việc cung cấp con giống và thức ăn của ngành tôm. Phải làm sao chúng ta tìm được một phương án tốt nhất cho việc cung cấp giống và thức ăn với giá thành hợp lý và đặc biệt là không phụ thuộc vào nước ngoài” – Thủ tướng đề nghị.


Australia nới lệnh cấm, doanh nghiệp tôm Việt Nam “thở phào” Australia nới lệnh cấm, doanh nghiệp tôm Việt… Hướng dẫn sử dụng FarmX Hướng dẫn sử dụng FarmX