Mô hình kinh tế Nam Định Nâng Cao Chất Lượng Con Giống Bảo Đảm Thành Công Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Nam Định Nâng Cao Chất Lượng Con Giống Bảo Đảm Thành Công Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Publish date Thursday. December 4th, 2014

Nam Định Nâng Cao Chất Lượng Con Giống Bảo Đảm Thành Công Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh Nam Định hiện phát triển sôi động cả ở vùng mặn lợ và nước ngọt; diện tích nuôi trồng đạt trên 15,5 nghìn ha với 40 vùng nuôi tập trung, sản lượng trung bình mỗi năm đạt 63,5 nghìn tấn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất giống, sản xuất thức ăn và nuôi trồng được ứng dụng nhanh vào sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều trang trại NTTS có quy mô khá lớn; phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đang dần thay thế phương thức nuôi quảng canh truyền thống.

Đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, chất lượng sản phẩm thủy sản từng bước được nâng cao. Để có kết quả đó, trong công tác chỉ đạo do xác định con giống là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo thành công trong nuôi thủy sản nên từ nhiều năm nay tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng giống thủy sản.

Toàn tỉnh hiện có 81 cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó có 22 trại giống thủy sản nước ngọt và 59 cơ sở giống hải sản mặn lợ. Hạ tầng sản xuất giống thủy sản nước ngọt có tổng diện tích 129,8ha ao ương nuôi và 179 bể đẻ + bể ương với dung tích 3.278m3, tổng công suất là 2,29 tỷ con cá bột/năm.

Hạ tầng sản xuất giống hải sản mặn lợ có 79,5ha ao đầm và gần 10 nghìn m3 ao, bể ương nuôi, tổng công suất trên 20 tỷ con giống/năm. Hằng năm, các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt sản xuất 1,5 tỷ con cá bột, 15 triệu con cá rô đồng; ương nuôi được 800 triệu con cá giống và 3 - 5 triệu con cá rô phi đơn tính để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Ngoài việc sản xuất giống các con nuôi truyền thống như cá trắm cỏ (rohu), trôi mrigal, mè trắng, các cơ sở sản xuất giống nước ngọt đã tiếp nhận công nghệ và sản xuất thành công nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế như cá rô phi đơn tính, trắm đen, cá bống tượng, cá chim trắng, tôm càng xanh, cá lăng chấm, cá chép chọn giống (một loài cá chép mới)... góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trong vùng nước ngọt và mở ra triển vọng mới cho việc phát triển NTTS nước ngọt, đặc biệt là các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Trong năm 2014, các cơ sở sản xuất giống hải sản mặn lợ đã sản xuất được 9.035 triệu con, trong đó có 136 triệu con tôm sú P15, 30 triệu con cá bống bớp, 24 triệu con cua biển, 8.730 triệu con ngao và 115 triệu con giống khác.

Lượng giống hải sản các loại sản xuất trong tỉnh đã đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu nuôi thả của tỉnh như: ngao, cá bống bớp, cua biển với chất lượng hơn hẳn con giống nhập từ nơi khác; uy tín và thương hiệu của các trại giống hải sản đã được khẳng định. Hiện nay, các cơ sở sản xuất giống hải sản đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất giống của một số đối tượng như: hàu, tu hài, ngao, tôm sú, cá bống bớp, cua biển, cá sủ đất, cá chim biển vây vàng, cá hồng Mỹ… là những đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao.

Trong 81 cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh và Trung tâm Giống hải sản tỉnh. Đây là 2 đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản trong tỉnh, có đủ điều kiện để phối hợp với các trường, viện nghiên cứu triển khai các đề tài khoa học.

Đồng chí Nguyễn Viết Huệ, Giám đốc Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh cho biết: Công tác nuôi vỗ được Trung tâm thực hiện tốt, vật tư được chuẩn bị chủ động và đảm bảo về chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu cho sinh sản nhân tạo tất cả các đối tượng con giống của đơn vị, phục vụ các hộ NTTS trong tỉnh. Trong năm 2014, Trung tâm đã tổ chức sinh sản được 50 triệu con giống cá truyền thống, 20 vạn con giống cá đặc sản, ương 150 vạn con cá hương.

Ngoài ra Trung tâm còn có đàn cá trắm đen, cá lăng chấm hậu bị ở 2 ao, mỗi ao 2.500m2, cá sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao, trọng lượng đạt trên 3kg/con; nuôi cá truyền thống: chép lai, mè, trôi, trắm hậu bị, sản lượng ước đạt 2 tấn. Kế hoạch năm 2015, Trung tâm sẽ tổ chức cho sinh sản 60 triệu con giống cá truyền thống, 20 triệu con cá chép V1, 30 vạn con giống cá đặc sản; ương 180 vạn cá hương, giống các loại và 3 tấn cá hậu bị.

Hiện Trung tâm đầu tư sâu vào các con nuôi đặc sản; hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá lăng chấm, cá trắm đen; thử nghiệm sản xuất giống cá nheo Mỹ, cá chạch; nghiên cứu thử nghiệm công nghệ sản xuất giống ốc nhồi nhằm góp phần làm đa dạng đối tượng nuôi.

Ngoài 2 đơn vị kể trên, một số cơ sở sản xuất giống khác trong tỉnh như: Doanh nghiệp Cửu Dung, Cty TNHH Liên Phong, Cty Thiên Phú, Cty Bính Lợi, Cty Minh Phú và 3 Cty CP Cá giống của các huyện Nam Trực, Ý Yên, Trực Ninh... cũng có khả năng tham gia nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sản xuất con giống thủy sản.

Từ năm 2005 đến nay, các trung tâm và các cơ sở sản xuất giống đã triển khai thực hiện 17 dự án khoa học, trong đó có 10 dự án về sản xuất giống ngao, tôm chân trắng, hàu, cá bống bớp, cá song chấm nâu, cá vược, cá chình, tu hài, cá đối mục, cá lăng chấm, cá rô phi với kinh phí đầu tư trên 15 tỷ đồng.

Hằng năm, các cơ sở sản xuất giống cùng với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và các đơn vị trong ngành tiếp nhận nhiều công nghệ sản xuất giống và ứng dụng thành công trong thực tiễn sản xuất. Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất giống thủy sản của tỉnh còn những hạn chế do đàn bố mẹ chưa được thay thế, chọn lọc thường xuyên mà sử dụng qua nhiều thế hệ, dẫn đến hiện tượng thoái hóa, đồng huyết... nên có dấu hiệu suy giảm chất lượng, giảm năng suất và chất lượng con nuôi thương phẩm.

Hiện đàn giống thế hệ cụ kỵ, ông bà, bố mẹ thủy sản bị suy giảm do công tác bảo tồn, duy trì nguồn gene chưa tốt. Sản xuất giống thuỷ sản mới đáp ứng được 70% nhu cầu về giống ngao và 50 - 60% nhu cầu về các giống hải sản khác... Một số đối tượng nuôi chủ lực vẫn chưa được sản xuất trong tỉnh, còn phải nhập với số lượng lớn từ nơi khác.

Nhằm nâng cao chất lượng giống thủy sản và đưa Nam Định trở thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh đã xác định bổ sung các đối tượng nuôi mới có triển vọng vào cơ cấu sản xuất, gồm: cá lăng chấm, cá đối mục, cá chim biển vây vàng, cá sủ đất, một số loài nhuyễn thể mới.

Xây dựng bộ giống thủy sản nuôi thương phẩm có chất lượng cao và phù hợp với từng vùng nuôi. Các đối tượng nuôi nước ngọt gồm các giống: cá chép chọn giống, cá nheo Mỹ, cá rô phi đơn tính, diêu hồng, tôm càng xanh, ba ba, cá lăng chấm, trắm đen.

Các đối tượng nuôi mặn lợ gồm các giống: tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá bống bớp, cá chim biển vây vàng, cá vược, các loài nhuyễn thể. Cải tạo, nâng cao chất lượng đàn cá bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống nước ngọt trọng điểm của tỉnh. Tiếp nhận công nghệ sản xuất giống một số đối tượng mới, có giá trị kinh tế và có khả năng phát triển.

Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng vùng trọng điểm sản xuất giống thủy sản tập trung bảo đảm hằng năm, các cơ sở sản xuất giống nước ngọt tổ chức sản xuất khoảng 10 triệu con giống tôm càng xanh, 300 triệu con giống cá chép V1 và chép chọn giống, 15 triệu con giống cá diêu hồng, 15 triệu con giống cá lóc bông, 10 triệu con giống cá trắm đen; xây dựng các khu sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, các loài cá biển tập trung và sạch bệnh với công suất 1 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng, 20 tỷ con giống ngao, 30 triệu con giống cá bống bớp, 20 triệu con giống cá song, cá vược, 15 triệu con giống cá chim biển vây vàng.

Nâng cao năng lực cho Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh và Trung tâm Giống hải sản tỉnh làm hạt nhân, củng cố, mở rộng quy mô sản xuất của 21 trại giống thủy sản nước ngọt và 58 cở sở sản xuất giống mặn lợ. Thiết lập mối quan hệ bền vững giữa Trung tâm với các cơ sở nhân nuôi, thống nhất quản lý về chất lượng giống.

Các Trung tâm giống của tỉnh lưu giữ và sản xuất giống gốc, giống thuần của một số loài thủy, hải sản đặc hữu địa phương; các trại giống vùng ven biển tổ chức sản xuất giống các loài hải sản, các trại giống vùng nội đồng tổ chức sản xuất giống các loài thủy sản nước ngọt để cung ứng cho các vùng nuôi.

Khoanh vùng bảo tồn giống nhuyễn thể bản địa với diện tích 100ha tại Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Hỗ trợ, tạo điều kiện đầu tư, khuyến khích nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống của 2 Trung tâm sản xuất giống và các trại giống thủy, hải sản của tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu giống thủy, hải sản trong tỉnh và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng. Liên kết chuyển giao và ứng dụng nhanh công nghệ sản xuất các giống thủy, hải sản ưu thế tại địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Mục tiêu đến năm 2020 tỉnh sẽ chủ động 100% nhu cầu các giống tôm sú, nhuyễn thể, cá biển, các giống đặc sản nước ngọt như cá lăng chấm, tôm càng xanh, ba ba… và 50% nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng; tỷ lệ sử dụng giống thủy sản sạch bệnh, chất lượng cao đạt 100%; năng suất nuôi trồng các loại thủy sản chủ lực tăng từ 30% trở lên, đảm bảo NTTS phát triển bền vững.


Hàu Chết, Dân Mất Tiền Tỷ Hàu Chết, Dân Mất Tiền Tỷ Những Hộ Nuôi Hàu Đất Mũi Lãi Trên 1 Tỷ Đồng Những Hộ Nuôi Hàu Đất Mũi Lãi Trên…